Chủ nhật, 24 tháng 11 năm 2024

24 0C

Hà Nội

30 năm dấu chân tình nguyện - Bài 2: Tuổi trẻ TPHCM kế thừa và phát huy truyền thống

Thứ sáu, 08/09/2023 | 09:28
[G-News24/7] -Tin liên quan

30 năm dấu chân tình nguyện - Bài 1: Sức sống từ những mô hình

30 năm dấu chân tình nguyện - Bài 3: Phát huy vai trò “mở đường” trong phong trào tình nguyện

Ký ức không quên

Từng là thủ lĩnh thanh niên xuất quân vào “mặt trận” kinh tế trong xây dựng thành phố sau giải phóng, đồng chí Phạm Chánh Trực, nguyên Phó Bí thư Thành ủy TPHCM, nguyên Chủ tịch HĐND TPHCM, Bí thư Thành đoàn TPHCM đầu tiên của TPHCM sau giải phóng, là người thấy rõ vai trò xung kích của thanh niên.

Trong ký ức của đồng chí, sau giải phóng, công việc của TPHCM hết sức bộn bề, phải tổ chức lại toàn bộ xã hội. Chính quyền cách mạng thời điểm đó đang được thành lập nên có những lĩnh vực chưa có người đảm đương. Thế là sinh viên, học sinh, thanh niên lao động xung phong tham gia nhiều hoạt động. Họ điều tiết giao thông, dọn vệ sinh môi trường. Khi tình hình dần ổn định, dưới sự chỉ đạo của Thành ủy TPHCM, Thành đoàn TPHCM bắt đầu tổ chức lực lượng thanh niên tình nguyện làm kinh tế mới, tham gia lao động sản xuất…

“Hoạt động tình nguyện của thanh niên TPHCM đã có từ những ngày đầu sau giải phóng. Đó chính là truyền thống, và từ đó hình thành nên nhiều mô hình tình nguyện như hiện nay”, đồng chí Phạm Chánh Trực chia sẻ.

do-hoa-9837.jpg

Đồ họa: NGỌC TRÂM

Từ kết quả đã đạt được trong các hoạt động tình nguyện của thanh niên TPHCM từ sau năm 1975 đến đầu thập kỷ 90 của thế kỷ XX, Thành đoàn TPHCM triển khai hoạt động tình nguyện theo mô hình mới, khởi đầu từ chiến dịch Ánh sáng văn hóa hè năm 1994.

Ông Huỳnh Công Ba, nguyên Trưởng phòng Công tác chính trị và học sinh sinh viên, kể: Trước năm 1983, Ban giám hiệu Trường Đại học Sư phạm TPHCM có đề án xóa mù chữ cho các huyện vùng ven của thành phố. Ban đầu là những lớp học hiu hắt dưới ngọn đèn dầu, chỉ 2-3 năm sau, “ánh sáng tri thức” của phong trào đã lan đến 22 xã và 1 thị trấn của huyện Củ Chi, rồi lan đến huyện Bình Chánh, Thủ Đức, Hóc Môn.

Từ hiệu quả của chương trình, Thành đoàn TPHCM cho ra đời chiến dịch tình nguyện Ánh sáng văn hóa hè. Lần đầu ra quân vào năm 1994, chiến dịch thu hút hơn 700 sinh viên tham gia. Trong gần 3 tháng, chiến dịch đã xóa mù chữ cho 483 người ở mức 1; 504 người ở mức 2.

Không chỉ gói gọn tại TPHCM, chiến dịch lan nhanh đến nhiều địa phương khác trong cả nước. Cuối năm 1996, TPHCM đạt chuẩn quốc gia về xóa mù chữ. Ban Thường vụ Thành đoàn quyết định đẩy mạnh phong trào tình nguyện trong sinh viên, học sinh thành phố lên một bước, bằng việc cho ra đời chiến dịch tình nguyện Mùa hè xanh (vào năm 1997).

Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng gặp gỡ các thế hệ chiến sĩ tình nguyện và gia đình nuôi tiêu biểu

Dự kiến ngày 6-9, tại Hội trường Thống Nhất (TPHCM) sẽ diễn ra chương trình Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng gặp gỡ và biểu dương các thế hệ chiến sĩ, tình nguyện viên các thời kỳ; gia đình nuôi tiêu biểu nhân kỷ niệm 30 năm các chương trình, chiến dịch tình nguyện hè của thanh niên TPHCM (1994-2023).

Chương trình nhằm ghi nhận, biểu dương các thế hệ chiến sĩ tình nguyện, gia đình nuôi đã có nhiều đóng góp, gắn bó với các chương trình, chiến dịch tình nguyện hè của thanh niên TPHCM qua 30 năm. Chương trình cũng tạo điều kiện để gặp gỡ, giao lưu, cũng như trao đổi, lắng nghe các ý kiến chia sẻ, góp ý đối với các hoạt động, phong trào tình nguyện của thanh niên TPHCM trong thời gian tới.

THÁI PHƯƠNG

Tự hào là đại sứ cho tinh thần tình nguyện

Không chỉ thực hiện ở TPHCM, các chương trình, chiến dịch tình nguyện hè của TPHCM ngày càng lan rộng ra cả nước và đến cả nước bạn Lào, Campuchia. Từ lần đầu thực hiện năm 2004, đến nay hành trình tình nguyện trên đất Lào của tuổi trẻ TPHCM đã chạm mốc 18 năm, để lại những kỷ niệm khó phai giữa nhân dân hai nước. Là chỉ huy phó 2 chiến dịch tình nguyện hè tại Lào vào năm 2004, 2005, ông Lâm Đình Thắng, nay là Giám đốc Sở TT-TT TPHCM, không khỏi bồi hồi khi nhớ lại những ngày chuẩn bị cho hoạt động tình nguyện quốc tế đầu tiên.

e3a-9852.jpg Chiến sĩ tình nguyện giúp đỡ người dân huyện Sanamxay, tỉnh Attapeu (CHDCND Lào) sau sự cố vỡ đập thủy điện Xe Pian - Xe Namnoy năm 2018. Ảnh: THÀNH ĐOÀN TPHCM

Theo ông, các chương trình, chiến dịch tình nguyện ấy đã góp phần rất lớn trong việc vun đắp tình hữu nghị giữa nhân dân hai nước. “Tôi thấy tự hào là một phần của đội hình tình nguyện hè những ngày đầu tiên ấy”, ông Lâm Đình Thắng bày tỏ.

Hơn 30 năm qua, các chương trình, chiến dịch tình nguyện hè của thành phố ghi đậm dấu ấn và góp phần nâng cao đời sống người dân không chỉ ở TPHCM mà còn ở nhiều tỉnh, thành phố khác và các nước bạn Lào, Campuchia. Tự hào về kết quả đạt được, tuổi trẻ thành phố tiếp tục xác định tinh thần xung kích và khát vọng cống hiến, đồng hành cùng sự phát triển thành phố như chiến dịch tình nguyện Hành quân xanh năm 2023, chiến dịch tình nguyện Hoa phượng đỏ năm 2023.

* Nguyên Bí thư Thành đoàn TPHCM Nguyễn Chơn Trung: Quan tâm hiệu triệu các đội nhóm tình nguyện tự phát

Các chương trình, chiến dịch tình nguyện hè phải hướng đến giải quyết bức xúc của xã hội và nhu cầu của thanh niên, điển hình là các hoạt động tình nguyện hướng ra biển đảo. Các hoạt động tình nguyện này vừa đáp ứng nhu cầu cống hiến của tuổi trẻ, vừa có ý nghĩa giáo dục lớn về bảo vệ chủ quyền biển đảo.

Ngoài ra, từ thực tiễn cuộc sống đã hình thành nhiều đội nhóm tình nguyện tự phát. Tổ chức Đoàn phải là người tập hợp, hiệu triệu lực lượng này để vừa hỗ trợ, giúp đỡ vừa mở rộng được lực lượng tham gia giải quyết những bức xúc của xã hội hiện nay.

* Nguyên Bí thư Thành đoàn TPHCM Nguyễn Hoàng Năng: Chú trọng thực chất

Các hoạt động tình nguyện hè không nên chỉ mở rộng mà phải đào sâu, đòi hỏi tổ chức Đoàn phải tìm hiểu nhu cầu thực chất ở từng địa bàn để tổ chức các hoạt động tình nguyện mang ý nghĩa thiết thực nhất.

Thành đoàn TPHCM luôn có khát vọng mở chiến dịch tình nguyện trên nhiều trận địa, nhưng nếu quá nhiều trận địa thì sẽ không đủ nguồn lực để hoạt động đạt kết quả đề ra. Tức là không nên quá chú trọng mở rộng địa bàn mà phải đề cao tính thực chất, hoạt động tình nguyện phải thực sự mang lại hiệu quả cao.

* Phó Bí thư Thành đoàn, Chủ tịch Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam TPHCM NGÔ MINH HẢI, Chỉ huy trưởng Chiến dịch tình nguyện Mùa hè xanh: Không ngừng đổi mới phương thức tình nguyện

Trong mùa hè tình nguyện năm 2023, tuổi trẻ TPHCM đã triển khai nhiều công trình, phần việc của thanh niên thiết thực, ý nghĩa. Các công trình đều gắn liền với hoạt động kỷ niệm 30 năm các chương trình, chiến dịch tình nguyện hè của thanh niên TPHCM, với 5 nhóm công trình được tập trung thực hiện.

Nhìn lại 30 năm qua, chiến dịch tình nguyện Mùa hè xanh không ngừng chuyển mình, kế thừa, phát huy những giá trị tốt đẹp và không ngừng đổi mới phương thức tình nguyện phù hợp với xu hướng, bối cảnh của xã hội. Nhờ những ngày hè xanh ý nghĩa, các bạn cùng nhau sinh hoạt, làm việc, hòa mình vào tập thể để cống hiến cho nhiệm vụ chung. Điều đó sẽ giúp các bạn trui rèn được tính cách, điều chỉnh được hành vi, chuẩn mực đạo đức của bản thân và trang bị thêm những kỹ năng thực hành xã hội cần thiết cho sau này.

THẢO LÊ - THÁI PHƯƠNG ghi

THẢO LÊ
g-news247