Thứ sáu, 29 tháng 11 năm 2024

24 0C

Hà Nội

Báo cáo cấp có thẩm quyền về phương án cơ cấu lại Ngân hàng SCB

Thứ tư, 20/09/2023 | 12:54
[G-News24/7] -Tin liên quan

Chính phủ yêu cầu báo cáo phương án xử lý SCB trong tháng 9

Tin nóng: Cơ cấu lại các ngân hàng yếu kém và SCB; Xâm nhập vào cơ sở giáo dục đánh ghen thủ quỹ nhập viện

Đây là một nội dung trong báo cáo của Chính phủ vừa gửi đến Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội về thực hiện một số nghị quyết giám sát chuyên đề, chất vấn từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV đến nay.

Theo đó, trong lĩnh vực ngân hàng, đến nay Ngân hàng Nhà nước đã trình và được cấp có thẩm quyền phê duyệt chủ trương chuyển giao bắt buộc 4 ngân hàng được kiểm soát đặc biệt, gồm: CBBank, OceanBank, GPBank và DongABank. Các bên liên quan đang thực hiện tiếp các nội dung tiếp theo sau khi chủ trương được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Sau đó, Ngân hàng Nhà nước sẽ trình Chính phủ phê duyệt phương án cơ cấu lại số ngân hàng này.

Riêng với Ngân hàng Sài Gòn (SCB) - được đặt vào diện kiểm soát đặc biệt từ tháng 10-2022 - trên cơ sở báo cáo đánh giá tổng thể thực trạng và đề xuất chủ trương của SCB và ban kiểm soát đặc biệt SCB, Ngân hàng Nhà nước cũng đã trình Chính phủ xem xét, quyết định chủ trương cơ cấu lại SCB theo quy định.

Trước đó, tại Nghị quyết 144 phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 8, Chính phủ yêu cầu Ngân hàng Nhà nước tập trung xử lý các ngân hàng yếu kém, trong đó phải có báo cáo cấp có thẩm quyền về phương án xử lý Ngân hàng SCB trong tháng 9, không để chậm trễ hơn.

Bên cạnh đó, các tổ chức tín dụng phi ngân hàng cũng đang tích cực thực hiện phương án cơ cấu lại đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Một số tổ chức tín dụng phi ngân hàng yếu kém đang được Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu chủ trương, định hướng cơ cấu lại. Việc này nhằm đưa ra phương án, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Thẩm tra nội dung này, Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội nhìn nhận, việc tìm kiếm, đàm phán ngân hàng đủ điều kiện nhận chuyển giao bắt buộc (năng lực tài chính, quản trị, kinh nghiệm cơ cấu tổ chức tín dụng yếu kém) kéo dài, khó khăn do phụ thuộc lớn vào tính tự nguyện tham gia của các ngân hàng.

Mặt khác, các ngân hàng cũng cần thời gian để thuyết phục cổ đông, nhất là cổ đông chiến lược, nước ngoài đồng thuận tham gia nhận chuyển giao bắt buộc. Cơ chế, nguồn lực tài chính để xử lý tổ chức tín dụng yếu kém còn nhiều bất cập, vướng mắc, thủ tục kéo dài.

ANH PHƯƠNG
g-news247