Thứ bảy, 30 tháng 11 năm 2024

24 0C

Hà Nội

Bệnh đau mắt đỏ lây lan cả nước

Thứ bảy, 16/09/2023 | 13:31
[G-News24/7] -

Theo Sở Y tế TP HCM, địa phương ghi nhận 3.954 ca viêm kết mạc (đau mắt đỏ) trong ngày 13/9. Những ngày trước, số ca bệnh cũng xấp xỉ mức này, trong đó trẻ em chiếm tỷ lệ lớn, với khoảng trên 2.000 trường hợp mỗi ngày.

Bác sĩ Nguyễn Minh Tiến, Phó giám đốc Bệnh viện Nhi đồng thành phố, cho biết hai tuần đầu tháng 9, nơi này tiếp nhận 1.173 bệnh nhi khám đau mắt đỏ, cao gấp đôi tháng 7-8, gấp khoảng 4 lần những tháng đầu năm. Cao điểm, hôm 11/9, bệnh viện tiếp nhận 224 em, trong khi năm ngoái chỉ khoảng 10 ca.

Bệnh viện Nhi đồng 2 trong 8 tháng đầu năm ghi nhận hơn 4.800 trẻ đến khám, cùng kỳ năm ngoái chỉ chưa tới 3.000 ca, gần đây có những ngày tiếp nhận khoảng 200 trường hợp. Bệnh viện Nhi đồng 1 hiện cũng ghi nhận số trẻ đến khám đau mắt đỏ tăng hơn 3 lần so với cùng kỳ 2022.

Tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, người bệnh đặt hẹn khám đau mắt đỏ tăng liên tục những ngày qua, với hơn 70 bệnh nhân mỗi phòng khám. Người đến khám có cả người lớn và trẻ em, hầu hết đều mang kính râm, khẩu trang, không ít trường hợp đi khám cả gia đình.

Nhiều học sinh phải nghỉ học, phụ huynh nghỉ làm do đau mắt đỏ. Chị Nhân, 50 tuổi, quận Tân Bình, cho biết gia đình 4 người nhưng đã có ba người bị đau mắt đỏ gồm chị và hai con. Các bé phải nghỉ học 3 ngày, riêng chị nghỉ làm 10 ngày theo chỉ định của công ty.

2-8790-1694694422.png?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=UQKDj7UgxDnneccZTzqE6g

Bệnh nhân khám đau mắt đỏ tại bệnh viện TP HCM. Ảnh: Đinh Tiên

Tại Hà Nội, bệnh đau mắt đỏ lây lan nhiều từ tháng 8, tăng nhanh trong tháng này. Bệnh viện Mắt Trung ương những tuần gần đây ghi nhận trung bình khoảng 700 trường hợp đau mắt đỏ đến khám mỗi tuần, riêng tuần qua là 800, có một số ca biến chứng. So với tháng 6, số bệnh nhân đến khám trong tháng 8 và đầu tháng 9 tăng gấp gần hai lần.

TS.BS Hoàng Cương, Bệnh viện Mắt Trung ương, cho biết các năm trước, mới bước vào năm học hầu như không ghi nhận các ca đau mắt đỏ ở học sinh, trong khi năm nay, khá nhiều trẻ em đau mắt đỏ được bố, mẹ đưa đến khám. Trẻ đau một bên, rồi hai bên mắt sưng húp, khiến các gia đình rất lo lắng.

Bình Phước cũng ghi nhận dịch lây lan nhanh, 2/3 số trường học ở Đồng Xoài lây lan bệnh đau mắt đỏ. Hàng nghìn học sinh nơi đây phải nghỉ học, ngành y tế ghi nhận bệnh có dấu hiệu lây lan nhanh sau khai giảng.

Tại Hà Tĩnh, từ đầu tháng 9 đến nay, dịch đau mắt đỏ lây lan đến nhiều huyện xã, với hàng nghìn người mắc bệnh. Trong đó huyện Hương Khê nhiều nhất với hơn 5.000 ca. Hơn 2.300 học sinh từ mầm non đến THCS ở Hương Khê bị đau mắt đỏ, được cho tạm nghỉ học.

Bệnh viện Nhi đồng Cần Thơ ghi nhận bệnh nhân đau mắt đỏ thời gian qua đến khám tăng gấp 2-3 lần cùng kỳ năm trước. Mỗi ngày nơi đây tiếp nhận 150-200 trẻ đến khám mắt, trong đó đau mắt đỏ chiếm hơn 60%, nhiều trẻ trong độ tuổi mầm non và tiểu học mắc bệnh.

Số ca đau mắt đỏ tại Đà Nẵng cũng tăng đột biến. Bệnh viện Mắt Đà Nẵng 11 ngày đầu tháng 9 tiếp nhận hơn 22.400 ca đau mắt đỏ đến khám, hơn một nửa trong số đó là trẻ em. Bình Dương ghi nhận bệnh nhân đau mắt đỏ đến khám tại các bệnh viện đang có xu hướng tăng, với 2.300 ca mắc kể từ đầu năm, tăng 58% so với cùng kỳ năm ngoái.

Đánh giá về bệnh đau mắt đỏ đang lây lan tại nhiều tỉnh thành, bác sĩ Phạm Huy Vũ Tùng, chuyên khoa mắt, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, nói gần đây thời tiết chuyển từ nắng nóng qua mưa rất nhanh nên làm độ ẩm không khí cao, kèm theo môi trường nhiều khói bụi, nguồn nước bị ô nhiễm tạo điều kiện thuật lợi cho virus, vi khuẩn phát triển và bùng thành dịch. Môi trường công sở, lớp học, công cộng là những nơi dễ lây lan nhanh và nhiều, trong bối cảnh trẻ em bước vào năm học mới.

Bên cạnh đó, PGS.TS Nguyễn Thị Diệu Thúy, Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, đánh giá trong gần hai năm trở lại đây, sau khi kết thúc giãn cách xã hội, tỷ lệ trẻ em mắc bệnh nhiễm trùng tăng nhiều hơn, trong đó có đau mắt đó, là bệnh do virus gây nên.

Bình thường, khi tiếp xúc các loại vi khuẩn, virus cũng là cơ hội để hệ miễn dịch của trẻ tăng hoạt động, sinh các kháng thể chống lại các tác nhân gây bệnh. Nợ miễn dịch là hiện tượng xảy ra do trẻ không được tiếp xúc với vi khuẩn và virus một cách thường xuyên.

"Đầu năm học, trẻ dễ gặp tình trạng ốm vặt nhiều do các em nghỉ hè 2-3 tháng liên tục, không tiếp xúc nơi đông người, khi quay trở lại trường học sẽ dễ bị bệnh hơn", bác sĩ Thúy nói.

anh-chup-man-hinh-2023-08-23-l-7585-4637-1694696185.png?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=0IwLykvOPCe8E3-tNGyrwA

Một bệnh nhi bị đau mắt đỏ. Ảnh: Bệnh viện cung cấp

Trong bối cảnh dịch đau mắt đỏ lây lan nhanh, số ca mắc đang tăng, các địa phương đẩy mạnh nhiều giải pháp phòng, chống dịch. Sở Y tế TP HCM đã lấy mẫu bệnh phẩm bệnh nhân đau mắt đỏ để xét nghiệm tìm thủ phạm, xác định hai thủ phạm là enterovirus (chiếm 86%) và adenovirus (chiếm 14%). Sở đang tiếp tục phân tích giải mã gene nhằm định danh chính xác kiểu huyết thanh cũng như kiểu gene của các enterovirus và adenovirus gây bệnh, từ đó có kế hoạch ứng phó, chiến lược phòng bệnh hiệu quả hơn.

Các trường học tại TP HCM, Đà Nẵng, Cần Thơ, Hà Tĩnh... được yêu cầu kịp thời triển khai các biện pháp chủ động phòng, chống dịch bệnh đau mắt đỏ, kịp thời phát hiện học sinh mắc bệnh. Khi phát hiện ca bệnh đau mắt đỏ trong lớp học, các đồ dùng, bàn ghế của học sinh được sát khuẩn, đồng thời thông tin ca bệnh cho trạm y tế phối hợp xử lý.

Theo các chuyên gia Bệnh viện Mắt TP HCM, người mắc bệnh đau mắt đỏ có thể dùng nước muối sinh lý (natri clorua 0,9%) hoặc nước cất để rửa mắt. Các loại thuốc nhỏ mắt có chứa kháng sinh sẽ được bác sĩ chỉ định khi người bệnh có dấu hiệu nghi bội nhiễm vi khuẩn (đau nhức, giảm thị lực, sợ ánh sáng...), phòng ngừa nhiễm trùng sau bóc giả mạc.

Người bệnh cần nghỉ ngơi ở nhà từ 7-10 ngày. Khi điều trị đau mắt đỏ tại nhà, người bệnh cần chườm lạnh giúp mắt giảm sưng, giảm khó chịu ở mắt. Thường xuyên rửa tay và mặt sạch với xà phòng sát khuẩn dịu nhẹ. Tránh dùng chung ly, bát, khăn mặt với người khác để ngừa lây nhiễm. Không dụi mắt, không đi bơi, việc này sẽ làm trầm trọng thêm tình trạng bệnh.

Biện pháp đơn giản nhưng hiệu quả nhất để phòng chống lây lan bệnh đau mắt đỏ do virus là thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, sử dụng nước sạch. Không đưa tay lên dụi mắt, mũi, miệng. Không dùng chung vật dụng cá nhân như lọ thuốc nhỏ mắt, khăn mặt, kính mắt, khẩu trang... Vệ sinh mắt, mũi, họng hàng ngày bằng nước muối sinh lý, các thuốc nhỏ mắt, nhỏ mũi thông thường. Người sau khi khỏi bệnh cần sát khuẩn kính mắt, giặt sạch chăn gối, khăn mặt để tránh tái nhiễm.

Lê Phương - Lê Nga - Đinh Tiên

g-news247