Chủ nhật, 24 tháng 11 năm 2024

24 0C

Hà Nội

Áo Bà Ba Xưa và Nay: Những cung bậc cảm xúc

Thứ tư, 13/09/2023 | 20:24
[G-News24/7] -

(KTSG Online) – Ngày nay, có thể trong suy nghĩ của nhiều người, chiếc Áo Bà Ba đã bị thay thế bởi áo sơ mi, áo thun và đang dần bị lãng quên khi mà xã hội ngày càng phát triển theo hướng hiện đại. Nhưng thực tế, chiếc áo duyên dáng, mộc mạc này vẫn luôn có một vị trí vững vàng, gắn kết giữa truyền thống, văn hóa và thời trang, vẫn được nâng niu và yêu mến ở miền sông nước Nam bộ. Hình ảnh NSND Trà Giang với chiếc Áo Bà Ba khi hóa thân thành chị Tư Hậu trong bộ phim điện ảnh cùng tên của đạo diễn Phạm Kỳ Nam, có lẽ là minh họa rõ nét nhất cho vẻ đẹp trường tồn của chiếc Áo Bà Ba.

Trình diễn áo bà ba tại buổi họp báo Festival Áo Bà Ba Hậu Giang 2023.

Trong khuôn khổ Festival Áo Bà Ba Hậu Giang 2023 diễn ra từ 29-9 đến 1-10-2023, ngoài điểm nhấn là Chương trình trình diễn nghệ thuật về Áo Bà Ba, Triển lãm ảnh Áo Bà Ba từ xưa đến nay…, ngày 16-9-2023 tại Đài Truyền hình Hậu Giang còn diễn ra buổi giao lưu văn hóa về chiếc Áo Bà Ba xưa và nay. NSND Trà Giang, nhà thiết kế thời trang Minh Hạnh, doanh nhân trẻ Huy Nguyễn, tiến sĩ Nguyễn Nam, nhà văn Nguyễn Thị Xuân Phượng, nhà nghiên cứu văn hóa Huỳnh Ngọc Trảng, giáo sư Bùi Chí Trung, thạc sĩ xã hội học Lê Minh Tiến, tiến sĩ Vũ Khánh Vy, tiến sĩ Ethan C. Brown, chuyên gia truyền thông-nhà báo Vũ Mạnh Cường sẽ cùng tham gia buổi giao lưu, chia sẻ những câu chuyện về truyền thống, về bản sắc văn hóa, về những cung bậc cảm xúc trong cuộc đời họ với chiếc Áo Bà Ba…

Những câu chuyện về chiếc Áo Bà Ba sẽ được kể, sẽ được cảm nhận qua nhiều góc nhìn khác nhau của khách mời.

NSND Trà Giang – chị Tư Hậu chia sẻ nét đẹp thuần khiết, thanh tao mà kiêu hùng của chiếc Áo Bà Ba trong chiến đấu bảo vệ tổ quốc.

Nhà thiết kế thời trang Minh Hạnh trải lòng với câu chuyện làm thế nào để phát triển trang phục truyền thống, trong đó có chiếc Áo Bà Ba. Đó không phải là câu chuyện đi tìm danh xưng để thành di sản văn hóa phi vật thể hay một tấm huy chương nào khác mà là cụ thể hóa việc tạo công ăn việc làm, nâng cao đời sống cho người dân.

Doanh nhân trẻ toàn cầu Huy Nguyễn – người Mỹ gốc Việt kỳ vọng với công nghệ hiện đại thì những di sản văn hóa, trong đó có chiếc Áo Bà Ba sẽ được giữ gìn và quảng bá ra toàn thế giới; và anh tự nguyện góp một phần nhỏ công sức của mình cho sứ mệnh đó.

Tiến sĩ Nguyễn Nam trao đổi về những vấn đề văn hóa, bản sắc văn hóa của các loại trang phục truyền thống khu vực Đông Á.

Thạc sĩ Lê Minh Tiến tâm sự về những khái niệm văn hóa trong khoa học xã hội liên quan đến bản sắc văn hóa của chiếc Áo Bà Ba.

Nhà nghiên cứu Huỳnh Ngọc Trảng trao đổi về nguồn gốc của chiếc Áo Bà Ba cùng quá trình “thế giới hóa và bảo vệ văn hóa dân tộc” qua hình ảnh chiếc Áo Bà Ba.

Giáo sư, tiến sĩ Bùi Chí Trung mạn bàn về những lễ hội văn hóa của mỗi vùng, mỗi làng quê với những đặc trưng riêng biệt. “Mỗi làng quê mỗi sản phẩm” (One Commune One Product) cần được phát huy và Hậu Giang có khả năng phát huy Festival Áo Bà Ba, dùng sợi khóm để sản xuất ra những chiếc Áo Bà Ba thành một “Fashion Products”, như Indonesia, Philippines đã từng có những sản phẩm thời trang làm từ lá dứa dại.

Nhà văn Nguyễn Thị Xuân Phượng sẽ cùng người phụ nữ Nam bộ “gánh gánh… gồng gồng…” cùng chiếc Áo Bà Ba qua từng thời kỳ với những cảm xúc của riêng mình.

Tiến sĩ Vũ Khánh Vy hàng chục năm sống ở Mỹ nhưng vẫn luôn hướng về miền Tây thương yêu và mọi miền đất nước để nghiên cứu những sản phẩm nông sản Việt Nam, đặc biệt chị có nhiều trăn trở cho trái khóm Hậu Giang cũng như luôn đau đáu việc giữ gìn bản sắc văn hóa cho các loại trang phục truyền thống, trong đó có chiếc Áo Bà Ba.

Tiến sĩ Ethan C. Brown trao đổi về việc kết nối các nhà nghiên cứu văn hóa với các giải pháp thực tế để có thể duy trì và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống.

Chuyên gia truyền thông, nhà báo Vũ Mạnh Cường – người luôn thấu hiểu những nét đẹp văn hóa Đông-Tây, sẽ đảm nhận vai trò dẫn dắt và kết nối các diễn giả tại buổi giao lưu văn hóa Áo Bà Ba Xưa và Nay.

Những sẻ chia, những trải nghiệm, những băn khoăn, những kỳ vọng… là những cung bậc cảm xúc thú vị mà buổi giao lưu sẽ mang lại cho khách tham dự.

Nguyễn Thị Xuân Phượng: Tự sự với “Gánh gánh… gồng gồng…”

Đạo diễn, nhà văn Nguyễn Thị Xuân Phượng sinh năm 1929. Năm 16 tuổi (1945) bà thoát ly gia đình, xếp bút nghiên lên đường tranh đấu giành độc lập cho đất nước. Bà từng làm nhiều nghề như kỹ thuật viên thuốc nổ, y tá, phóng viên bản tin kháng chiến, thông dịch viên, bác sĩ nhi khoa phòng y tế khu Ba Đình, dịch và thuyết minh phim tiếng Pháp, đạo diễn phim tư liệu chiến trường…

Xuất bản vào năm 2020, cuốn hồi ký “Gánh gánh… gồng gồng…” của Nguyễn Thị Xuân Phượng đã gây nên một tiếng vang trong giới văn học khi đoạt hai giải thưởng cùng lúc của Hội Nhà văn Việt Nam và Hội Nhà văn TPHCM. Tác phẩm là một trang tự sự về cuộc đời người phụ nữ đã cùng đất nước đi qua những giai đoạn khốc liệt nhất. Là chuỗi ký ức đan xen giữa quá khứ và hiện tại, tác phẩm đã tái hiện một chặng đường lịch sử dân tộc đầy biến động thông qua những câu chuyện đời thường.

Huỳnh Ngọc Trảng: “Bảo chứng” cho những công trình nghiên cứu lịch sử văn hóa nghệ thuật Nam bộ

Nhà nghiên cứu Huỳnh Ngọc Trảng sinh năm 1952, nguyên là nghiên cứu viên của Phân viện Văn hóa Nghệ thuật tại TPHCM. Ông có nhiều công trình nghiên cứu về phong tục, tập quán, văn hóa dân gian Nam bộ như Hát sắc bùa Phú Lễ, Ông Địa – tín ngưỡng và nghi lễ, đặc khảo về tín ngưỡng thờ gia thần…

Dành cả đời để nghiên cứu văn hóa dân gian, nhà nghiên cứu Huỳnh Ngọc Trảng là tên tuổi bảo chứng cho những bộ sách, công trình nghiên cứu về lịch sử văn hóa nghệ thuật ở vùng đất phương Nam.

Nhà nghiên cứu Huỳnh Ngọc Trảng là người có nhiều nghiên cứu văn hóa Nam bộ trong hơn 20 năm qua. Và con gái ông, nhà nghiên cứu Huỳnh Thanh Bình, cũng đang tiếp tục sự say mê từ người cha. “Mục đích của việc nghiên cứu khoa học là khám phá cái mới, đính chính những cái sai và bổ sung điều thiếu sót của các thế hệ đi trước. Bất cứ người nghiên cứu nào cũng phải hướng việc tìm tòi của mình vào những đề tài mới, những lãnh vực chưa được nghiên cứu để tìm hiểu. Sự nối tiếp của các thế hệ trong nghiên cứu là ở việc bổ sung thành tựu mới”, chị nói.

NSND Trà Giang: “Nữ minh tinh” điện ảnh cách mạng

NSND Trà Giang là gương mặt tiêu biểu, là nữ minh tinh của nền điện ảnh cách mạng Việt Nam. Tên tuổi của bà gắn liền với hàng loạt bộ phim kinh điển như “Một ngày đầu thu”, “Dòng sông hoa trắng”, “Chị Tư Hậu”, “Vĩ tuyến 17 ngày và đêm”, “Cánh đồng hoang”, “Em bé Hà Nội”…

NSND Trà Giang sinh năm 1942, cuộc đời bà gắn liền với nghệ thuật từ năm lên 10 tuổi. Sự đóng góp của diễn viên Trà Giang ở lĩnh vực điện ảnh được ghi nhận bằng nhiều giải thưởng trong nước và quốc tế, trong đó có huy chương bạc tại Liên hoan Phim quốc tế Moscow năm 1963 cho vai chị Tư Hậu trong bộ phim cùng tên. 10 năm sau, bà tiếp tục giành giải Nữ diễn viên xuất sắc nhất tại Liên hoan Phim quốc tế Moscow năm 1973 với vai Dịu trong phim “Vĩ tuyến 17 ngày và đêm”.

Với những đóng góp cho sự nghiệp điện ảnh nước nhà, diễn viên Trà Giang được Nhà nước phong tặng danh hiệu NSND vào năm 1984. Năm 2007, bà trở thành người đầu tiên được Hội Điện ảnh Việt Nam tôn vinh “Thành tựu trọn đời”.

Bùi Chí Trung: Đi nhiều để trải nghiệm

Tốt nghiệp Trung học Chu Văn An (Sài Gòn) và đậu Tú tài toàn phần năm 1968, sang Nhật du học năm 1969, ông Bùi Chí Trung hiện là Giáo sư Đại học Aichi Shukutoku, Nhật Bản.

Với thế hệ trẻ, ông cho rằng nên đi nhiều để trải nghiệm, đi trong nước trước rồi tìm ra thế giới. Tâm niệm của ông khi đào tạo thế hệ trẻ tóm gọn trong ba chữ: Headwork (suy nghĩ, kiến thức), Footwork (đi, trải nghiệm) và Network (mối liên hệ, tương tác). Làm việc gì, muốn thành công phải có đủ hiểu biết. Có kiến thức rồi phải đi thực tế, vì có những bài học không bao giờ học được trong giảng đường. Thế giới bây giờ rất phức tạp, sinh viên phải được đào luyện khả năng tùy cơ ứng biến thật lớn. Ngày nay, người ta trọng dụng người tài có thể làm việc trong môi trường quốc tế, chứ không chỉ trong một nước.

Ông Bùi Chí Trung đã nhận nhiều giải thưởng của Nhật Bản và Việt Nam như: “Người có công trong công tác giao lưu quốc tế” của Aichi International Association 1987; “TOYP The Outstanding Young Persons – Giải thưởng Bộ trưởng Bộ Thông thương Sản nghiệp Nhật Bản” của Junior Chamber International Japan 1993; “Người có công với xã hội” của The Chunichi Newspaper 2001; “Giải thưởng Công lao xã hội” của tỉnh Aichi 2005; “Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam” về các đóng góp cho quan hệ văn hóa Việt-Nhật 2006.

Lê Minh Tiến: Dịch giả nhiều đầu sách về giới trẻ

Ông Lê Minh Tiến hiện là giảng viên xã hội học tại Trường Đại học Mở TPHCM. Ông tốt nghiệp thủ khoa cử nhân xã hội học tại Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn TPHCM và cao học chuyên sâu (DEA) về xã hội học tại Đại học Công giáo Louvain (Université Catholique de Louvain), Bỉ.

Ông đã công bố nhiều bài báo trên các tạp chí khoa học trong nước và quốc tế liên quan đến giới trẻ và tôn giáo.

Ông là tác giả của nhiều bài báo và là dịch giả một số đầu sách như: Trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp (NXB Tri Thức) , Tư tưởng Max Weber (NXB Hồng Đức), Phương pháp luận dân dã (NXB Tri Thức), Khái niệm văn hóa trong khoa học xã hội (NXB Tri Thức)…

Vũ Khánh Vy: Thương mại hóa sản phẩm cây sâm Việt Nam

Tiến sĩ Vũ Khánh Vy tốt nghiệp loại ưu chuyên ngành Dược lý – Dược lâm sàng của trường Thomas J Long School of Pharmacy, University of the Pacific, California (Mỹ) với đề tài nghiên cứu trên bơm vận chuyển ngược ABC transporter trong điều trị ung thư. Chị có nhiều kinh nghiệm làm việc tại các bệnh viện Bascom – Hospital and Clinics, Kaiser Permenentate và quản lý các hệ thống chuỗi hàng đầu ở Mỹ như RiteAid và Walgreens.

Hiện Vũ Khánh Vy là giảng viên chịu trách nhiệm ngành Dược lý – Dược lâm sàng, Đại học Công nghệ TPHCM; Phó tổng giám đốc Công ty Samaki Power chuyên sản xuất và phân phối thiết bị y tế tại TPHCM. Chị cũng là một trong những người tiên phong trong việc nghiên cứu và phát triển cây sâm Việt Nam theo định hướng thương mại hóa sản phẩm.

Huy Nguyễn: Truyền cảm hứng tạo ra sản phẩm công nghệ

Huy Nguyễn được cộng đồng blockchain Việt Nam nhắc tới nhiều với những nỗ lực cống hiến, truyền cảm hứng tạo ra sản phẩm công nghệ có giá trị cao. Anh có 12 năm làm việc tại thung lũng Silicon, trong đó có 10 năm tại Google với nhiều vị trí khác nhau, từ kỹ sư lên quản lý, đến vị trí cấp cao. Hiện anh là Cofounder – CEO của KardiaChain.

Theo Huy Nguyễn, toàn cầu hóa đã và đang dần gắn kết toàn thế giới lại gần nhau hơn, do đó các sản phẩm vật lý hữu hình (sản phẩm offline) cần được hỗ trợ đưa lên thế giới số (sản phẩm online) và ngược lại để tạo ra nhiều giá trị hơn. Chính vì vậy, KardiaChain đã đưa ra giải pháp công nghệ Kyokai, làm cầu nối để các sản phẩm vật lý xuất hiện trên thế giới số, là cách tiếp cận toàn cầu cho sản phẩm Việt Nam.

Nguyễn Nam: Nhà nghiên cứu văn hóa Đông Á

Trước khi gia nhập Đại học Fulbright Việt Nam, Tiến sĩ Nguyễn Nam là Giảng viên của Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia TPHCM từ năm 1986. Ông cũng từng giữ chức Chủ nhiệm Bộ môn Đông Á học (1993-1994), và Bộ môn Trung Quốc học (2010-2012) của trường.

Sau khi nhận bằng Thạc sĩ chuyên ngành Đông Á học và bằng Tiến sĩ chuyên ngành Ngôn ngữ và Văn minh Đông Á (EALC) tại trường Đại học Harvard năm 1996 và 2005, ông phụ trách Quản lý Chương trình Tiến sĩ của Viện Harvard-Yenching (HYI) từ năm 2004 đến 2010.

Tiến sĩ Nguyễn Nam đã thực hiện khá nhiều nghiên cứu tại Đông Á như Nhật Bản (với tư cách học giả tham vấn của Hiệp hội Thúc đẩy Phát triển Khoa học Nhật Bản năm 2016-2017), và Đài Loan (với vai trò nghiên cứu sinh/học giả tham vấn của Trung tâm Hán học Đài Loan trong những năm 1999 và 2011).

Ông được mời giảng dạy tại Khoa Ngôn ngữ và Văn hóa Đông Nam Á, thuộc Viện Nghiên cứu Á – Phi, Đại học Hamburg năm 2013. Ông cũng là giảng viên Chương trình Lưu học của sinh viên Mỹ thuộc Đại học Loyola Chicago ở TPHCM từ năm 2012. Trọng tâm nghiên cứu của ông bao gồm văn học so sánh (chủ yếu về văn học Đông Á), phiên dịch học, và cải biên học. Ông hiện cũng là Cộng tác viên của Viện Harvard-Yenching.

Ethan C. Brown: Kết nối nhà nghiên cứu với giải pháp thực tế

“Văn hóa truyền thống đậm đà bản sắc của Việt Nam luôn đem đến cho tôi nhiều điều ngạc nhiên và không ngừng truyền cảm hứng cho tôi vì tính sáng tạo, tính cộng hưởng và sự giao thoa của nó”, tiến sĩ Ethan Brown nói.

Tiến sĩ Ethan Brown hiện là giảng viên ngành Tâm lý học và Nghiên cứu xã hội tại Đại học Fulbright Việt Nam. Ông chuyên nghiên cứu và giảng dạy các phương pháp nghiên cứu khoa học xã hội và nhận thức thống kê.

Là cựu Phó giám đốc của Trung tâm Tư vấn Phương pháp Nghiên cứu tại Đại học Minnesota, Tiến sĩ Ethan Brown đã tư vấn cho nhiều dự án nghiên cứu khác nhau, thiết kế và hướng dẫn các khóa học ngắn hạn phát triển chuyên môn thực hành về phương pháp nghiên cứu, và giảng dạy các lớp học về phương pháp nghiên cứu.

Ông là một thành viên tích cực của cộng đồng khoa học mở và tích cực kết nối các nhà nghiên cứu với các giải pháp thực tế để giúp các nghiên cứu trở nên đáng tin cậy hơn và có thể áp dụng vào đời sống.

Nhà thiết kế Minh Hạnh: Người tâm huyết với trang phục truyền thống

Là một nhà thiết kế có tầm nhìn và có tâm huyết đối với trang phục áo dài truyền thống, và quan trọng hơn, chị chính là người đi tiên phong trong việc chọn chất liệu có xuất xứ Việt Nam để phát triển trang phục truyền thống như Áo Dài, Áo Bà Ba hiện đại hơn, tương tác được với văn hóa toàn cầu.

Theo chị, làm thế nào để phát triển trang phục truyền thống không phải là câu chuyện đi tìm danh xưng để thành di sản văn hóa phi vật thể mà là cụ thể hóa việc nâng cao đời sống người dân, tạo công ăn việc làm người dân địa phương… Và đó là trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp (CSR, Corporate Social Responsibility) và của Nhà nước. Câu chuyện này, muốn làm được cần phải có những con người tâm huyết, có nền tảng văn hóa cao và sẵn sàng cống hiến cuộc đời mình vì giá trị của bản sắc văn hóa, bản sắc dân tộc.

Vũ Mạnh Cường: Nhà báo của những sự kiện lớn

Vũ Mạnh Cường hiện là Giám đốc Trung tâm Truyền thông và Giáo dục sức khỏe Trung ương – Bộ Y tế. Anh đã từng là nhân viên báo chí của Đại sứ quán Liên bang Xô viết tại Hà Nội. Anh đã có 22 năm kinh nghiệm làm báo ở các tờ báo uy tín như Lao Động, Gia đình & Xã hội… với nhiều vị trí công tác như Phóng viên, Biên tập viên, Phó Ban Thư ký tòa soạn, Trưởng Ban Quốc tế, Trợ lý Tổng biên tập, Phó Tổng biên tập.

Vũ Mạnh Cường từng tham gia tường thuật các sự kiện lớn như Hội nghị Thượng đỉnh Pháp ngữ, Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN, Hội nghị ASEM, FIFA World Cup France 1998, Bầu cử Tổng thống Mỹ 2008… Tác nghiệp tại gần 30 quốc gia, phỏng vấn nhiều chính khách, nhà hoạt động xã hội, nghệ sĩ, vận động viên nổi tiếng.

g-news247