Thứ sáu, 22 tháng 11 năm 2024

24 0C

Hà Nội

800 doanh nghiệp Việt đang làm nhà cung ứng cho các “ông lớn”

Thứ hai, 25/09/2023 | 23:04
[G-News24/7] -2f9d324b-b84e-471d-a042-ad0e70e79192-1509.jpeg

Các đại biểu tham gia cuộc tọa đàm ngày 22-9 do Bộ Công thương tổ chức

Tại cuộc tọa đàm "Tháo gỡ khó khăn, tăng trợ lực cho công nghiệp hỗ trợ", tổ chức ngày 22-9 ở Hà Nội, ông Phạm Tuấn Anh, Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp (Bộ Công thương) cho biết, cả nước hiện có khoảng 5.000 doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ và các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ hiện nay như dây cáp điện, hộp số, các linh kiện nhựa... Thị trường xuất khẩu chủ yếu của Việt Nam là Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc, Hoa Kỳ.

Ông Phạm Tuấn Anh cũng thông tin, số lượng doanh nghiệp tham gia làm nhà cung ứng cấp 1 cho các tập đoàn đa quốc gia hiện có khoảng 100 doanh nghiệp; cung ứng cấp 2, cấp 3 khoảng 700 doanh nghiệp.

Trong đó, ở lĩnh vực điện tử hiện có khoảng 50 doanh nghiệp là nhà cung ứng cấp 1 và khoảng 170 doanh nghiệp là nhà cung ứng cấp 2 cho Tập đoàn Samsung. Ở lĩnh vực cơ khí - ô tô, hiện chúng ta có khoảng 12 doanh nghiệp tham gia cung ứng cấp 1 cho Toyota.

Tỷ lệ nội địa hóa của các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ của chúng ta đã được cải thiện rất đáng kể trong thời gian vừa qua. Cụ thể như trong lĩnh vực dệt may, da giày, tỷ lệ nội địa hóa khoảng 45 - 50%; các lĩnh vực cơ khí chế tạo đạt 15 - 20%; lĩnh vực sản xuất, lắp ráp ô tô đạt 5 - 20%, riêng một số sản phẩm như xe tải và xe khách thì tỷ lệ nội địa hóa này đạt cao hơn.

a73a6753-d32b-43d0-9c84-99c04f6fa77d-9400.jpeg

Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp Phạm Tuấn Anh

Đề cập tới tiềm năng và bức tranh tương lai của công nghiệp hỗ trợ tại Việt Nam, Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp nhận định, xu thế của các tập đoàn, nhà sản xuất lớn là chuyển dịch đến những quốc gia có tình hình chính trị ổn định để làm nơi sản xuất lâu dài.

Với thế mạnh là tình hình chính trị rất ổn định và lực lượng lao động trẻ dồi dào, Việt Nam đứng trước cơ hội đón nhận được trào lưu chuyển dịch đầu tư vào Việt Nam, với những lĩnh vực tương đối “hot” hiện nay, như công nghiệp công nghệ cao, bán dẫn…

Trong các chuyến thăm chính thức của lãnh đạo hai nước Việt Nam - Hoa Kỳ, đã có những gợi mở về việc các nhà đầu tư của Hoa Kỳ sẽ đầu tư vào Việt Nam. Gần đây nhất, trong chuyến công tác tại Hoa Kỳ, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chứng kiến việc ký kết giữa các tổ chức, doanh nghiệp Việt Nam với những tập đoàn sản xuất chip bán dẫn hàng đầu của Hoa Kỳ.

Tín hiệu đáng mừng, cơ hội rất lớn, song ông Phạm Tuấn Anh cho rằng, vẫn có không ít thách thức và điểm nghẽn về hạ tầng, năng lực của doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ.

“Khi một doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào Việt Nam, họ rất cần những doanh nghiệp vệ tinh nội địa đủ năng lực để cung cấp sản phẩm cho họ, giúp giảm thiểu được nhiều chi phí trong quá trình sản xuất, nhưng đây vẫn là một điểm yếu của chúng ta”, ông Phạm Tuấn Anh nói.

Theo ông Phạm Tuấn Anh, để tháo gỡ khó khăn, Bộ Công thương có chủ trương cùng các bộ, ngành xây dựng các khu, cụm công nghiệp liên kết ngành, thu hút được ít nhất 1 doanh nghiệp đầu đàn đầu tư vào đó, kéo theo các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ, từ đó giảm giá thành sản phẩm, tăng lợi thế của doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ.

Nghị định số 111/2015/NĐ-CP của Chính phủ về phát triển công nghiệp hỗ trợ đã ban hành từ năm 2015, đến nay đã 8 năm và cần được bổ sung, chỉnh sửa. Dự thảo nghị định sửa đổi Nghị định 111/2015/NĐ-CP đã nêu ra điểm cốt lõi là việc cấp bù lãi suất cho các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ. Mặc dù hiện nay có một số ý kiến lo ngại về đề xuất này, nhưng theo quan điểm của Bộ Công thương, việc nhà nước đứng ra hỗ trợ doanh nghiệp trong giai đoạn đầu của quá trình sản xuất là nuôi dưỡng nguồn thu.

“Doanh nghiệp phải sản xuất, phải làm ra của cải cho đất nước mới có được doanh thu và mới được hưởng thuế thu nhập doanh nghiệp ở mức ưu đãi”, ông Tuấn Anh cho rằng đây là điểm mới của dự thảo nghị định này.

g-news247