Giá nhà tập thể thời gian qua bị đẩy lên ngưỡng cao cùng với giai đoạn thị trường sốt nóng. Từ năm 2018 đến nay, giá đã tăng trung bình 6-7% mỗi năm. Theo khảo sát của VnExpress, nhiều căn nhà tập thể ở các quận như Ba Đình, Hai Bà Trưng, Đống Đa (Hà Nội) được rao giá ngang với chung cư cao cấp, khoảng 60-80 triệu đồng mỗi m2. Dù vậy, vẫn có rất nhiều người quan tâm với các căn tập thể cũ được rao bán với mức giá khoảng 2,5 đến 3 tỷ đồng.
Vì sao nhà tập thể cũ nội đô vẫn có sức hút dù giá ngang chung cư cao cấp? Độc giả Abc lý giải: "Giá nhà chung cư cũ, nhà tập thể ở vị trí trung tâm cao, nhưng người ta mua không phải là cái nhà, mà là quyền sử dụng đất kim cương của vùng lõi đô thị. Những vị trí đó dù có tiền người ta vẫn không thể tìm được chỗ khác như thế để mua. Thế nên, giá trị của bất động sản dạng này xưa nay là giá trị đất chứ không phải cái nhà.
Thực tế, chỉ cần bỏ ra từ 6 đến 15 triệu mỗi m2 là người ta đã xây dựng được căn nhà đẹp như mơ, tùy theo cấp độ nhà và khi cũ rồi thì người ta không thèm tính đến giá trị nó làm gì nữa. Nhà chung cư cũ trung tâm không hề mất giá khi cũ, chung cư cũ cấp độ D đang chuẩn bị xây dựng lại thì giá lại càng nhảy vọt.
Nhà tập thể và chung cư cũ ở Quận 1, TP HCM và trung tâm Hà Nội không hề bị tác động đi xuống của thị trường bất động sản vùng ven. Bởi vùng ven có những dự án tràn ngập thị trường và quỹ đất mênh mông, còn khu trung tâm có chăng là giá đứng lại đó rồi chờ ngày lên tiếp vì sự khan hiếm, không có nguồn cung, lúc nào cũng cho thuê được và tiện ích vốn có của nó".
Đồng quan điểm, bạn đọc Nguyen Dang Khanh chỉ ra sức hút của nhà tập thể cũ khu vực trung tâm thành phố: "Nhà tập thể lợi thế là thấp tầng, sẽ rất nhiều doanh nghiệp bất động sản săn để xây lên 30-40 tầng và đền bù cho họ gấp 1,5 lần diện tích hiện tại, cộng với được mua thêm diện tích với giá bằng giá hoạch toán xây dựng. Vì vậy, 5 năm hay 10 năm nữa khu vực đó sẽ xây thành chung cư cao cấp và nghiễm nhiên lúc đó giá trị căn hộ của họ là gấp 1,5 lần so với mua chung cư cao cấp".
"Không tự nhiên người ta bám trụ nhà tập thể cũ như vậy đâu. Tôi là người trong cuộc, sinh ra lớn lên ở khu trung tâm Hà Nội - nơi có trường học tốt, thư viện, bệnh viện lớn, chợ, hàng quán ăn ngon... đều có thể đi bộ. Tôi đã ở qua ba chung cư lớn nhưng cuối cùng lại quay về nhà tập thể trung tâm vì các tiện ích hào nhoáng chung cư quảng cáo không bù lại được cái tiện trong cuộc sống mà tôi được hưởng trên khu phố trung tâm từ lớn đến bé", độc giả Duy nói thêm.
>> Nỗi lo bỏ 1,5 tỷ đồng mua chung cư cũ 10 năm tuổi
Trong khi đó, với quan điểm trái chiều, bạn đọc Ha Nguyen cho rằng đầu tư vào nhà tập thể cũ đã không còn là lựa chọn thông minh: "Tiêu chuẩn cuộc sống không chỉ là vị trí trung tâm kiểu này. Vì ngày nay, giao thông đã thuận lợi, di chuyển giữa các nơi rất nhanh. Thêm nữa, khái niệm trung tâm bây giờ cũng thay đổi. Nơi nào gần nơi làm việc, trường học của con, sẽ là trung tâm. Các quận bây giờ cũng đang phát triển hạ tầng, đầy đủ siêu thị, trung tâm thương mại, công viên... vậy chui vào căn tập thể cũ nát, đầy bất tiện, chi phí sinh hoạt cao không còn là sự lựa chọn thông minh nữa".
Cùng chung suy nghĩ, độc giả Vhlinhcenma nhấn mạnh: "Bây giờ tiện ích ở đâu cũng có, đâu như ngày xưa phải lên phố mà mua? Giao thông nội đô đường nhỏ, cũng đâu bằng mấy đường to, mới mở như ở những quận mới. Phần diện tích cơi nới của tập thể cũ cũng là phần diện tích không được công nhận trên giấy tờ, nếu thanh tra yêu cầu dỡ bỏ thì cũng rất rủi ro cho người mua. Nói chung những cái được coi là lợi thế của nhà tập thể cũ chỉ là lý do mà môi giới đưa ra để dụ bán nhà giá cao mà thôi. Ra mấy khu chung cư cao cấp cho sáng sủa, sạch sẽ, có không gian sân vườn, hồ bơi...còn hơn, chứ ở đây lụp sụp, không đáng tiền".
"Khôn quá lại thành dại. Việc xây lại tập thể cũ không quá hấp dẫn với chủ đầu tư vì chi phí đền bù cao, phức tạp, đòi hỏi thời gian rất lâu, giới hạn nhà cao tầng trong nội đô ảnh hưởng đến biên lãi - thu hồi vốn... Khó khăn vậy nên mới có ý kiến đề xuất chung cư có thời hạn để dễ giải quyết mấy tòa tập thể cũ kiểu này. Nếu có sẵn nhà tập thể cũ từ thời cha ông để lại thì các bạn có thể giữ mà chờ thời. Còn nếu mua để tính sau này được một căn chung cư cao cấp và tiền đền bù như nhiều bạn nói thì có khi hết đời cũng không thấy đâu. Bỏ 3 tỷ đồng mua nhà còn nhiều chỗ tốt hơn", bạn đọc Samara Mia kết lại.
Việt Thành tổng hợp
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.
- Chung cư cần 'sử dụng có thời hạn, sở hữu vô thời hạn'
- Nghịch lý 'chung cư mới bán một nửa đã hết chỗ để ôtô'
- Tôi sống ở chung cư tưởng sướng thành khổ
- Dư tiền mua chung cư vẫn bám trụ nhà đất hẻm
- Ở đâu sau 50 năm sở hữu chung cư?
- Nguy cơ bùng giá đất nếu chỉ sở hữu chung cư 50 năm