Tư liệu sống ở Đa Nhinh
Dưới ánh lửa bập bùng đêm hội đón khách, những chàng trai, cô gái M’nông ở thôn Đa Nhinh 1, xã Đạ Tông, huyện Đam Rông (tỉnh Lâm Đồng) biểu diễn những điệu chiêng, bài múa xoang uyển chuyển lôi cuốn du khách phương xa. Những thành viên vừa là con cháu trong gia đình, vừa là “học trò” của già làng Đa Cát Tư, được ông truyền dạy âm nhạc, múa hát.
“Từ thời niên thiếu, tôi đã nhiều lần theo ông cha tham dự các lễ hội văn hóa truyền thống và nghe các bậc tiền bối hát đối đáp, giao duyên, hát kể về Ót Ndrong. Từ đó, tôi yêu thích và bắt đầu ghi chép, lâu dần những đêm sử thi ấy đã thấm vào máu thịt. Già hơn 70 tuổi rồi, chuyện có lúc nhớ, lúc quên, nhưng những câu truyện cổ tích, bài hát, dân ca, những kinh nghiệm sống… vẫn còn hằn sâu trong tâm trí”, già làng Đa Cát Tư chia sẻ.
Già làng Đa Cát Tư (xã Đạ Tông) là một trong những “bóng cả” sưu tầm, truyền dạy văn hóa truyền thống của người M’nông bên dòng K’rông Nô.
Với mong muốn lưu truyền cho thế hệ sau, già làng Đa Cát Tư đã ghi chép hơn 5.000 bài hát, câu vè, dân ca như: Ye Yăng Kon Tàng, Pan Yô Bồng Kon Chong… Bây giờ, mỗi lúc nhàn rỗi, già sáng tác thêm nhiều tác phẩm để cùng luyện tập với bà con trong lúc sinh hoạt cộng đồng.
Vừa kể cho chúng tôi nghe, già làng Đa Cát Tư vừa cẩn thận lật giở từng trang giấy cũ. Mỗi trang viết được lật, giống như già đang lật lại ký ức của mình. Già làng Đa Cát Tư bộc bạch: “Bao năm qua, cùng với cồng chiêng, sử thi của người M’nông cũng là di sản đặc trưng được cha ông truyền lại. Sử thi còn, văn hóa còn; sử thi của người M’nông cũng giống bao dân tộc khác, được tích lũy lâu đời và ảnh hưởng đến lời ăn, tiếng nói, luật tục, nếp sống và cả tín ngưỡng của người dân trong buôn. Nhưng hơn hết, già sợ mất sử thi, mất những giá trị văn hóa quý giá, nên thi thoảng vào những đêm hội của làng, già tranh thủ kể cho con cháu nghe sử thi của người M’nông, với các chủ đề chính về con người và xã hội; về sự hình thành của vũ trụ. Cứ như vậy, một bên già chép sử, một bên già đưa sử thi M’nông đến với cộng đồng”.
Những câu chuyện kể của già làng Đa Cát Tư như đưa người nghe ngược thời gian, trở về với một kho tàng văn hóa tinh thần vô giá, đầy sống động và chân thực.
Giữ nét truyền thống
Bên cạnh việc giữ gìn và bảo tồn các loại hình văn hóa truyền thống trong kho tàng văn học, nghệ thuật dân gian đặc sắc, già làng Đa Cát Tư còn là người tiên phong trong việc sưu tầm các sản vật của người M’nông. Nhiều nông cụ sản xuất thô sơ như gùi, giỏ, mùng..., và đặc biệt hơn hết là những cây kèn bầu, kèn sừng trâu, đàn độc huyền hay đàn 8 dây, được già cất kỹ lưỡng và xem như “gia tài” quý giá của gia đình.
Già Đa Cát Tư chia sẻ: “Hầu hết các nông cụ còn đang sử dụng hiệu quả, nhưng với sự thay đổi về không gian sinh sống, cách làm trong xã hội hiện đại, hiện nay những đồ vật này được già gác trong căn bếp nhỏ. Nhiều khi sợ mối mọt ăn mòn, thỉnh thoảng già cùng con cháu phải lau dọn, kiểm tra, để mấy cái đồ còn nguyên thì mai này thế hệ sau mới xem được và biết các dụng cụ lao động của ông bà mình từ xa xưa”.
Thời gian phủ dày trên các nông cụ cũng là từng ấy năm già làng Đa Cát Tư nâng niu, sưu tầm văn hóa của đồng bào M’nông. Có lẽ với già, đam mê sưu tầm thôi chưa đủ, mà hơn hết là tinh thần sống vì dân tộc, vì cộng đồng và những người trẻ thuộc thế hệ mai sau. Với cộng đồng đồng bào dân tộc thiểu số, điều quan trọng hơn hết là lời nói phải đi đôi với việc làm. Hướng tay về phía gác bếp, già làng Đa Cát Tư nói thêm: “Đó là kho lúa của cộng đồng chúng tôi, kho lúa đầy thì cuộc sống sung túc, cũng giống như văn hóa dân tộc mình vậy, lúc nào cũng cần được vun đắp”.
Thường xuyên qua lại nhà già làng Đa Cát Tư để trao đổi những “ký ức” xưa của cộng đồng, già làng Liêng Hot Ha Chong rất hiểu bạn mình. Già làng Liêng Hot Ha Chong nói: “Nhờ tiếng nói, hành động của ông Đa Cát Tư, đến nay hệ thống luật tục và văn hóa của đồng bào dân tộc M’nông tại đây vẫn được lưu giữ. Các tín ngưỡng, sử thi, văn hóa cồng chiêng, nghệ thuật múa xoang, ẩm thực, trang phục dân tộc và kể cả thiết chế để duy trì sự ổn định của cộng đồng vẫn được ông gìn giữ và vận động bà con phát triển một cách hiệu quả”.
Ông Trần Văn Dũng, Phó Chủ tịch UBND xã Đạ Tông, cho biết: Già làng Đa Cát Tư là niềm kiêu hãnh của đồng bào M’nông trong những năm tháng kiến tạo buôn làng. Trước kia già là nhà giáo, sau này tham gia công tác tại xã cho đến lúc về hưu. Hiện tại, già đang là Chủ tịch Hội Người cao tuổi xã Đạ Tông. Dù ở vị trí nào, già cũng đều làm tốt công việc của một người uy tín trên địa bàn xã.
ĐOÀN KIÊN