Tại Hà Nội, đường phố nhộn nhịp từ 6h30 khi gần 2,3 triệu học sinh các cấp đi khai giảng. Đây là địa phương có số học sinh và trường, lớp nhiều nhất cả nước.
Cổng trường Tiểu học Yên Nghĩa, quận Hà Đông, được trang hoàng rực rỡ với cổng bóng và hoa tươi. Trịnh Minh Khang, lớp 4A1, đạp xe đi từ nhà lúc 6h.
"Tối qua con ngủ chập chờn, một lúc lại thức dậy vì háo hức. Hôm nay con hát hai bài Tiếng trống trường em và Thầy cô cho em ước mơ", Khang nói, cho biết đã cùng các bạn trong đội văn nghệ tập luyện cả tuần trước. Em cũng tự tay bọc sách, dán nhãn vở, thích thú với bộ học liệu khoa học công nghệ, tự tháo ra và lắp ghép.
Ở trường THCS Trần Duy Hưng, quận Cầu Giấy, thầy phó hiệu trưởng Nguyễn Ngọc Phúc cho biết khai giảng bắt đầu lúc 7h30, trong khoảng 45 phút, tinh thần là gọn nhẹ.
"Sau đó, học sinh học tiết hai như bình thường", thầy Phúc nói. Trường THCS Trần Duy Hưng tiếp tục đặt mục tiêu phát triển giáo dục mũi nhọn, tiên tiến trong năm học mới. Song, trường cũng đối mặt nỗi lo chung của ngành là làm thế nào tuyển giáo viên mới, đồng thời đảm bảo thu nhập cho thầy cô đang công tác.
Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Trần Thế Cương cho biết tình trạng thiếu giáo viên xảy ra cục bộ. Với khoảng 123.000 giáo viên, Hà Nội cơ bản đáp ứng được nhu cầu thực hiện chương trình mới.
TP HCM năm nay có hơn 1,7 triệu trẻ mầm non, học sinh, tăng hơn 35.000 em so với năm trước. Lãnh đạo thành phố dến dự khai giảng ở nhiều trường học, nhưng không phát biểu.
Ở trường THPT Bùi Thị Xuân, quận 1, khai giảng sôi động với sự góp mặt của hai rapper được giới trẻ yêu thích là Ricky Star và Freaky. Thầy hiệu trưởng Huỳnh Thanh Phú nói việc mời ca sĩ trẻ, tài năng, được học sinh yêu thích đến giao lưu là cách để tạo động lực, khích lệ học trò phấn đấu, phát huy tài năng, cá tính của mình.
"Nhà trường mong học sinh tận hưởng ngày khai giảng thật sự như ngày hội dành cho mình", thầy Phú nói.
Minh Thư, học sinh lớp 10A15, ấn tượng với lễ khai giảng sôi động. "Chúng em được hết mình, đúng chất tuổi trẻ. Đây là lễ khai giảng đáng nhớ với em". Sau buổi lễ, nữ sinh vào phòng truyền thống thắp nhang trước tượng đô đốc Bùi Thị Xuân như một lời chào và mong ước có ba năm học tươi đẹp dưới mái trường này.
Ở xã đảo duy nhất của thành phố, trường Tiểu học Thạnh An đón hơn 260 học sinh đến khai giảng. Thầy Lê Hữu Bình, Hiệu trưởng, cho biết phần lễ diễn ra ngắn gọn với điểm nhấn là đón học sinh lớp 1, dành thời gian cho phần hội với nhiều trò chơi như bắt cá, tô tranh, ném bóng.
Điểm trường Tất Rối, trường Phổ thông Dân tộc bán trú tiểu học Trà Tập, huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam, hôm nay khai giảng trong thời tiết nắng ráo. Điểm trường có một lớp ghép gồm hai học sinh lớp 1 và sáu học sinh lớp 2, còn lại là 15 trẻ mầm non.
Sân khấu lễ khai giảng được trang hoàng với cờ Tổ quốc và ảnh Bác Hồ. Thầy Nguyễn Văn Hối, chủ nhiệm lớp ghép chủ trì buổi lễ và đánh trống khai trường. Nơi đây cách trung tâm huyện Nam Trà My khoảng 10 km, học sinh là con em làng Tất Rối. Vì đường sá đi lại cách trở, người dân phải làm một chiếc bè rồi dùng dây kéo qua sông. Hôm nay, hai học sinh chưa kịp đến trường.
"Học sinh và điểm trường gặp nhiều khó khăn, nhất là vào mùa mưa lũ, nước sông chảy lớn. Để khắc phục, giáo viên ở lại trường để lên lớp", thầy Hối nói, cho hay đã ở đây hơn 5 năm.
Quảng Nam năm nay có hơn 720 trường học với khoảng 346.000 học sinh. Ngành giáo dục thiếu hơn 2.000 giáo viên, chủ yếu ở các huyện miền núi. Tỉnh đang nghiên cứu cơ chế thu hút giáo viên từ đồng bằng, ven thành phố lên dạy học và công tác lâu dài (từ 5-10 năm).
Ở THPT Tây Trà, phía tây huyện Trà Bồng, cách TP Quảng Ngãi khoảng 80 km, do đường từ nhà đến trường xa (khoảng 15 km), địa hình đồi dốc, khoảng 100 em đã đến khu bán trú của trường từ hôm qua để chuẩn bị cho lễ khai giảng.
Thầy Võ Hồng Trường, Hiệu trưởng, cho biết một đến hai tuần nữa trường mới bố trí được bếp ăn nên các em sẽ tự túc ăn uống. Năm nay, trường có 560 học sinh, trong đó gần 230 em vào lớp 10. Dù còn nhiều khó khăn, năm qua 100% học sinh của trường đỗ tốt nghiệp.
Tại Gia Lai, hàng trăm học sinh trường Phổ thông dân tộc nội trú tỉnh tập trung trong sân trường từ 7h. Sáng nay, các em đón Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đến khai giảng.
Chủ tịch nước chia sẻ những khó khăn của học sinh vùng núi, mong nhà trường, thầy cô coi trọng việc đổi mới phương pháp dạy học, kiên trì, giúp học sinh bù đắp kiến thức thiếu hụt, không chạy theo điểm số, thành tích, học đến đâu chắc đến đó.
Ông nhấn mạnh mỗi cá nhân có năng lực riêng biệt. Bởi vậy, một trong những nhiệm vụ quan trọng của giáo dục là phải sớm phát hiện năng khiếu của từng học sinh ở mọi lĩnh vực, để có cách giáo dục, bồi dưỡng hợp lý, gắn với định hướng nghề nghiệp cho học sinh.
Chủ tịch nước cũng đánh giá việc thành lập hệ thống trường dân tộc nội trú và coi trọng giáo dục cho đồng bào thiểu số là chủ trương sáng tạo, thể hiện tư duy chiến lược với mục tiêu tạo nguồn nhân lực có trình độ cho vùng khó khăn.
"Nếu thực hiện tốt, chúng ta sẽ tạo được nền tảng vững chắc chăm lo cho đồng bào dân tộc, là con đường để thoát đói nghèo, xây dựng đội ngũ cán bộ người dân tộc thiểu số cho hệ thống chính trị, giữ vững an ninh chính trị, thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của miền núi, vùng sâu", ông Thưởng nói.
Gia Lai hiện có hơn 700 trường mầm non, phổ thông với khoảng 407.000 học sinh. Tỉnh đã đầu tư gần 373 tỷ đồng để xây mới, sửa chữa cơ sở vật chất và hơn 780 tỷ đồng mua sắm trang, thiết bị dạy học.
Dịp này, Chủ tịch nước tặng 10 suất quà cho học sinh trường nội trú; tặng 100 triệu đồng cho quỹ khuyến học. Ngoài ra, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn và Nhà xuất bản Giáo dục tặng tỉnh Gia Lai 190.000 bộ sách giáo khoa và các tủ sách dùng chung. Các đoàn công tác tặng tỉnh 20 tỷ đồng để xây trường và bếp ăn bán trú cho học trò.
Ở Cà Mau, trời mưa nhỏ nhưng nhiều em háo hức đến trường sớm. Năm nay, tỉnh có hơn 214.000 trẻ mầm non và học sinh phổ thông.
Tại trường Tiểu học Tân Tiến, huyện Đầm Dơi, hàng chục em ở khu vực ven biển thuộc các ấp Bồ Cộ, Thuận Tạo, Thuận Thành đến trường bằng ghe, xuồng. Chị Nguyễn Thị Hằng, 37 tuổi, ở ấp Thuận Tạo, cho biết cả nhà thức dậy từ sáng sớm để chuẩn bị đưa hai con học lớp 4 và 9 đến khai giảng. Nhà ở xa nên chị mất gần 50 phút lái xuồng.
"Hy vọng các con sẽ có một năm học nhiều niềm vui", người mẹ nói.
Cũng trong không khí mát mẻ, ở Biên Hòa, Đồng Nai, người dân thành phố công nghiệp rộn ràng đưa con đến trường. Chị Kim Oanh, công nhân Công ty Changshin Việt Nam, tranh thủ dặn dò con gái Bảo Uyên rồi đến công ty để vào ca làm việc.
"Tôi mong năm học mới con gái có điều kiện học tập tốt hơn, chăm ngoan học giỏi. Trường sẽ được nâng cấp mở rộng chứ không phải chật chội hơn 45 cháu một lớp như hiện nay", chị Oanh nói. Người mẹ cho hay, thu nhập công nhân còn hạn chế, chị phải cố gắng làm lụng mới có thể nuôi hai con ăn học.
Năm nay, Đồng Nai có hơn 720.000 học sinh, tăng so với năm học trước khoảng 20.000 em. Tỉnh hiện có khoảng 920 trường học, cơ sở giáo dục.
Khi đến khai giảng ở THCS Trảng Dài, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hồng Lĩnh thấy một phòng học lớp 8 khá chật. Ông động viên học sinh chịu khó học tập và cho hay tỉnh đang cố gắng xây trường mới để các em được học trong điều kiện tốt hơn.
Tại trường Tiểu học Đinh Tiên Hoàng, quận Hồng Bàng, Hải Phòng, học sinh mang theo những lá cờ đỏ sao vàng để vẫy chào năm học mới. Xung quanh, nhiều phụ huynh chụp ảnh, quay video làm kỷ niệm. Khoảng 500.000 học sinh ở các trường học khác cũng náo nhiệt từ sáng sớm.
Năm qua, Hải Phòng vào top địa phương có thành tích tốt nhất ở các kỳ thi Olympic quốc tế với ba huy chương vàng và bạc ở môn Toán, Vật lý. Ông Bùi Văn Kiệm, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo, nói dù vậy Hải Phòng sẽ không quá vui hay ảo tưởng mà quên đi những điều căn cốt nhất của giáo dục và đào tạo.
Ông cho rằng các nhà trường cần tăng cường công tác khảo thí và kiểm định, đánh giá chất lượng giáo dục. Trong khi đó, Sở sẽ liên tục thanh tra, giám sát ngăn chặn, xử lý nghiêm những tiêu cực nếu có. Ngoài ra, ngành đẩy mạnh hợp tác quốc tế với các tổ chức, doanh nghiệp của Hàn Quốc và Singapore.
Hôm qua, thầy trò các trường tiểu học trên huyện đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa đã dọn vệ sinh, trang trí để chuẩn bị cho lễ khai giảng sớm nay.
Thầy giáo Cao Văn Truyền, trường Tiểu học thị trấn Trường Sa chia sẻ niềm vui vì cơ sở vật chất của trường, lớp được quan tâm sửa sang đẹp, khanh trang. Các đơn vị làm nhiệm vụ trên đảo đã chung tay, hỗ trợ nhiều phần quà ý nghĩa cho học sinh.
Dù ở đảo xa, gặp nhiều khó khăn, thiếu thốn so với đất liền nhưng thầy Truyền cho hay các giáo viên đều nỗ lực hết mình để truyền đạt kiến thức cho học trò.
"Viêc này không chỉ trong sách giáo khoa, mà cả kinh nghiệm trong cuộc sống để các em trưởng thành hơn", thầy Truyền nói.
Ở trường Tiểu học và THCS Tiên Ngoại, thị xã Duy Tiên, Hà Nam, lễ khai giảng với 600 học sinh ngắn gọn với 4 nội dung chính: văn nghệ, chào cờ, đọc diễn văn, thư của Chủ tịch nước. Học sinh sau khi dự lễ dưới sân trường sẽ về từng lớp để giáo viên dặn dò, bắt đầu học từ ngày mai.
Cô Lê Thị Thanh Hải, 52 tuổi, giáo viên chủ nhiệm lớp 5, cho biết để dạy chương trình và sách giáo khoa mới, cô sẽ phải tập huấn và có nhiều việc để làm.
"Là giáo viên lớn tuổi, tôi cũng lo lắng, gặp áp lực vì sợ rằng mình sẽ không làm tốt", cô nói.
Năm nay, tinh thần chung của các địa phương là tổ chức khai giảng gọn nhẹ, tiết kiệm. Khoảng 8h, nhiều trường đã kết thúc lễ, học sinh vào lớp học bình thường.
Năm học trọng tâm của đổi mới giáo dục
Năm học 2023-2024, ngành giáo dục triển khai sách chương trình 2018 và sách giáo khoa mới với lớp 4, 8, 11, chuẩn bị hoàn thành lộ trình này vào năm sau ở các lớp cuối cấp (5, 9, 12).
Trả lời VnExpress trước thềm năm học mới, Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn nhìn nhận đây là năm học trọng tâm của đổi mới giáo dục, có rất nhiều nhiệm vụ và thử thách lớn.
Ngành giáo dục đối mặt với tình trạng thiếu hơn 118.000 giáo viên, trong khi khoảng 40.000 người nghỉ, bỏ việc ba năm qua và thu nhập với nghề giáo được cho là chưa tương xứng.
Một hay nhiều bộ sách cũng còn nhiều ý kiến khác nhau. Trong khi đó, dạy tích hợp là điểm "vướng, nghẽn, khó", theo đánh giá của Bộ trưởng Sơn. Ông cho biết khả năng cao Bộ sẽ điều chỉnh.
Phương án chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp THPT cũng cần chốt sớm, khi lứa học sinh đầu tiên theo chương trình mới tốt nghiệp vào năm 2025. Các nhà trường, giáo viên và học sinh đều mong ngóng để có kế hoạch ôn tập cho kỳ thi và xét tuyển đại học.
Ở bậc mầm non, Bộ thí điểm chương trình giáo dục mầm non mới. Ngoài ra, ông Sơn cho biết giáo dục thường xuyên cũng sẽ có một "phen đổi mới", từ tăng cường điều kiện, đội ngũ giáo viên, tới dạy học kiểm tra, đánh giá.
Người đứng đầu ngành giáo dục mong toàn thể nhà giáo và học sinh, sinh viên nỗ lực, phấn đấu đổi mới, sáng tạo để hoàn thành tốt trách nhiệm của mình.
Nhóm phóng viên