Nhóm sĩ quan quân đội Gabon đại diện cho toàn bộ lực lượng an ninh, quốc phòng ngày 30/8 tuyên bố đảo chính, quản thúc tại gia Tổng thống Ali Bongo Ondimba, 64 tuổi, giải tán toàn bộ thể chế chính quyền, chấm dứt 14 năm nắm quyền của ông.
Ali Bongo sinh ra ở thành phố Brazzaville của nước láng giềng Congo hồi tháng 2/1959, trong thời kỳ khu vực này vẫn là thuộc địa của Pháp. Nguồn gốc của ông từng gây tranh cãi suốt nhiều năm, với những tin đồn cho rằng ông là con nuôi của cựu tổng thống Omar Bongo, điều mà gia tộc này bác bỏ.
Khi Ali Bongo lên 8, cha ông lên nắm quyền lãnh đạo Gabon. Kể từ đó, cuộc đời ông bước sang trang mới, được hưởng những điều tốt đẹp nhất ở Gabon.
Năm 9 tuổi, Ali Bongo theo học trường tư ở Neuilly, Pháp, sau đó vào Đại học Sorbonne ở thủ đô Paris để theo đuổi ngành luật. Nền tảng giáo dục chủ yếu ở nước ngoài khiến Ondimba bị nhiều người Gabon coi là "người ngoài".
"Ông ấy không sinh ra trong dinh tổng thống nhưng cũng gần giống vậy. Việc ông ấy được gửi tới những trường tốt nhất tại Pháp và không học tiếng địa phương là điều khiến ông ấy bị chỉ trích sau này", Francois Gaulm, nhà sử học Pháp chuyên nghiên cứu về Gabon, nói.
Năm 1973, Ali Bongo và cha ông cải đạo sang đạo Hồi, trở thành những thành viên hiếm hoi trong gia tộc làm như vậy, trong khi tôn giáo chính của Gabon là Kito giáo. Động thái này được nhiều người coi là cách để thu hút đầu tư từ các nước Hồi giáo.
Khi còn trẻ, Ali Bongo sớm bộc lộ đam mê bóng đá và âm nhạc, điều được thừa hưởng từ người mẹ là ca sĩ Gabon Patience Dabany. Tài năng âm nhạc của ông sớm được khẳng định khi ra mắt album nhạc Funk A Brand New Man năm 1977 trong vai trò ca sĩ.
Tới những năm gần đây, khi đã làm Tổng thống Gabon, Ali Bongo được cho là vẫn giữ niềm yêu thích với các thể loại âm nhạc.
4 năm sau đó, Ali Bongo chuyển hướng sang chính trị. Ông làm việc trong chính quyền của cha mình với vai trò Bộ trưởng Quốc phòng suốt 10 năm và được bổ nhiệm làm Ngoại trưởng năm 1989. Ba năm sau, ở tuổi 32, ông phải từ chức, do hiến pháp mới của Gabon quy định bộ trưởng phải trên 35 tuổi.
"Ban đầu, người dân Gabon không coi Ali Bongo là ứng viên tiềm năng kế nhiệm cha. Nhưng sau đó, ông ấy trở nên chín chắn hơn vẻ ngoài của mình. Lần đầu tiên mọi người nhìn thấy sự nghiêm túc của ông ấy là khi Ali Bongo tái cơ cấu quân đội", chuyên gia Gaulme nói.
Trước khi tổng thống Omar Bongo qua đời năm 2009, Ali Bongo dường như vẫn chưa thuyết phục được các cử tri Gabon. Ông sau đó xây dựng hình ảnh là người giản dị, năng nổ đi vận động tranh cử ở các địa phương.
"Cha ông ấy theo chủ nghĩa dân túy nhưng Ali Bongo lại lớn lên trong nhung lụa, khiến ông khó gắn kết với tầng lớp bình dân", chuyên gia Gaulme nhận xét.
Dù vậy, trong cuộc bầu cử năm 2009, Ali Bongo vẫn đắc cử Tổng thống với 42% phiếu bầu. "Tôi tự lực giành lấy vị trí này, không phải từ trên trời rơi xuống", Ali Bongo nói về chiến thắng khi đó.
Tuy nhiên, trong suốt thời gian nắm quyền từ năm 2009, Tổng thống Ali Bongo luôn bị phe đối lập hoài nghi về tính chính danh của mình.
Tới cuộc bầu cử năm 2016, ông Ali Bongo tiếp tục bị nghi ngờ thiếu minh bạch khi đánh bại đối thủ với chỉ 6.000 phiếu. Phe đối lập Gabon cáo buộc đã xảy ra gian lận bầu cử, song đảng Dân chủ Gabon (PDG) cầm quyền bác bỏ.
Ông Ali Bongo và các thành viên trong gia đình cũng từng bị cáo buộc tham nhũng. Hình ảnh Tổng thống Gabon, cổ động viên nhiệt thành của Real Madrid, chở cầu thủ Lionel Messi đi vòng quanh thủ đô Libreville trên một chiếc ôtô xa xỉ gây chú ý vào năm 2017.
Cảnh sát Pháp cũng từng tiến hành cuộc điều tra dài 7 năm với gia đình Tổng thống Ali Bongo, cho hay gia đình ông sở hữu 39 bất động sản ở Pháp cùng 9 chiếc ôtô hạng sang.
Cuộc điều tra bị đình chỉ năm 2017 do không đủ bằng chứng cho thấy các thành viên gia đình Tổng thống Ali Bongo "tư lợi bất chính". Gia đình ông cũng liên tục phủ nhận cáo buộc.
Trong khi đó, những người dân Gabon ủng hộ Ali Bongo lại coi ông là người đóng góp quan trọng trong nỗ lực đa dạng dọa hóa nền kinh tế vốn phụ thuộc dầu mỏ của đất nước.
Theo dữ liệu của Ngân hàng Thế giới (WB) năm 2016, ngành dầu mỏ Gabon chiếm 80% xuất khẩu, 45% GDP và 60% doanh thu tài chính của đất nước trong 5 năm trước đó. Tuy nhiên, trữ lượng dầu mỏ của Gabon đang dần suy giảm.
"Ali Bongo rất nhạy bén và có thể nhận ra khó khăn với ngành khai thác dầu mỏ là không tạo ra nhiều việc làm. Mục tiêu của ông ấy là biến Gabon thành nền kinh tế có kỹ thuật và công nghệ cao hơn", nhà phân tích Paul Melly của tổ chức nghiên cứu Chatham House, trụ sở ở Anh, nhận xét.
Tổng thống Ali Bongo đã tận dụng các mối quan hệ của mình để thúc đẩy xây dựng nền kinh tế mạnh mẽ hơn. Ông được cho là đã đi khắp thế giới để tìm kiếm các nhà đầu tư và đối tác mới ở các quốc gia như Arab Saudi và Kuwait, đồng thời vẫn giữ mối quan hệ chặt chẽ với Pháp.
Trong chuyến thăm Arab Saudi để dự hội nghị đầu tư hồi tháng 10/2018, ông Ali Bongo bị đột quỵ phải nhập viện. Ông sau đó vắng bóng nhiều tháng trước công chúng và chính quyền Gabon cũng không lên tiếng về tình hình sức khỏe của Tổng thống.
Đồn đoán về tình hình sức khỏe của Ali Bongo sau đó gia tăng khi ông đi lại một cách khó khăn và phải chống gậy trong những lần hiếm hoi xuất hiện trước công chúng. Trong chuyến thăm Pháp hồi tháng 6, ông đi lại tập tễnh và cần người hỗ trợ để lên bậc cầu thang.
Ali Bongo bác bỏ những hoài nghi về sức khỏe của mình và vẫn quyết định tranh cử nhiệm kỳ ba. Những người ủng hộ Ali Bongo cho rằng ông khó cử động chân và cánh tay phải, nhưng điều đó hoàn toàn không ảnh hưởng năng lực lãnh đạo của ông.
Cơ quan bầu cử Gabon ngày 30/8 thông báo Tổng thống Ali Bongo tái đắc cử nhiệm kỳ ba với 64,27% phiếu bầu. Ngay sau khi kết quả bầu cử được đưa ra, các sĩ quan quân đội tuyên bố đảo chính vì cuộc bầu cử "không đáng tin cậy". Hiện chưa rõ tình hình sức khỏe và tương lai chính trị của Ali Bongo.
Ngọc Ánh (Theo BBC)