Thứ bảy, 30 tháng 11 năm 2024

24 0C

Hà Nội

Biến chứng xơ gan, ung thư gan

Chủ nhật, 17/09/2023 | 05:49
[G-News24/7] -

Ung thư gan là bệnh ác tính, xảy ra khi các tế bào bình thường trong mô gan phát triển, tăng trưởng không kiểm soát dẫn đến bất thường cả về hình thái lẫn chức năng. Các tế bào này ảnh hưởng đến các mô lân cận, có thể lây sang các cơ quan bên ngoài gan, phá hủy tế bào gan và cản trở hoạt động của bộ phận này.

Tiến sĩ, bác sĩ Phạm Công Khánh, Trưởng khoa Gan Mật Tụy, Trung tâm Nội soi và Phẫu thuật Nội soi tiêu hóa, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, cho biết người có người thân ung thư gan, nguy cơ mắc bệnh cao hơn bình thường, nhưng khả năng di truyền rất thấp.

Viêm gan siêu vi và xơ gan là những yếu tố hàng đầu làm tăng nguy cơ ung thư gan. Xơ gan bắt nguồn từ bệnh viêm gan virus hoặc thói quen lạm dụng rượu bia trong thời gian dài. Người hút thuốc lá, béo phì, gan nhiễm mỡ, tiểu đường... dễ bị ung thư gan.

Xơ gan và ung thư gan không được điều trị có thể dẫn đến các biến chứng như sau:

Rối loạn đông máu gây xuất huyết: Người bệnh thường xuyên chảy máu cam hoặc chảy máu khi đánh răng, nguy cơ xuất huyết tiêu hóa cao. Triệu chứng thiếu máu kéo dài gồm mệt mỏi, khó thở, nhịp tim nhanh, da xanh xao, choáng váng.

Xuất huyết nội: Khi ung thư gan không được điều trị, khối u gan vỡ gây chảy máu vào ổ bụng. Xuất huyết nội là biến chứng nặng, cần can thiệp bằng phẫu thuật cầm máu hay nút mạch, tránh tử vong do sốc mất máu.

bs-khanh-6239-1694768510.png?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=b5PCRTDnOku7h78YXKEerw

Bác sĩ Khánh tư vấn sức khỏe cho người bệnh. Ảnh: Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh

Tắc nghẽn ống dẫn mật: Xảy ra khi các khối u gan hoặc khối u ống mật phát triển chèn ép đường mật. Bệnh gây đau bụng trên bên phải, buồn nôn, nôn, vàng da, ngứa. Tắc mật dễ tiến triển thành suy gan.

Giãn tĩnh mạch thực quản: Xơ gan và ung thư gan có thể gây ra tình trạng tăng áp lực tĩnh mạch cửa. Tăng áp lực tĩnh mạch cửa làm giãn tĩnh mạch thực quản và dạ dày, dẫn đến xuất huyết tiêu hóa. Đây cũng là biến chứng nặng có thể đe dọa tính mạng người bệnh.

Hội chứng gan thận: Đây là tình trạng suy chức năng thận diễn tiến nhanh và nặng xảy ra ở người xơ gan nặng hay suy gan cấp. Lọc hoặc ghép gan mới là phương pháp điều trị phổ biến cho hội chứng này.

Bệnh não gan: Gan có chức năng chuyển hóa và thải độc. Xơ gan hay suy gan cấp làm giảm chức năng gan. Những độc tố từ đường tiêu hóa không được chuyển hóa hay thải độc qua gan, đến hệ tuần hoàn, não, gây ra tình trạng rối loạn tri giác từ nhẹ đến nặng (rối loạn ý thức, hành vi, giảm trí nhớ, mất phương hướng...), hôn mê.

xo-gan-9074-1694768510.png?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=1_R6761_CObEEbAHskoZjQ

Các bác sĩ trong một ca điều trị ung thư gan bằng phương pháp nút mạch. Ảnh: Bệnh viện Tâm Anh

Theo bác sĩ Khánh, phương pháp điều trị ung thư gan dựa trên các yếu tố như số lượng, kích thước, vị trí khối u trong gan, tình trạng di căn, chức năng gan.

Một số phương pháp phổ biến điều trị ung thư gan gồm phẫu thuật cắt gan, ghép gan, hủy u bằng sóng cao tần, nút mạch, hóa trị, xạ trị... Trong đó, nút mạch gan là phương pháp tiên tiến giúp kiểm soát sự phát triển của khối u, tránh biến chứng xuất huyết nội do vỡ u.

Bác sĩ bơm hỗn hợp vật liệu tắc mạch và hóa chất vào khối u. Hỗn hợp này giúp ngắt nguồn máu nuôi dưỡng và tiêu diệt hoàn toàn hoặc một phần khối u. Phương pháp can thiệp tối thiểu, ít xâm lấn, có chọn lọc, do đó, bảo tồn được mô gan lành, giúp người bệnh duy trì được chức năng gan cần thiết, kéo dài thời gian sống, cải thiện chất lượng sống.

Ung thư gan có tỷ lệ mắc mới, tử vong mỗi năm cao. Theo số liệu thống kê từ Globocan 2020, tỷ lệ mắc mới ung thư gan tại Việt Nam khoảng 26.420 ca mỗi năm, chiếm 14,5% tổng số ung thư. Số ca tử vong do ung thư gan khoảng 25.270, chiếm 21% tổng số ca tử vong do ung thư.

Phi Hồng

Độc giả đặt câu hỏi bệnh tiêu hóa tại đây để bác sĩ giải đáp
g-news247