Phát biểu khai mạc hội nghị thượng đỉnh G20 hôm nay tại New Delhi, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi cho biết nhóm đã đạt đồng thuận về việc kết nạp Liên minh châu Phi (AU) làm thành viên thường trực.
Sau cuộc hội đàm tối 8/9, Tổng thống Mỹ Joe Biden và Thủ tướng Modi cũng bày tỏ tin tưởng hội nghị thượng đỉnh G20 năm nay sẽ giúp xây dựng đồng thuận về chính sách kinh tế để giải quyết các thách thức toàn cầu lớn.
Việc đề cao tinh thần đoàn kết tại hội nghị thượng đỉnh G20 mang lại cho Ấn Độ cơ hội nâng cao tầm vóc toàn cầu và khẳng định vai trò là tiếng nói đại diện các nền kinh tế mới nổi. Điều đó sẽ trở thành hiện thực khi G20 ra được tuyên bố chung trong năm nay.
Xung đột Ukraine đã phủ bóng hội nghị thượng đỉnh G20 năm ngoái tại Indonesia, nhưng nhóm cuối cùng đã đưa ra được tuyên bố chung vào phút chót, ghi nhận những khác biệt trong khối về cuộc chiến.
Song lập trường của các bên đã trở nên cứng rắn hơn kể từ đó. Nga và Trung Quốc có thể không đồng ý nhượng bộ và phương Tây do Mỹ dẫn đầu có thể cũng không chấp nhận tuyên bố chung không lên án mạnh mẽ cuộc chiến.
Sự vắng mặt của Tổng thống Nga Vladimir Putin và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại hội nghị có thể khiến việc ra quyết định trở nên khó khăn hơn. Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov và Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường dẫn đầu phái đoàn tham gia sự kiện, song họ không có đủ thẩm quyền để đưa ra nhượng bộ vào phút chót mà không tham khảo ý kiến lãnh đạo.
Các cuộc họp đầu năm nay của bộ trưởng tài chính và ngoại trưởng các nước G20 để chuẩn bị cho hội nghị thượng đỉnh kết thúc mà không ra được tuyên bố chung. Song Ấn Độ vẫn hy vọng rằng xung đột Ukraine không làm chệch hướng những vấn đề khác mà các nước đang phát triển muốn thảo luận.
Không chỉ xung đột Ukraine, nhiều vấn đề toàn cầu khác cũng đang đe dọa đến khả năng đạt đồng thuận của G20.
"Các vấn đề như nợ, giá lương thực và năng lượng tăng đã trở nên trầm trọng hơn do xung đột và đại dịch. Ấn Độ và những nước đang phát triển trong G20 muốn công nghiệp hóa nền kinh tế để góp phần giải quyết những vấn đề này", Tanvi Madan, thành viên cấp cao tại Viện Brookings ở Mỹ, nói.
G20 là những nền kinh tế lớn nhất, chiếm 85% sản lượng kinh tế thế giới, 75% thương mại 2/3 dân số toàn cầu. Ấn Độ nhiều lần nói rằng khối có trách nhiệm với tất cả các nước không phải là thành viên G20.
Nhưng triển vọng đạt thỏa thuận về những vấn đề này khá bấp bênh. David Malpass, chủ tịch Ngân hàng Thế giới, hồi tháng 12 cho biết các nước nghèo nhất thế giới chịu khoản nợ hàng năm lên tới 62 tỷ USD, trong đó Trung Quốc là chủ nợ của 2/3 trong số này.
Các nước G20 đã nhất trí Khuôn khổ chung (CF) về tái cơ cấu nợ cho nước nghèo vào năm 2020, nhưng tiến trình diễn ra chậm chạp. Phương Tây đổ lỗi cho Trung Quốc, song Bắc Kinh phủ nhận.
Ấn Độ, quốc gia có quan hệ căng thẳng với Trung Quốc do đụng độ biên giới, muốn nhận được nhiều cam kết hơn từ các nước giàu. Song nếu phương Tây khăng khăng đổ lỗi cho Trung Quốc về cuộc khủng hoảng nợ, nó có thể trở thành rào cản cho sự thống nhất.
Biến đổi khí hậu cũng là vấn đề mà Ấn Độ nhiều lần nêu ra, nói rằng một số quốc gia nghèo nhất dễ bị tổn thương vì thời tiết cực đoan. Ông Modi hôm 7/9 nói rằng "tham vọng về hành động chính trị cần kết hợp với tham vọng về tài chính và chuyển giao công nghệ".
Giới quan sát cho rằng bình luận của ông phản ánh chia rẽ trong khối về tài trợ cho nỗ lực chống biến đổi đổi khí hậu. Các nước đang phát triển không muốn đặt mục tiêu cắt giảm khí nhà kính quá tham vọng vì lo ngại cản trở tăng trưởng kinh tế. Họ cho rằng nhóm các nước giàu cần hỗ trợ nhiều hơn về tài chính, công nghệ và cơ sở hạ tầng để ứng phó biến đổi khí hậu.
Happymon Jacob, giáo sư chính sách đối ngoại tại Đại học Jawaharlal Nehru ở New Delhi, cho rằng biến đổi khí hậu sẽ là một trong những chủ đề chính của chương trình nghị sự G20 và New Delhi muốn thúc đẩy các nước giàu cam kết nhiều hơn.
Lương thực và an ninh năng lượng cũng sẽ được thảo luận và dự kiến đạt được một số đồng thuận, dù điều này sẽ phụ thuộc nhiều vào việc Nga có đồng ý tái khởi động Sáng kiến Ngũ cốc Biển Đen hay không. Đây là sáng kiến cho phép Ukraine xuất khẩu ngũ cốc ra thị trường thế giới qua Biển Đen mà Nga từ chối gia hạn hồi tháng 7.
Nỗ lực đạt đồng thuận tại G20 đang được thúc đẩy tối đa, bởi nếu không, Ấn Độ sẽ phải đưa ra tuyên bố chủ tịch thay vì tuyên bố chung. Điều này đồng nghĩa với việc G20 lần đầu tiên không có tuyên bố chung sau 20 năm tổ chức hội nghị thượng đỉnh của khối.
Kịch bản đó sẽ khiến nhiều người đặt câu hỏi về vai trò của G20 trong một thế giới đang biến đổi nhanh chóng, điều mà Ấn Độ không muốn chứng kiến trong nhiệm kỳ chủ tịch của mình, bà Madan, chuyên gia Viện Brookings ở Mỹ, đánh giá.
Thanh Tâm (Theo BBC, WSJ)