Chủ nhật, 24 tháng 11 năm 2024

24 0C

Hà Nội

Bí mật kinh doanh và quyền sở hữu trí tuệ

Thứ tư, 20/09/2023 | 01:07
[G-News24/7] -

(KTSG) – Các quy định liên quan tới quyền sở hữu trí tuệ về bảo hộ bí mật kinh doanh là một bước tiến đáng kể để bảo vệ lợi ích cho các doanh nghiệp.

  • Điện ảnh và quyền sở hữu trí tuệ: không thể tách rời!
  • Khi trí tuệ nhân tạo giúp chống vi phạm quyền sở hữu trí tuệ

Chắc hẳn chúng ta đã từng muốn biết công thức sản xuất các loại nước giải khát lừng danh thế giới, như Fanta, Coca-Cola (được giữ bí mật từ hơn một thế kỷ nay), hay công thức trộn gia vị của món gà rán KFC, công thức pha sốt của McDonald’s hay thậm chí thuật toán mà Google dùng để đưa ra các gợi ý cho người tìm kiếm. Những thông tin này được doanh nghiệp chủ sở hữu giữ kỹ bởi nếu lộ ra, rất có thể doanh nghiệp sẽ mất vị thế trên thị trường. Đây chính là những “bí mật kinh hoanh” hay “bí quyết sản xuất” – tài sản đáng giá của doanh nghiệp.

Theo các sử gia, bí quyết sản xuất được giữ lâu đời nhất đến nay là một bí quyết sản xuất lụa ở Trung Quốc, được coi là “tài sản hoàng gia”, được bí mật truyền từ đời này sang đời khác trong nhiều thế kỷ. Để bảo vệ nó, hoàng đế Trung Quốc ban hành luật tử hình mọi cá nhân có ý định mang nhộng hay trứng tằm sản xuất lụa qua biên giới, vì thế trong nhiều thế kỷ chỉ có Trung Quốc mới sản xuất được lụa. Ngay cả ngày nay, trong một số trường hợp đặc biệt, bí quyết sản xuất thuộc về nhà nước, khi đó, bí mật cũng như quy trình sản xuất có thể được… quân đội bảo vệ nghiêm ngặt.

Bảo vệ bí mật nhờ… luật

Bên cạnh một chủ đề lịch sử thú vị, bí mật luôn là “tâm điểm” trong lĩnh vực quyền sở hữu trí tuệ (SHTT). Là tài sản vô cùng quan trọng, nhưng không phải bí mật nào cũng có thể đăng ký bảo hộ SHTT. Vì thế, các doanh nghiệp thường có các biện pháp bảo vệ bí mật như hệ thống an ninh kiểm tra người ra, vào, bảo vệ mạng lưới máy tính doanh nghiệp, kiểm soát trao đổi thông tin với bên ngoài doanh nghiệp, bảo vệ tuyệt mật các tài liệu chứa thông tin quan trọng…

Tuy nhiên, các biện pháp này cũng có những bất lợi, nhất là khi có sự thay đổi về nhân sự. Không chỉ thế, ngày nay nhiều tiến bộ công nghệ cho phép đối thủ cạnh tranh phân tích thành phần công thức sản xuất hay dự đoán quy trình sản xuất của doanh nghiệp. Hơn nữa, các hoạt động với đối tác của doanh nghiệp như hợp tác nghiên cứu, thương thuyết li xăng, hợp đồng với nhà thầu phụ… cũng ngày càng trở nên phổ biến hơn, dẫn đến khả năng mất “bí mật” ngày càng cao. Lúc này các doanh nghiệp sẽ càng cần tới pháp luật để bảo vệ lợi ích.

Hiệp định về các khía cạnh liên quan tới thương mại của quyền SHTT (TRIPS) (có hiệu lực từ 1-1-1995) đã chính thức đưa việc bảo vệ bí mật kinh doanh (chống lại các hành vi cạnh tranh không lành mạnh) vào Luật SHTT. Ở Việt Nam, quy định liên quan đến việc bảo vệ bí mật kinh doanh nằm trong mục 7 (điều 184 và 185) của Luật SHTT hiện hành.

Trong lĩnh vực pháp lý, hợp đồng thường được sử dụng để bảo vệ bí mật doanh nghiệp: hợp đồng lao động có chứa điều khoản liên quan tới thông tin tuyệt mật hay nguyên tắc không cạnh tranh, hợp đồng hợp tác kinh doanh có chứa các điều khoản đảm bảo thông tin bí mật, cấm tuyệt đối việc chuyển giao thông tin cho bên thứ ba hay ngoài phạm vi áp dụng của hợp đồng.

Nhờ vào biện pháp này, doanh nghiệp có thể kiểm soát việc nhân viên hay đối tác sử dụng thông tin, ít nhất là trong thời gian hiệu lực của hợp đồng. Tất nhiên, trong trường hợp này bí mật đã được tiết lộ, nhưng luật pháp hợp đồng cho phép “vô hiệu hóa” việc sử dụng bí mật đó, và vì thế giúp doanh nghiệp duy trì vị thế độc quyền sử dụng bí mật.

Ngoài luật về hợp đồng, doanh nghiệp có thể “nhờ cậy” đến một biện pháp pháp lý khác: Luật Chống cạnh tranh không lành mạnh. Bởi mỗi doanh nghiệp đều có lợi ích chính đáng trong việc bảo vệ giá trị tài sản doanh nghiệp, việc một cá nhân hay một doanh nghiệp khác tìm cách chiếm đoạt thông tin bí mật này bị luật pháp coi là hành vi cạnh tranh không lành mạnh.

Những hành vi này có thể là tìm cách mua thông tin từ một nhân viên cũ, đột nhập trái phép vào hệ thống máy tính doanh nghiệp để lấy thông tin, hay thực hiện các biện pháp “tình báo kinh tế”.

Luật về cạnh tranh không cho phép các doanh nghiệp sử dụng các biện pháp này. Nếu vi phạm, doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. Điểm yếu của việc áp dụng biện pháp pháp lý này là tiền đền bù thường ít ỏi, không thỏa đáng và không tương xứng với thiệt hại gây ra.

Bước tiến từ Luật Sở hữu trí tuệ

Hiệp định về các khía cạnh liên quan tới thương mại của quyền SHTT (TRIPS) (có hiệu lực từ 1-1-1995) đã chính thức đưa việc bảo vệ bí mật kinh doanh (chống lại các hành vi cạnh tranh không lành mạnh) vào Luật SHTT. Việc Hiệp định TRIPS chính thức bảo hộ bí mật kinh doanh là một bước tiến đáng kể để bảo vệ lợi ích cho các doanh nghiệp.

Hiệp định này quy định ở điều 1.2 rằng “Nhằm các mục tiêu của hiệp định này, thuật ngữ “sở hữu trí tuệ” có nghĩa là tất cả các đối tượng SHTT nêu tại các mục từ mục 1 đến mục 7 của phần II”. Việc bảo hộ “Thông tin bí mật” được quy định ở các điều 39.1 đến 39.3 của mục 7 nói trên.

Điều này cho thấy bí mật kinh doanh được coi như một tài sản trí tuệ của doanh nghiệp. Xin bổ sung là định nghĩa “bí mật” theo TRIPS rất rộng (thông tin bí mật, có giá trị thương mại, được bảo vệ bởi những biện pháp hợp lý), dưới ảnh hưởng của luật pháp Mỹ. Dưới định nghĩa này, mọi thông tin kỹ thuật, thương mại, tài chính hay chiến lược… đều có thể được coi là bí mật được bảo hộ.

Đặc biệt, khi những thông tin liên quan tới sản phẩm dược hay hóa học dùng cho nông nghiệp bị buộc phải tiết lộ cho cơ quan chức năng theo luật định để có thể đưa sản phẩm ra thị trường, thì việc tiết lộ này không bị coi là làm mất tính bí mật của thông tin. Các cơ quan chức năng quốc gia buộc phải có biện pháp để đảm bảo việc bảo vệ bí mật các thông tin này.

Theo quy định của Tổ chức Thương mại quốc tế (WTO), mọi thành viên của WTO đều phải đưa quy định TRIPS vào luật quốc gia. Ở Việt Nam, quy định liên quan đến việc bảo vệ bí mật kinh doanh nằm trong mục 7 (điều 184 và 185) của Luật SHTT hiện hành.

Ngoài các cơ chế nói trên, bí mật còn có thể nhìn nhận dưới các góc độ khác nhau của Luật SHTT, tùy vào bản chất của nó.

Ví dụ, theo luật về bằng sáng chế, chủ sở hữu sáng chế chỉ có thể nộp đơn đăng ký bảo hộ khi sáng chế chưa được tiết lộ ra công chúng. Một khi sáng chế không còn là bí mật (như đăng báo chuyên ngành nghiên cứu hay thậm chí việc tung ra thị trường sản phẩm mới sản xuất nhờ sáng chế công nghệ), điều này sẽ chấm dứt khả năng bảo hộ.

Nguyên tắc chỉ công bố sau ngày nộp đơn đăng ký bảo hộ mới không làm ảnh hưởng tới tính mới của sáng chế là nguyên tắc cơ bản trong luật về bằng sáng chế. Bí mật và bằng sáng chế vì thế luôn là “bạn đồng hành”, là hai biện pháp bổ sung cho nhau nhằm bảo vệ lợi ích doanh nghiệp đối với những kết quả nghiên cứu mang tính đổi mới công nghệ.

Trong lĩnh vực quyền tác giả, phần mềm được bảo hộ như “tác phẩm”. Tuy nhiên, để bảo vệ mã nguồn hiệu quả, chủ sở hữu cần sử dụng cả hai cơ chế là quyền tác giả và bảo hộ bí mật.

Có thể nêu ra ở đây một số vụ kiện đình đám thế giới trong lĩnh vực bảo vệ bí mật kinh doanh. Trong những năm 1990, vụ tranh chấp General Motors – Volkswagen thu hút truyền thông vì liên quan tới việc một nhân viên chuyển công ty sang làm cho… đối thủ công ty cũ. Volkswagen đã tuyển dụng cựu giám đốc mua hàng của General Motors cũng như nhiều nhân viên cũ của ông này.

Những người này đã mang sang cho Volkswagen những bộ tài liệu tuyệt mật của General Motors. Sau một thời gian dài kiện cáo thì General Motors đã nhận được mức đền bù là hơn 100 triệu đô la Mỹ, cũng như cam kết của Volkswagen mua các linh kiện thay thế trị giá 1 tỉ đô la Mỹ.

Cũng gây ầm ĩ không kém là vụ kiện giữa Formule 1 Ferrari và McLaren vào những năm 2000. Công ty McLaren bị buộc tội là đã chiếm thông tin mật bằng các biện pháp trái pháp luật. Hình phạt không dễ chịu chút nào. Công ty này buộc phải bồi thường hơn 100 triệu đô la Mỹ, và bị cấm tham gia thi đua xe Formule 1 trong vòng một năm.

Gần đây, sự xuất hiện của ChatGPT lại đặt ra một thách thức mới cho các doanh nghiệp trong việc bảo vệ bí mật kinh doanh. Công ty Samsung từ đầu năm 2023 đã cấm nhân viên dùng ChatGPT hoặc các phần mềm tương tự vì nguy cơ lộ bí mật của doanh nghiệp.

Cho dù có thể các thông tin nhập vào ChatGPT không được truyền bá ra công chúng nhưng việc hệ thống trí tuệ nhân tạo thu nhập các thông tin này có thể hình thành nguy cơ lộ bí mật. Không chỉ thế, việc cho phép nhân viên sử dụng ChatGPT có thể là cớ để đối thủ lấy cắp bí mật biện luận trước tòa là bí mật không được bảo vệ một cách hợp lý, và vì thế không còn là… bí mật.

g-news247