(KTSG Online) – Hàng loạt dự án hạ tầng đường sá, cảng biển, tàu điện, năng lượng đang được thi công ngày đêm trên khắp đất nước Ấn Độ. Chính phủ nước này hy vọng, việc cải thiện về hạ tầng sẽ giúp Ấn Độ nâng cao sức cạnh tranh với Trung Quốc, với tư cách là công xưởng của thế giới.
- Cơn bùng nổ xây dựng ở Ấn Độ có thể ‘cứu’ nhu cầu thép toàn cầu
- Ấn Độ mời các nước ASEAN đầu tư hạ tầng
Thủ phủ tài chính biến thành đại công trường
Thành phố Mumbai, thủ thủ tài chính của Ấn Độ đang trở thành công trường xây dựng khổng lồ. Những barrier dựng lên khắp thành phố này có in dòng chữ: “Mumbai đang nâng cấp”.
Một con đường mới đang được xây dựng dọc theo biển Arab để giảm bớt tình trạng tắc nghẽn ở Mumbai, nơi những con đường ba làn thường xuyên bị chiếm giữ bởi năm làn xe cộ bấm còi inh ỏi. Hệ thống tàu điện ở đây cũng đang được mở rộng để giảm bớt áp lực đối với các chuyến tàu đông đúc hành khách đến từ vùng ngoại ô. Một hành lang vận tải đường sắt kéo dài 1400 km từ Mumbai đến New Delhi dự kiến giúp giảm thời gian vận chuyển hàng hóa còn 14 giờ, thay vì 14 ngày như hiện nay.
Cơn bùng nổ xây dựng ở Mumbai phản ánh nỗ lực của Ấn Độ nhằm chuyển đổi tốc độ tăng trưởng kinh tế của đất nước từ lâu bị cản trở bởi cơ sở hạ tầng xuống cấp và kém hiệu quả. Trong những năm gần đây, chính phủ Ấn Độ đổ tiền giải quyết vấn đề này. Hoạt động xây dựng hạ tầng ở Ấn Độ càng tăng tốc khi các chính phủ phương Tây và các công ty đa quốc gia ngày càng lo lắng về sự phụ thuộc vào hàng hóa sản xuất ở Trung Quốc.
Các khoản chi tiêu khổng lồ đang giúp thúc đẩy nền kinh tế Ấn Độ. Theo Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), chi tiêu vốn và tăng trưởng năng suất sẽ là động lực lớn nhất cho tăng trưởng của Ấn Độ trong những năm tới. Quốc gia Nam Á này chứng kiến đầu tư nước ngoài, từ các công ty bao gồm Apple và Foxconn, người khổng lồ điện tử Đài Loan, tăng hơn gấp đôi trong 10 năm qua, lên khoảng 50 tỉ đô la Mỹ trong năm 2022.
Các nhà kinh tế nhận định, Ấn Độ vẫn còn một chặng đường xa để xây dựng xong cơ sở hạ tầng cần thiết, giúp thúc đẩy nền kinh tế. Ấn Độ đặc biệt tụt hậu so với Trung Quốc, nước đã dành nhiều thập niên đầu tư số tiền khổng lồ vào cơ sở hạ tầng để củng cố vị thế là công xưởng của thế giới.
“Cơ sở hạ tầng của Ấn Độ có tốt hơn rõ ràng không? Câu trả lời là có. Liệu nó có đủ tốt để đáp ứng các tham vọng kinh tế của Ấn Độ không? Câu trả lời là không. Cơ sở hạ tầng của Ấn Độ vẫn đang trong quá trình hoàn thiện”, Arup Raha, người đứng đầu bộ phận kinh tế châu Á của Oxford Economics nhận định.
Chiều dài mạng lưới đường quốc lộ tăng gấp đôi sau 10 năm
Bộ tài chính Ấn Độ đã phân bổ hơn 10 nghìn tỉ rupee, tương đương khoảng 120 tỉ đô la cho chi tiêu vốn trong năm tài khóa kết thúc vào tháng 3-2024. Con số này cao hơn 37% so với năm tài khóa trước đó và hơn gấp đôi số tiền chi tiêu trong năm 2019.
New Delhi đã công bố một loạt các dự án cơ sở hạ tầng triển khai từ năm 2019 đến năm 2025, với tổng trị giá gần 2 nghìn tỉ đô la Theo Invest India, cơ quan xúc tiến đầu tư của Ấn Độ, phần lớn nguồn tài trợ dự kiến đến từ chính quyền trung ương và các tiểu bang. Các lĩnh vực mà nước này đang ưu tiên đầu tư gồm đường bộ, đường sắt, phát triển đô thị và nhà ở, năng lượng và thủy lợi.
Quy mô xây dựng trong những năm gần đây rất ấn tượng. Theo Bộ Giao thông vận tải đường bộ và cao tốc Ấn Độ, tính đến 3, nước này có khoảng 150.000 km đường quốc lộ, gần gấp đôi so với 10 năm trước đó. Hàng trăm kilomet đường quốc lộ mới đang được bổ sung mỗi tháng.
Theo Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD), Ấn Độ có tổng chiều dài đường sắt tàu điện cao hơn Anh hoặc Pháp. Các siêu dự án đầy tham vọng đang được thực hiện bao gồm một chuỗi cảng xây mới hoặc được nâng câp dọc bờ biển. Những cây cầu và đường hầm đang kết nối các khu vực vùng sâu vùng xa và các công viên năng lượng mặt trời đang mọc lên để cung cấp điện cho các hộ gia đình và nhà máy. Hệ thống giao thông công cộng xuất hiện ở hàng chục thành phố. Các tuyến đường sắt cao tốc mới đang kết các thành phố lớn.
Theo Zarir N. Langrana, CEO của Tata Chemicals, đơn vị của tập đoàn Tata, những cải thiện về cơ sở hạ tầng không chỉ giới hạn ở những con đường hiện đại hơn mà còn bao gồm hệ thống nhà kho và cơ sở hạ tầng kỹ thuật số.
Vào năm 2020, Wes Burgess, giám đốc sản phẩm của Cocona, một công ty Mỹ sản xuất vật liệu điều tiết nhiệt độ sử dụng trong hàng may mặc và chăn ga gối đệm đã đến Ấn Độ. Đây là lần đầu tiên doanh nhân này đến đây, với mục đích là tìm kiếm cơ hội đầu tư nhằm nỗ lực đa dạng hóa chuỗi cung ứng khỏi Trung Quốc.
Công ty đã tìm được các đối tác sản xuất trên khắp Ấn Độ và các khách hàng lớn ở New Delhi và Bengaluru đồng thời nhìn thấy cơ hội lớn ở thị trường tiêu dùng khổng lồ của Ấn Độ để bán sản phẩm của công ty cũng như giảm tiếp xúc với Trung Quốc.
Kể từ chuyến đi đó, doanh nhân này đã quay lại Ấn Độ vài lần và mỗi lần đều ấn tượng trước các hoạt động xây dựng. “Ở khắp mọi nơi đều có cơ sở hạ tầng mới đang được xây dựng”, ông nói và cho biết thêm Ấn Độ hiện có một số sân bay tốt nhất thế giới.
Chính phủ tài trợ và bảo lãnh các dự án hạ tầng
Các nhà kinh tế, chuyên gia cơ sở hạ tầng và giám đốc điều hành doanh nghiệp cho biết, sự phát triển mạnh mẽ trong lĩnh vực xây dựng cũng là kết quả của sự thay đổi lớn trong cách các dự án được phát triển, cấp vốn và thực hiện.
Một thập niên trước, các tập đoàn lớn của Ấn Độ tự khởi xướng nhiều dự án đường sá và điện lớn nhờ tiếp cận được các khoản vay giá rẻ từ các ngân hàng quốc doanh. Tuy nhiên, thường là các dự án đó không bao giờ hoàn thành do vướng vào cuộc chiến pháp lý liên quan đến thu hồi đất từ nông dân cũng như tranh cãi chính trị giữa các tiểu bang và chính quyền trung ương.
Hiện nay, chính quyền trung ương ở New Delhi cũng như các chính quyền tiểu bang và thành phố đều đồng tình hơn về sự cần thiết phải nâng cấp cơ sở hạ tầng của đất nước. Các dự án phát triển đường bộ, đường sắt và năng lượng hầu hết được chính phủ trung ương tài trợ hoặc bảo lãnh. Đây là một phần trong kế hoạch tổng thể gồm gần 10.000 dự án nhằm đưa GDP của Ấn Độ tiến gần hơn đến mốc 5 nghìn tỉ đô la vào năm 2025.
Thành phố Mumbai, nơi sinh sống của 21 triệu người, hiện có nhiều tòa nhà chọc trời nằm bên cạnh các khu ổ chuột, được xây dựng trên bảy hòn đảo. Phần lớn cơ sở hạ tầng của thành phố này có từ thời thuộc địa, thời điểm người Anh cai trị và cho xây dựng hệ thống đường bộ, đường sắt chạy từ bắc xuống nam để đến bến cảng. Tuy nhiên, người Anh gần như không làm gì để kết nối phía đông và phía tây của thành phố.
Hiện nay, bộ mặt của thành phố đang dần thay đổi nhờ hàng hoạt dự án hạ tầng mới. Xét về chất lượng cơ sở hạ tầng, “Mumbai sẽ sớm có thể sánh ngang với các thành phố nước ngoài”, Deepak Thackley, 30 tuổi, chủ một cửa hàng bán đồ ngọt ở Mumbai nói.
Thackley cho biết, công việc kinh doanh đang được hưởng lợi từ những cải thiện hạ tầng thành phố. Nằm sát cửa hàng của anh là một làn đường mới với khả năng thoát nước tốt hơn, giúp ngăn ngừa ngập lụt vào mùa mưa. Hành trình xe lửa hai tiếng đi từ nhà riêng ở vùng ngoại ô để đến cửa hàng được rút ngắn một nửa nhờ một nhà ga tàu điện gần đó.
Theo WSJ