Trúng gói thầu hơn 1 tỷ USD, dự án Lô B - Ô Môn có thể được nhận FID trong năm nay
Thông tin từ Bảo Việt Securities (BVSC) cho biết, liên doanh Tổng Công ty Cổ phần Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (PTSC, mã cổ phiếu PVS – sàn HNX) đã trúng gói thầu Thiết kế, xây dựng, lắp đặt cụm giàn công nghệ trung tâm và giàn nhà ở (EPCI#1) trị giá 1,08 tỷ USD thuộc chuỗi dự án khí Lô B – Ô Môn.
Đáng chú ý, BVSC nhận định, mặc dù còn nhiều khó khăn trong quy trình phê duyệt dự án Lô B – Ô Môn, nhưng với quyết tâm của Chính phủ và các bên liên quan đều đang nỗ lực đẩy nhanh tiến độ dự án, điển hình là việc chuyển giao chủ đầu tư dự án Nhà máy Điện Ô Môn 3&4 từ Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) sang Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), chuỗi dự án Lô B – Ô Môn có thể nhận Quyết định đầu tư cuối cùng (FID) ngay trong năm 2023.
Điều này được kỳ vọng sẽ tiếp tục thúc đẩy hoạt động kinh doanh của Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí trong thời gian tới. Dự kiến, sau giai đoạn đón dòng khí đầu tiên (first gas) của chuỗi dự án Lô B – Ô Môn, PTSC sẽ tiếp tục tham gia xây dựng giai đoạn 2 của chuỗi dự án này, với giá trị mỗi năm có thể vào khoảng 100 – 200 triệu USD.
Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí được đánh giá là doanh nghiệp hàng đầu Việt Nam và trong khu vực về cung cấp dịch vụ kỹ thuật dầu khí. Công ty hiện đang hoạt động kinh doanh chủ yếu trên 6 lĩnh vực, gồm: xây lắp cơ khí, công trình biển (M&C); kho nổi FSO/FPSO; dịch vụ vận chuyển, lắp đặt, bảo dưỡng O&M; cung ứng tàu dầu khí; căn cứ Cảng dầu khí; và khảo sát địa chấn.
Trong đó, mảng dịch vụ xây lắp M&C là mảng kinh doanh mũi nhọn của Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí nhờ lợi thế chuyên môn đặc thù liên quan tới đóng giàn, chân đế, lắp đặt các cấu kiện hay thi công các phần của dự án lọc hóa dầu. Đây cũng là mảng đóng góp doanh thu lớn nhất, chiếm tỷ trọng hơn 50% tổng doanh thu hàng năm của công ty.
Mảng dịch vụ xây lắp M&C của Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí được kỳ vọng sẽ tăng trưởng mạnh trong những năm tới đây nhờ các dự án nội địa lẫn quốc tế. Trong năm 2024, nhiều dự án dầu khí trong nước sẽ được triển khai bao gồm Lạc Đà Vàng, Sư Tử Trắng giai đoạn 2 với tổng giá trị hợp đồng lên đến gần 1 tỷ USD.
Bên cạnh đó, thị trường quốc tế cũng đang rất sôi động do nhu cầu khai thác mới từ khu vực Trung Đông. Trong thời gian qua, Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí đã và đang gấp rút đấu thầu các dự án lớn tại Qatar, tuy nhiên công ty chưa tiết lộ chi tiết cụ thể về thông tin cũng như giá trị các dự án này. Những dự án trên được kỳ vọng sẽ đảm bảo lượng công việc khổng lồ cho Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí trong 2-3 năm tới.
Xem thêm: "Kỳ vọng bứt phá từ các dự án mới, cổ phiếu HHV – Giao thông Đèo Cả lên đỉnh 16 tháng" trên Tạp chí Công Thương tại đây.
Tiềm năng lớn từ mảng điện gió ngoài khơi
Tháng 5/2023, Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí đã ký kết hợp đồng chế tạo và cung cấp chân đế điện gió ngoài khơi với Tập đoàn Ørsted cho dự án điện gió ngoài khơi Greater Changhua 2b & 4 ngoài khơi Đài Loan (Trung Quốc) trị giá hơn 300 triệu USD.
Lĩnh vực điện gió ngoài khơi được đánh giá là động lực tăng trưởng kinh doanh mới và dài hạn đối với Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí. Hiện tại, công ty đang cung cấp các dịch vụ khảo sát ngoài khơi cho các nhà thầu năng lượng gió ngoài khơi; vận chuyển, lắp đặt tháp, turbine gió, rải cáp ngầm, cung cấp tàu dịch vụ... cho các dự án điện gió ở Bến Tre, Trà Vinh, Bình Thuận.
Hợp đồng giá trị lớn với Tập đoàn Ørsted đánh dấu bước ngoặt lịch sử đối với Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí trong việc thâm nhập chuỗi cung ứng thiết kế, chế tạo, thi công điện gió ngoài khơi trên toàn cầu.
Đến tháng 6/2023, Tập đoàn Ørsted và PGE Group đã ký thỏa thuận với liên doanh PTSC M&C - công ty con của Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí để thiết kế, sản xuất và vận hành 4 trạm biến áp ngoài khơi (375 MW mỗi trạm) cho dự án điện gió Baltica 2 tại Ba Lan. Đây là một bước tiến nữa của Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí trong việc tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng điện gió ngoài khơi thế giới.
Bên cạnh đó, thị trường điện gió trong nước kì vọng cũng tạo ra lượng công việc tiềm năng cho Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí trong tương lai, với tổng công suất điện gió quy hoạch đến năm 2023 sẽ gấp 52 lần so với hiện tại, tương đương với giá trị hợp đồng ước tính mỗi năm công ty có thể nhận được là 100 - 200 triệu USD.
Trên thị trường chứng khoán, kết thúc ngày 14/9, cổ phiếu PVS đạt 37.900 đồng/cổ phiếu. So với thời điểm đầu năm nay, thị giá cổ phiếu PVS đã tăng hơn 67%.
Lợi nhuận kinh doanh cốt lõi của PVTrans Pacific (PVP) năm nay có thể tăng 14 lần Duy Quang