"Chúng tôi đã quyết định mời 6 nước này trở thành thành viên chính thức của BRICS. Tư cách thành viên của họ sẽ có hiệu lực từ ngày 1/1/2024", Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa phát biểu tại hội nghị thượng đỉnh ở Johannesburg ngày 24/8.
Theo Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, sự mở rộng thành viên trong khối phản ánh quyết tâm của BRICS về thống nhất và hợp tác.
Tổng thống Ramaphosa cho hay các lãnh đạo BRICS cũng thông qua tuyên bố chung của hội nghị, trong đó đề cập việc kết nạp 6 thành viên mới từ năm sau.
Cuộc tranh luận về việc mở rộng BRICS, bao gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi, là nội dung hàng đầu trong chương trình nghị sự tại hội nghị thượng đỉnh kéo dài ba ngày ở Johannesburg. Tất cả thành viên BRICS đều ủng hộ tăng quy mô khối.
Tổng thống Brazil Luiz Inacio Lula da Silva nói rằng Arab Saudi, Argentina, Ethiopia và Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) đều công khai bày tỏ quan tâm đến việc trở thành thành viên của BRICS.
"Chúng tôi sẽ vẫn cởi mở với các ứng viên mới. Sự quan tâm gia nhập của các nước cho thấy việc BRICS theo đuổi trật tự kinh tế thế giới mới phù hợp đến thế nào", ông Lula nói.
Sau thông báo của Tổng thống Nam Phi, Tổng thống UAE Mohammed bin Zayed đăng trên mạng xã hội rằng ông đánh giá cao việc đưa đất nước trở thành thành viên của BRICS và mô tả đây là một "nhóm quan trọng".
"Chúng tôi mong muốn tiếp tục cam kết hợp tác vì sự thịnh vượng, giá trị và lợi ích của tất cả quốc gia và người dân trên thế giới", ông đăng trên X.
Thủ tướng Ethiopia Abiy Ahmed cho rằng quyết định của BRICS khi mời Ethiopia gia nhập là "khoảnh khắc tuyệt vời" và đất nước ông muốn hợp tác vì "một trật tự toàn cầu thịnh vượng và toàn diện".
Trước hội nghị, các quan chức Nam Phi cho biết hơn 40 quốc gia bày tỏ quan tâm gia nhập BRICS và 22 quốc gia đã chính thức yêu cầu được kết nạp.
Trong phát biểu hôm nay, Tổng thống Ramaphosa cho biết các thành viên BRICS nhấn mạnh về động lực toàn cầu trong sử dụng các đồng tiền địa phương, các thỏa thuận tài chính và hệ thống thanh toán thay thế. "Chúng tôi sẵn sàng nghiên cứu cơ hội cải thiện tính ổn định, tin cậy và công bằng của cấu trúc tài chính toàn cầu", ông nói.
Các lãnh đạo BRICS cũng tuyên bố sẽ xem xét việc sử dụng các đồng tiền địa phương trong thanh toán. Các bộ trưởng tài chính và thống đốc ngân hàng trung ương BRICS sẽ thảo luận vấn đề này để báo cáo với các lãnh đạo trong hội nghị thượng đỉnh tiếp theo.
BRICS được thành lập năm 2009 với 4 thành viên Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và kết nạp thêm Nam Phi một năm sau đó. Ngoài địa chính trị, trọng tâm của khối còn có hợp tác kinh tế, tăng cường thương mại và phát triển đa phương. BRICS hoạt động theo nguyên tắc đồng thuận, tất cả thành viên của khối đều nằm trong G20.
Hội nghị thượng đỉnh BRICS diễn ra tại Nam Phi ngày 22-24/8. Tổng thống Brazil Lula, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đến Nam Phi dự sự kiện.
Đại diện Nga tham gia họp trực tiếp năm nay là Ngoại trưởng Sergey Lavrov, Tổng thống Vladimir Putin dự sự kiện theo hình thức trực tuyến. Ngoài các lãnh đạo trong khối, hội nghị cũng có sự tham gia của khoảng 50 lãnh đạo khách mời khác.
Huyền Lê (Theo AFP, Reuters)