Chất chứa trong món đồ nặng trịch, thô kệch và xù xì đó là cả ký ức thương nhớ, khi chiếc bánh hấp, bánh lá, bánh gói… là những món quà lớn của tuổi thơ nơi ruộng đồng.
Một cái cối xay bột có khi thành vật gia truyền, từ đời ông bà đến cha mẹ rồi đến lớp con cháu nhưng cái cối cũng chưa hư hao gì. Vật dụng trong nhà làm bằng gỗ hay kim loại có bền mấy cũng không bằng cái cối xay bột làm bằng đá. Cối mua về, lựa chỗ khuất trong nhà để nằm yên đó, bởi muốn di chuyển qua lại cũng ngán vì khá nặng, khiêng tới khiêng lui cũng đổ mồ hôi hột.
Cối có hình trụ tròn, thớt trên gắn tay cầm để xay bột và có lỗ cho gạo, nếp hay đậu vào xay. Miệng thớt dưới chìa ra để có thể buộc bòng vải dằn cho bột khô. Ngõng cối ở giữa thớt dưới trồi lên “ăn” vào cái lỗ có sẵn ở thớt trên, nhờ vậy mà khi xay cối giữ được thăng bằng.
Xay từ năm này qua tháng nọ, cái cối đá xù xì trở nên nhẵn mịn và ngõng là bộ phận trong cối dễ hư. Theo kinh nghiệm dân gian, thì thay ngõng cối phải lựa ngõng làm bằng thân cây ổi già hay vú sữa sẽ bền hơn khi sử dụng và bột xay ra mùi vị cũng thơm ngon hơn.
Khi công nghệ chế biến thực phẩm còn chưa phổ biến, sắp nhỏ có đòi bánh trái cũng phải chờ việc đồng áng xong xuôi thì tía má, chị hai, chị ba trong nhà mới có thời gian xay bột rồi ngồi nắn bánh. Gạo hay nếp muốn thành bột làm bánh cũng phải qua miệng cối, nên miếng ăn thì ít mà công cán, tình thương của gia đình thì nhiều là bởi vậy.
Dân miệt vườn cũng hay có câu cửa miệng “ăn xài như cái cối”, ý tứ từ cối xay bột mà đúc kết thành kinh nghiệm trong đời sống hàng ngày. Bởi cái cối có đổ vào miệng bao nhiêu gạo, nếp hay đậu thì cũng xay ra thành bột, có giữ lại trong lòng được chút gì đâu.
Đó là chuyện của một cái cối hoạt động trơn tru, chứ cối mà nghẹt thì coi như cả nhà lại tốn tiền mua cối mới. Nhưng dân miệt vườn, ăn chắc mặc bền, làm được mấy đồng, ăn xài ở đâu cũng phải giữ vài đồng phòng thân, không thể “ăn xài như cái cối”, tới lúc khó khăn chẳng có đồng nào trong túi thì biết kêu ai.
Chỉ cái cối xay bột mà người lớn dạy sắp nhỏ trong nhà biết bao nhiêu điều khéo léo: xay bột, bồng bột, rồi nắn bánh mà các mẹ, các chị rành sáu câu. Từ hạt gạo, hạt nếp thành bột làm bánh phải qua mấy công đoạn, mà đoạn nào cũng cần tỉ mỉ, chậm rãi, nên bao nhiêu câu chuyện đời, kinh nghiệm sống cũng được người lớn rỉ rả chỉ dạy lại cho sắp nhỏ.
Xuôi về miệt vườn sông nước Cửu Long, trong tốc độ đô thị hóa của nhịp sống đương thời, muốn tìm gia đình có cối xay bột hay phải đi vào sâu những xóm, ấp ruộng đồng. Có khi cả năm dài hoặc hơn, công việc của cái cối chỉ nằm im một góc nhà, bởi có hàng trăm loại bột chế biến sẵn để người ta lựa chọn, tiện nữa là đặt những cửa hàng có sẵn đủ loại bánh từ dễ đến khó chiều lòng “thượng đế”.
Sự phát triển của đời sống, hẳn ưu tiên những món đồ thuận tiện, cái cối trở nên ít thông dụng cũng là lẽ thường tình. Tuy nhiên, trong dĩ vãng có bóng hình ký ức của nhiều thế hệ, có cả những kinh nghiệm ở đời như câu nói “ăn xài như cái cối” vẫn đúng, dẫu là thời gian đã làm thay đổi nhiều vật dụng trong nhà.
HỒNG DƯƠNG