Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Mỹ, cân bằng lượng carbohydrate (carb) giúp người bệnh tiểu đường kiểm soát đường huyết. Lượng carb mỗi ngày phụ thuộc vào tuổi, cân nặng, giới tính, mức độ hoạt động và mức glucose (đường) trong máu. Mức tiêu thụ carb còn dựa trên lượng thuốc điều trị hoặc insulin đang dùng, phản ứng đường huyết (đường huyết thay đổi sau ăn), kiểu ăn uống.
Trung bình một người mắc tiểu đường cần khoảng 50% lượng calo hàng ngày từ carb. Ví dụ, một người tiêu thụ 1.600 calo mỗi ngày, trong đó khoảng 800 calo từ carb. Vì mỗi gam carb cung cấp 4 calo nên lượng carb người này cần là 200 g mỗi ngày.
Theo Hiệp hội Tiểu đường Mỹ, để tìm ra lượng carb phù hợp, người bệnh tiểu đường nên kiểm tra đường huyết trước và sau ăn. Nếu lượng đường trong máu hai giờ sau ăn trong phạm vi an toàn (70-180 mg/dl), lượng carb và thức ăn tiêu thụ phù hợp. Trường hợp cao hơn, người bệnh cần điều chỉnh bữa ăn. Thông thường, người tiểu đường cần ăn 45-60 g carb cho mỗi bữa chính và 15-30 g carb cho bữa nhẹ.
Nên chọn carb phức tạp thay cho carb tinh chế. Vì loại tinh chế đã được xử lý, giảm lượng chất xơ, khoáng chất như folate, sắt nên có khả năng làm tăng đường huyết sau ăn. Carb tinh chế gồm bánh mì trắng, bánh ngọt, mì ống, cơm trắng.
Carb phức tạp là loại tinh bột được tiêu hóa chậm hơn, có nhiều chất xơ giúp no lâu hơn như gạo lứt, yến mạch, diêm mạch, bắp, trái cây, rau. Người tiểu đường cần lưu ý khẩu phần ăn carb phức tạp. Lượng tiêu thụ quá mức vẫn ảnh hưởng đường huyết.
Kết hợp carb, protein và chất béo lành mạnh trong các bữa ăn giúp làm chậm quá trình hấp thu glucose trong máu. Protein có trong thịt gia cầm, cá, trứng, đậu phụ, các loại đậu và hạt. Quả bơ, dầu ô liu, dầu hạt, bơ thực vật, các loại hạt chứa chất béo lành mạnh.
Khi theo dõi lượng carb, người bệnh tiểu đường cũng cần chú ý đến lượng đường mỗi ngày. Hiệp hội Tim mạch Mỹ khuyến nghị người trưởng thành tiêu thụ không quá 6% lượng calo hàng ngày từ đường bổ sung. Nữ giới không dùng quá 6 thìa cà phê (25 g) đường và không quá 9 thìa cà phê (37 g) với nam giới.
Theo nghiên cứu năm 2018 của Đại học British Columbia (Canada) trên 32 người mắc tiểu đường type 2, bữa ăn sáng ít carb, giàu protein và chất béo lành mạnh cải thiện cân nặng, giảm đường huyết trong cả ngày.
Bữa trưa nhiều chất xơ với rau và ngũ cốc nguyên hạt cung cấp năng lượng trong buổi chiều. Trong bữa tối, người bệnh ăn vừa phải protein nạc và rau để giữ ổn định đường huyết. Hạn chế nước trái cây, sữa, nước ngọt và rượu vì chúng nhiều carb. Đồ uống nên chọn như nước lọc, trà hay cà phê không đường với lượng vừa phải.
Dưới đây là thực đơn tham khảo cho người bệnh tiểu đường cung cấp 45-60 g carb mỗi bữa chính và 15-30 g mỗi bữa nhẹ.
Bữa sáng: Ba quả trứng, hai lát bánh mì nguyên hạt nướng ăn kèm rau xà lách và cà chua, một miếng trái cây nhỏ. Tổng lượng carb 45 g.
Bữa trưa: Salad gồm xà lách, dưa chuột, cà rốt, 1/4 quả bơ; một chén súp đậu lăng ít muối; 700 g bắp rang bơ. Tổng lượng carb 50 g.
Ăn nhẹ xế chiều: Một quả táo nhỏ, một muỗng canh bơ đậu phộng. Tổng lượng carb 18 g.
Bữa tối: 115 g cá hồi nướng, 230 g măng tây nướng, 115 g đậu trắng hầm, một củ khoai lang lớn nướng hoặc luộc. Tổng lượng carb 55 g.
Ăn nhẹ tối: Một hộp sữa chua nguyên chất không béo, 175 g việt quất. Tổng lượng carb 22 g.
Mai Cat (Theo Very Well Health)
Độc giả đặt câu hỏi bệnh nội tiết - đái tháo đường tại đây để bác sĩ giải đáp