Báo cáo về công tác thi hành án hành chính năm 2023 (kỳ báo cáo 1-10-2022 - 31-7-2023) của Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội sáng nay, 13-9, cho thấy, số bản án, quyết định của tòa án về vụ án hành chính đã có hiệu lực thi hành nhưng chưa được thi hành xong vẫn còn nhiều. Còn nhiều vụ việc, người bị kiện là các cơ quan hành chính nhà nước chưa thực hiện nghiêm quy định về việc cung cấp chứng cứ và bảo vệ quyền và lợi ích của nhà nước trước tòa án.
Theo báo cáo, tổng số bản án, quyết định của tòa án về vụ án hành chính có hiệu lực có nội dung phải thi hành là 1.213 bản án, quyết định. Trong đó, kỳ trước chuyển sang 563 bản án, phát sinh trong kỳ báo cáo là 650 bản án. Số này tăng 340 bản án so với cùng kỳ năm 2022. Số bản án, quyết định tòa án đã ra quyết định buộc thi hành án hành chính là 521 bản án.
Kết quả, đã thi hành xong 423/1.213 bản án, quyết định (tăng 136 bản án, quyết định so với cùng kỳ năm 2022); tạm đình chỉ thi hành 13 bản án; đang tiếp tục thi hành 777 bản án, quyết định.
Đại biểu dự họp
"Trong số này chủ yếu là bản án, quyết định phát sinh trong năm 2022 và năm 2023", báo cáo nêu rõ. Ký báo cáo, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết, nhằm khắc phục hạn chế theo kiến nghị của Ủy ban Tư pháp Quốc hội, thực hiện nghiêm chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Tư pháp đã chỉ đạo các cơ quan thi hành án dân sự ban hành 119 kiến nghị xử lý trách nhiệm.
Dù vậy, vẫn còn một số tồn tại, hạn chế trong công tác thi hành án hành chính. Số bản án, quyết định của tòa án về vụ án hành chính đã có hiệu lực thi hành nhưng chưa được thi hành xong vẫn còn nhiều. Còn nhiều vụ việc, người bị kiện là các cơ quan hành chính nhà nước chưa thực hiện nghiêm quy định về việc cung cấp chứng cứ và bảo vệ quyền và lợi ích của nhà nước trước Tòa án.
Phần lớn số vụ việc chưa thi hành xong có liên quan đến lĩnh vực đất đai, các quyết định hành chính, hành vi hành chính bị tuyên hủy xảy ra đã lâu, quá trình tổ chức thi hành phải thực hiện lại trình tự, thủ tục liên quan đến bồi thường, hỗ trợ tái định cư… trong khi nhiều quy định, chính sách pháp luật về lĩnh vực này đã thay đổi.
Một số địa phương, cơ quan, người có thẩm quyền trong cơ quan nhà nước - là bên phải thi hành án - chưa dành sự quan tâm đúng mức và đầy đủ cho công tác thi hành án hành chính trên địa bàn; người bị khởi kiện chưa thực hiện nghiêm quy định của Luật Tố tụng hành chính, chưa tham gia đối thoại, chưa tham gia phiên toà, chưa tích cực cung cấp đầy đủ chứng cứ để tòa án xét xử.
Chính phủ sẽ tiếp tục quán triệt, chỉ đạo tổ chức thực hiện nghiêm túc, hiệu quả Luật Tố tụng hành chính năm 2015; các kiến nghị của Ủy ban Tư pháp của Quốc hội về việc chấp hành pháp luật tố tụng hành chính và thi hành án hành chính và Chỉ thị số 26/CT-TTg ngày 15-11-2019 của Thủ tướng Chính phủ, nhất là việc cung cấp tài liệu, chứng cứ, tham gia đối thoại, tham gia phiên tòa; thực hiện đúng, đầy đủ và hiệu quả trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, cấp trên trực tiếp của người phải thi hành án; chịu trách nhiệm trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về kết quả thi hành án hành chính trên địa bàn...
ANH PHƯƠNG