Theo BS.CKII Võ Đôn, Khoa Thần kinh, Trung tâm Thần kinh, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, bệnh xuất hiện do hệ thống miễn dịch tấn công chính nó, làm gián đoạn kết nối giữa dây thần kinh và cơ. Các kháng thể trong máu ngăn chặn hoặc phá hủy nhầm các tế bào thụ thể cơ, giảm số sợi cơ gây co cơ. Bệnh ảnh hưởng đến người ở nhiều độ tuổi, thường gặp nhất ở phụ nữ trẻ (dưới 40 tuổi) và nam giới cao tuổi (trên 60 tuổi).
Bác sĩ Đôn cho biết bệnh nhược cơ có các dấu hiệu khác nhau, bao gồm yếu cơ, sụp mí mắt một hoặc hai bên, nhìn đôi, nhìn mờ, khó nhai hoặc khó nuốt, vẻ mặt vô cảm, hơi méo mặt. Thay đổi giọng nói, cảm thấy thở hụt hơi, suy hô hấp cũng là những dấu hiệu thường gặp của bệnh này.
Bác sĩ kiểm tra tình trạng yếu cơ ở tay, chân, cơ mặt, dấu hiệu sụp mí mắt, mắt lé, nhìn đôi, vận động nhãn cầu của người bệnh. Bác sĩ khám phản xạ gân cơ, kiểm tra dấu hiệu yếu cơ hô hấp, dấu hiệu cảm giác, tiền sử gia đình. Các chỉ định cận lâm sàng có thể được thực hiện thêm để đánh giá bệnh, bao gồm xét nghiệm máu, đo điện cơ và các chụp chiếu khác.
Theo bác sĩ Đôn, mục tiêu điều trị bệnh nhược cơ là giảm triệu chứng, giảm tác dụng phụ của thuốc. Có nhiều phương pháp điều trị như dùng thuốc để chống lại hoặc làm gián đoạn tổn thương vị trí tiếp hợp thần kinh - cơ gây ra bởi hệ miễn dịch. Những thuốc này bao gồm các chất ức chế cholinesterase, thuốc ức chế miễn dịch.
Phẫu thuật cắt bỏ tuyến ức được khuyến nghị ở bệnh nhân nhược cơ có khối u tuyến ức. Phẫu thuật làm giảm độ nghiêm trọng của triệu chứng nhược cơ, hạn chế cho bệnh nhân dùng thuốc. Thay huyết tương cũng được dùng trong điều trị bệnh này, nhằm mục đích loại bỏ các kháng thể có hại trong máu.
Dung Nguyễn
Độc giả đặt câu hỏi bệnh thần kinh tại đây để bác sĩ giải đáp