Chủ nhật, 24 tháng 11 năm 2024

24 0C

Hà Nội

Ấn định thời gian triển khai thí điểm dùng cát biển đắp nền cao tốc

Thứ tư, 13/09/2023 | 18:06
[G-News24/7] -

(KTSG Online) – Bộ Giao thông Vận tải vừa đưa ra các mốc thời gian triển khai thí điểm dùng cát biển đắp nền cao tốc gồm thí nghiệm vật liệu trong tháng 10 và thí điểm hiện trường, báo cáo kết quả thực hiện trong tháng 11-2023.

  • Thành lập tổ nghiên cứu thí điểm cát biển làm vật liệu xây dựng dự án giao thông
  • Cục Địa chất đề xuất sử dụng cát biển trong san lấp, xây dựng
Tiến độ thi công cao tốc Cần Thơ – Cà Mau đang bị chậm vì thiếu cát đắp nền. Ảnh: Nguyên Việt

Theo Bộ Giao thông Vận tải, khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, giai đoạn từ nay đến năm 2025 sẽ triển khai đồng loạt các dự án đường bộ cao tốc, nên nhu cầu cát đắp đường là khoảng 54 triệu m3. Tuy nhiên, trữ lượng cát sông theo khảo sát rất thấp.

TTXVN cho biết, Bộ Giao thông Vận tải vừa có thông báo số 289/TB-BGTVT thông báo kết luận của Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng tại cuộc họp đánh giá khai thác thí điểm việc sử dụng cát biển làm vật liệu xây dựng cho hạ tầng giao thông và xây dựng.

Đối với việc thí điểm sử dụng cát biển làm vật liệu đắp nền đường tại dự án cao tốc Hậu Giang – Cà Mau, Bộ Giao thông Vận tải yêu cầu Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận khẩn trương trình các định mức thi công và vận chuyển cát biển, chỉ dẫn kỹ thuật của đoạn thí điểm; hoàn thiện hồ sơ, báo cáo hội đồng đánh giá kết quả thí điểm.

Trên cơ sở báo cáo kết quả đánh giá của hội đồng, Vụ Khoa học – Công nghệ và Môi trường sẽ tham mưu để Bộ Giao thông vận tải báo cáo Chính phủ kết quả nghiên cứu việc sử dụng cát biển làm vật liệu xây dựng cho hạ tầng giao thông và xây dựng.

Đối với nhiệm vụ nghiên cứu và đánh giá khai thác thí điểm, Bộ trưởng yêu cầu Viện Khoa học công nghệ giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với đơn vị liên quan hoàn thiện đề cương lấy mẫu bổ sung, thí nghiệm mẫu cát biển của từng vùng.

Trên cơ sở đề cương, Vụ Khoa học – Công nghệ và Môi trường rà soát, lấy ý kiến các thành viên tổ công tác và hoàn thiện trình Bộ Giao thông vận tải xem xét, phê duyệt.

Mốc thời gian triển khai thực hiện như sau: thí nghiệm vật liệu trong tháng 10-2023; thí điểm hiện trường và báo cáo kết quả thực hiện trong tháng 11-2023.

Song song quá trình trên, Bộ Giao thông Vận tải cũng đề nghị các thành viên Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng báo cáo về các quy chuẩn, tiêu chuẩn về nông nghiệp, ngư nghiệp có quy định độ mặn trong nước tưới tiêu, nước mặt, đất trồng.

Các quy đinh về độ mặn này sẽ được dùng làm cơ sở đánh giá mức độ tác động của độ mặn khi sử dụng cát biển làm vật liệu đắp nền đường hoặc san nền; kết quả các nghiên cứu đánh giá về mức độ mặn của khu vực ven biển; mức độ tác động của độ mặn đến cây trồng, vật nuôi tại các khu vực khác nhau.

Bộ Giao thông Vận tải cũng yêu cầu các chuyên gia, nhà nghiên cứu có ý kiến chi tiết về các vấn đề khi sử dụng cát biển, đặc biệt các vấn đề về tác động môi trường, xói lở của việc khai thác cát biển, các vấn đề về sử dụng cát biển, cát nhiễm mặn làm vật liệu xây dựng, phạm vi sử dụng và các điều kiện, hướng dẫn sử dụng cát biển.

Cục Đường bộ Việt Nam, Cục Đường cao tốc Việt Nam được Bộ Giao thông Vận tải giao nghiên cứu, tham mưu để xây dựng tiêu chuẩn cơ sở về việc sử dụng vật liệu cát biển làm vật liệu đắp cho công trình giao thông.

Kết quả thí điểm đắp nền đường bằng cát biển đạt yêu cầu

TTXVN cho biết, Bộ Giao thông Vận tải đã triển khai thí điểm cát biển làm vật liệu xây dựng trên đường tỉnh 978, tổng chiều dài đoạn thí điểm 320 m từ nguồn mỏ cát biển lấy ở Sóc Trăng. Đến nay, nhà thầu đã hoàn thành đắp lớp cát biển dày khoảng 1 m, đắp lề đất hai bên và tiến hành đắp lớp cấp phối đá dăm.

Qua theo dõi, Bộ Giao thông Vận tải nhận thấy kết quả triển khai bước đầu thí điểm sử dụng cát biển làm vật liệu xây dựng đáp ứng các yêu cầu đề ra.

g-news247