BS.CKII Phan Thị Thu Minh, Phó khoa Nhi, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội, cho biết sốt xuất huyết là do virus sốt xuất huyết lây truyền qua vết đốt của muỗi Aedes bị nhiễm bệnh. Bé sốt 39-40 độ C, uống thuốc hạ sốt nhưng không giảm. Có các biểu hiện như da xung huyết, chảy máu chân răng hoặc chảy máu mũi, phát ban, mệt mỏi rũ rượi, đau họng, tiêu chảy, đau đầu, chán ăn, buồn nôn, đau nhức các khớp.
Trẻ mắc sốt xuất huyết thường kéo dài 2-7 ngày. Hầu hết các trường hợp đều hồi phục sau khi nhiễm bệnh nếu chăm sóc đúng cách. Hiện chưa có thuốc đặc hiệu hoặc thuốc kháng virus nên việc điều trị nhằm giảm các triệu chứng.
Lưu ý khi dùng thuốc
Bệnh nhi có thể điều trị, chăm sóc và theo dõi sức khỏe tại nhà. Tuy nhiên, phụ huynh cần cho con khám để được bác sĩ hướng dẫn chi tiết sử dụng thuốc. Sốt, đau khớp, buồn nôn, nôn mửa và phát ban ngứa có thể thuyên giảm bằng thuốc giảm đau paracetamol. Phát ban thường tự khỏi sau 2-3 tuần. Cha mẹ tránh cho trẻ dùng thuốc giảm đau như aspirin, ibuprofen, diclofenac, naproxen, axit mefenamic... vì có thể gây loét dạ dày, tăng biến chứng chảy máu.
Duy trì đủ nước
Trẻ sốt xuất huyết cần nghỉ ngơi và uống nhiều nước (nước lọc, oresol, nước ép trái cây, súp...) để tránh mất nước do sốt cao, ăn kém hoặc nôn mửa. Bé cần tránh đồ uống có chất kích thích gây mất nước như cà phê, trà, nước ngọt có hàm lượng đường cao, nước ép có màu đỏ hoặc sẫm màu. Nếu trẻ không thể uống do buồn nôn hoặc nôn, chất lỏng có thể được bác sĩ chỉ định truyền vào tĩnh mạch.
Hạn chế nguy cơ chảy máu
Sau giai đoạn hạ sốt, các nốt phát ban xuất hiện, trẻ dễ nôn ra máu, đi ngoài ra máu... Lúc này, bé cần nghỉ ngơi để giảm nguy cơ té ngã, chấn thương, tránh nguy cơ chảy máu. Nếu có chỉ định tiêm bé cũng hạn chế tiêm bắp. Khi trẻ bị chảy máu, bầm tím hoặc sưng tấy trong khi hồi phục sau sốt xuất huyết, cha mẹ nên liên hệ bác sĩ điều trị.
Chọn thực phẩm đúng cách
Thực phẩm bổ sung dinh dưỡng, vitamin và khoáng chất để trẻ nhanh hồi phục sức khỏe, nâng cao sức đề kháng. Cha mẹ lựa chọn đa dạng thực phẩm, chế biến dạng lỏng để bé dễ hấp thu. Trẻ nên ăn thực phẩm giàu vitamin C bởi chúng có đặc tính chống virus và chống oxy hóa, tăng cường khả năng miễn dịch. Vitamin này còn giúp hấp thụ sắt từ ruột.
Vitamin K là chất dinh dưỡng quan trọng có thể tăng số lượng tiểu cầu, đông máu, có thể chống lại bệnh sốt xuất huyết. Thực phẩm giàu calo giúp cơ thể giàu năng lượng, tăng sức lực, cải thiện sức khỏe. Trẻ không dùng thực phẩm khó tiêu, nhiều dầu mỡ, béo và cay vì dễ ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa.
Nếu bé có dấu hiệu đau bụng dữ dội, nôn nhiều, nôn ra máu, phân đen, chảy máu từ mũi và nướu, buồn ngủ hoặc khó chịu, da nhợt nhạt, khó thở... cần đến bệnh viện ngay.
Lục Bảo
Độc giả đặt câu hỏi bệnh trẻ em tại đây để bác sĩ giải đáp