Thứ ba, 26 tháng 11 năm 2024

24 0C

Hà Nội

Bước tiến của Trung Quốc trong cuộc đua siêu AI

Thứ bảy, 09/09/2023 | 04:12
[G-News24/7] -

Cuộc đua AI tạo sinh được khởi động từ cuối năm 2022 khi OpenAI giới thiệu ChatGPT ra công chúng. Đến tháng 3, công ty Baidu của Trung Quốc ra mắt chatbot tương tự là Ernie. Một tháng sau, Alibaba công bố Tongyi Qianwen, được ví như "ChatGPT phiên bản Trung Quốc". SenseTime, được SoftBank hậu thuẫn, cũng công bố mô hình ngôn ngữ lớn SenseNova và tích hợp vào chatbot có tên SenseChat.

Trên thực tế, các công ty Trung Quốc đã đầu tư vào AI từ nhiều năm. Tuy chậm chân trong cơn sốt AI tạo sinh, các công ty công nghệ nước này lại dẫn đầu về hệ thống giám sát. Lợi thế của đất nước tỷ dân nằm ở quy mô thị trường lớn. Công nghệ camera AI đã trải rộng khắp cả nước, giám sát từ việc đeo khẩu trang, dùng giấy trong nhà vệ sinh công cộng cho đến đánh giá điểm công dân.

Sixsen-1825-1694020813.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=n-4fLcVmHE3_XkWrSQw5EA

Một phần mềm ứng dụng AI để xác định thông tin chi tiết về người và phương tiện do startup SenseTime của Trung Quốc xây dựng. Ảnh: Bloomberg

Khi ChatGPT đã len lỏi vào trong mọi ngóc ngách của đời sống, các nước phương Tây lại tỏ ra lúng túng trong việc tìm cách quản lý các mối đe dọa tiềm ẩn của AI. Những tranh cãi liên quan đến quyền riêng tư, việc làm, sở hữu trí tuệ liên tục nổ ra, từ các diễn đàn công nghệ đến hành lang quốc hội. Nhiều lãnh đạo công nghệ hàng đầu, trong đó có Elon Musk, đã ký vào thư kiến nghị dừng chạy đua AI để đánh giá về các "rủi ro sâu sắc".

Trong khi đó, giới chuyên gia nhận định việc tiếp cận AI cẩn trọng giúp Trung Quốc chủ động trong việc điều chỉnh các hoạt động sử dụng, đặc biệt là kiểm soát công chúng tạo ra những nội dung bằng trí tuệ nhân tạo. Một số công ty còn đi xa hơn khi tự đưa ra quy tắc riêng. Chẳng hạn Douyin - phiên bản nội địa của TikTok - yêu cầu nội dung do AI tạo phải được gắn nhãn và bất kỳ ai đăng bài trên nền tảng này phải xác thực danh tính.

Ngày 15/8, Cục Quản lý không gian mạng Trung Quốc và một số cơ quan ban hành quy định tạm thời về việc quản lý dịch vụ AI tạo sinh. Ngày 31/8, Global Times cho biết Trung Quốc phê duyệt "gói AI tạo sinh" đầu tiên với 11 mô hình lớn, bao gồm Ernie Bot của Baidu. 11 siêu AI này được chính phủ chấp thuận phát hành rộng rãi ra công chúng từ đầu tháng 9 để cạnh tranh trực tiếp với ChatGPT.

Ngay sau đó, Baidu cho biết sẽ công khai mã nguồn AI liên quan đến Ernie Bot. Công ty cũng mắt một bộ ứng dụng AI gốc, cho phép người dùng trải nghiệm đầy đủ bốn khả năng cốt lõi của AI tạo sinh gồm: hiểu, sáng tạo, lập luận và ghi nhớ. Ngày 5/9, Reuters dẫn lời CEO Baidu Robin Li cho biết đã có hơn 70 mô hình ngôn ngữ trí tuệ nhân tạo lớn với hơn một tỷ thông số đã được phát hành tại Trung Quốc.

Công ty AI hàng đầu của Trung Quốc iFlytek cũng cho biết đang có kế hoạch nâng cấp mô hình lớn của mình vào ngày 24/10. Mô hình mới dự kiến cho chất lượng tương đương ChatGPT về khả năng tiếng Anh và vượt trội khi dùng tiếng Trung Quốc.

Global Times dẫn lời chuyên gia công nghệ độc lập Liu Dingding: "Năm nay, ngành AI Trung Quốc đã chứng kiến những tiến bộ vượt bậc chưa từng có. Nhờ hỗ trợ chính sách, Trung Quốc bước vào thời kỳ phát triển nhanh chóng. Các mô hình AI lớn của Trung Quốc đang cạnh tranh sòng phẳng với những mô hình phương Tây".

Trung Quốc cũng áp dụng cách tiếp cận linh hoạt về quyền riêng tư và bảo vệ dữ liệu của người dùng cho các công ty và tổ chức nghiên cứu trong nước, mang lại nhiều cơ hội hơn cho những ý tưởng mới.

Theo IDC, đầu tư AI của Trung Quốc dự kiến đạt 26,69 tỷ USD vào năm 2026, chiếm khoảng 8,9% đầu tư toàn cầu. Phần cứng sẽ là thị trường sơ cấp lớn nhất trong 5 năm tới và đầu tư sẽ đạt hơn 15 tỷ USD.

Dau-tu-AI-Trung-Quoc-5703-1694020813.png?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=UQfQZO79eCuvmOEKqnTt8g

Dự báo đầu tư vào AI của Trung Quốc đến năm 2026. Nguồn: IDC

Nikkei Aisia đánh giá, sự trỗi dậy của Trung Quốc trong lĩnh vực siêu AI không chỉ xuất phát từ định hướng rõ ràng của chính phủ mà còn đến từ tầng lớp tinh hoa công nghệ trong nước. Đa số dự án AI mới tại đây được dẫn dắt bởi các học giả hoặc chuyên gia công nghệ cấp cao như Jia Yangqing, cựu phó chủ tịch của Alibaba Group Holding; Wang Changhu, cựu giám đốc công nghệ thị giác tại ByteDance; Li Yan, lãnh đạo nhóm Phân tích đa phương tiện của Kuaishou về video ngắn.

Một động lực khác của ngành AI Trung Quốc đến từ chính người dân. Trong khảo sát năm 2022 của Stanford, 78% người Trung Quốc được hỏi đồng ý với nhận định rằng sản phẩm và dịch vụ sử dụng AI có nhiều lợi ích hơn là nhược điểm. Trong khi đó, chỉ 35% người Mỹ được lấy mẫu tỏ ra lạc quan với các ứng dụng AI.

fig-8-1-2-products-services-us-2330-6330-1694020813.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=5xKE8Fk069xU09ekzYAzqw

Trung Quốc đứng đầu thế giới trong khảo sát người dân về tâm lý tích cực liên quan đến sản phẩm AI. Nguồn: Stanford

Một thách thức trong cuộc chạy đua siêu AI là chip xử lý tốc độ cao đang được các công ty Trung Quốc dần tìm cách tháo gỡ. Khi Mỹ yêu cầu Nvidia không bán GPU cao cấp cho các công ty Trung Quốc, Huawei đã có câu trả lời. Ngày 25/8, tại Diễn đàn Doanh nhân Trung Quốc, Liu Qingfeng, Chủ tịch iFlytek, nói chip đồ họa của Huawei có thể sánh ngang với hiệu suất A100 của Nvidia. "Chúng tôi đang hợp tác với Huawei để xây dựng lợi thế cụm trong việc đào tạo mô hình ngôn ngữ siêu lớn. Chúng tôi tự tin có thể phá vỡ sự kìm hãm về sức mạnh tính toán và phấn đấu bắt kịp OpenAI về ứng dụng AI nói chung", Global Times dẫn lời ông Liu.

Các nhà phân tích cho rằng "mùa đông AI" của Trung Quốc đã qua. Với sự ủng hộ của chính phủ cùng các quy định rõ ràng, tâm lý sẵn sàng của người dân và tham vọng của những tinh hoa công nghệ hàng đầu, Trung Quốc sẽ nhanh chóng cho thấy sức mạnh của họ trong cuộc đua về AI.

Khương Nha tổng hợp

g-news247