Thứ ba, 26 tháng 11 năm 2024

24 0C

Hà Nội

Bê bối xách lậu 29 tấn tiền xu của tiếp viên hàng không Đức

Thứ bảy, 09/09/2023 | 04:20
[G-News24/7] -

Đây không phải là vụ cướp ngân hàng hào nhoáng theo phong cách Hollywood, không có đào hầm, không được thả từ trực thăng, thậm chí không có một chiếc mặt nạ hay khẩu súng nào. Vụ gian lận trị giá 8,5 triệu USD chỉ bắt đầu từ những tiếp viên hàng không xinh đẹp.

Tháng 11/2010 ở sân bay Frankfurt, một nữ tiếp viên hàng không của Lufthansa, hãng hàng không lớn nhất của Đức, vừa kết thúc chuyến bay từ Trung Quốc và chật vật với những túi xách, valy hành lý nặng nề, dáng điệu thiếu tự tin. Điều này đã thu hút sự chú ý của các nhân viên an ninh hải quan sân bay.

A-nh-chu-p-Ma-n-hi-nh-2023-09-8124-6439-1694091548.png?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=VNa_ja6e0tjv8T144g1uEA

Phi hành đoàn trong đồng phục hãng hàng không Lufthansa. Ảnh: Luxury Travel Expert

Với đặc quyền của phi hành đoàn, những người như cô hầu như không bị kiểm soát an ninh như hành khách thường. Song lần này, cô bị yêu cầu mở hành lý kiểm tra. Bên trong là hàng nghìn đồng xu mệnh giá 1 và 2 euro. Tuy nhiên, nhà chức trách nhận thấy nhiều đồng xu có hình dạng kỳ lạ, bị biến dạng hoặc thậm chí cong vênh.

Việc khám xét đã mở ra cuộc điều tra về một trong những vụ lừa đảo lớn nhất trong lịch sử từ khi đồng tiền này được đưa vào sử dụng. Vụ án cũng gây ảnh hưởng tới Bundesbank - ngân hàng trung ương uy tín của Đức vốn từ lâu đã là biểu tượng cho sự thận trọng và ổn định tiền tệ của không chỉ quốc gia này mà cả châu Âu.

Các ngân hàng trung ương của châu Âu hằng năm đều loại bỏ một lượng lớn tiền xu xước mờ, cong gãy. Trước khi bán lại xu cho thị trường phế liệu, họ đều thuê một số nhà thầu phụ tiêu hủy chúng, biến thành tiền tệ vô giá trị. Ví dụ, ngân hàng Bundesbank sẽ bẻ cong, đóng rãnh sâu vào đồng xu. Một số ngân hàng khác sẽ đục lỗ ở giữa.

Đồng 1 và 2 euro có hai phần: một lõi hình tròn bằng hợp kim đồng thau và niken, màu trắng, được bao quanh bởi một vòng niken và đồng, màu vàng ở bên ngoài. Một số ngân hàng ở châu Âu tách rời hai phần này ra khỏi nhau, trước khi kim loại được bán cho các công ty tái chế Trung Quốc.

1200px-Damaged-1-Euro-coin-jpe-9428-2982-1694091548.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=wj71vm7jpXgfiwQ5q7uQZQ

Lõi và viền của đồng 1 euro sau khi bị tách rời để bán phế liệu. Ảnh: Twitter

Nhà chức trách xác định, băng nhóm tội phạm có tổ chức ở Trung Quốc mua lại hai phần riêng rẽ này và tỉ mỉ gia công bằng một cách nào đó và ghép chúng lại. Trong 4 vụ bắt giữ của cảnh sát Trung Quốc sau đó, nhà chức trách còn thu được 3 tấn đồng xu đang đợi gia công, cùng toàn bộ các máy móc để ghép chúng lại với nhau.

Bước tiếp theo trong kế hoạch là đổi tiền. Do Bundesbank là ngân hàng duy nhất ở châu Âu còn duy trì chính sách đổi tiền cũ lấy tiền mới nên sau khi "gia công" xong, băng đảng này sẽ cần ai đó mang những đồng xu này đến Bundesbank.

"Băng đảng tiền xu" Trung Quốc bị cáo buộc đã lợi dụng một trong những đặc quyền dành cho tiếp viên hàng không là không bị giới hạn trọng lượng hành lý cá nhân để thuê họ xách tay hơn 29 tấn tiền giả suốt chặng đường từ Trung Quốc đến Đức trong gần 4 năm, đến khi bị phát hiện vào tháng 11/2010.

Sau khi xách thành công số tiền xu từ Trung Quốc về Đức, những tiếp viên này có nhiệm vụ mang xu đến ngân hàng để đổi sang tiền giấy, sau đó gửi lại cho người thuê họ qua tài khoản ngân hàng, hoặc đưa tiền mặt cho các đồng đảng của băng nhóm đang trú quanh Frankfurt.

Để qua mắt nhân viên soát, đổi tiền xu của ngân hàng Bundesbank, các tiếp viên được dặn phải trộn thêm một ít xu thật. Số tiền thường chỉ được cân, không đếm, và kiểm tra ngẫu nhiên. Đây là lý do, hành vi gian lận đã không bị phát hiện suốt 4 năm.

Cảnh sát Đức xác định, trong 4 năm, nhóm này đã đổi trót lọt tới hơn 6 triệu euro, tương đương 8,5 triệu USD khi đó.

Trong cuộc điều tra kéo dài suốt một năm, cảnh sát Đức bắt nhiều người, trong đó có 4 tiếp viên hàng không, 4 người gốc Hoa sống ở Frankfủt hơn 20 người bị truy nã quốc tế.

A-nh-chu-p-Ma-n-hi-nh-2023-09-5460-5300-1694091548.png?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=13hZSnSobgft3jMxCdfFag

Trụ sở Bundesbank. Ảnh: FAZ

Nữ tiếp viên bị bắt quả tang ở sân bay Frankfurt vào tháng 11/2010 đã nói với các nhà điều tra rằng cô không biết mình làm gì sai, đồng thời cho biết những người bạn Trung Quốc đã yêu cầu cô đổi tiền xu ở Đức vì các ngân hàng địa phương không chấp nhận tiền xu. Cô sau đó được tạm thả vì chưa đổi được đồng xu nào. Trong khi 6 người bị bắt còn lại không nói gì, không ai hợp tác với chính quyền.

Không rõ số tiền phế liệu được băng nhóm Trung Quốc được mua lại từ ngân hàng trung ương nào của châu Âu. Bundesbank cho biết không thể là nguồn cung cấp tiền xu phế liệu vì họ "vô hiệu hóa" tiền xu theo kiểu tạo rãnh sâu chứ không phải tách lõi.

Sau những tuyên bố của giới điều tra từ năm 2011, hiện không có thêm thông tin nào về vụ án cũng như các nghi can được xử lý ra sao. Theo luật Đức, nếu bị kết tội Gian lận hay Làm hàng giả, án tù tối đa cho họ là 10 năm. Theo luật pháp Đức, danh tính của các nghi phạm không được tiết lộ.

Vào tháng 1/2011, các quy định mới của Liên minh Châu Âu đã có hiệu lực, đặt ra những hạn chế chặt chẽ hơn với việc mua lại tiền xu. "Mô hình kinh doanh gian lận này sẽ không còn đất tồn tại nữa", lãnh đạo Bundesbank nói.

Hải Thư (Theo NYT, Scotman, SMH, The Local Germany, Bend Bulletin, Spiegel)

g-news247