Chủ nhật, 24 tháng 11 năm 2024

24 0C

Hà Nội

Cách Ukraine dùng tên lửa diệt hạm phá hủy S-400 ở Crimea

Thứ ba, 05/09/2023 | 03:00
[G-News24/7] -

Tổng cục Tình báo Quốc phòng Ukraine (GUR) ngày 23/8 tuyên bố phá hủy tổ hợp tên lửa phòng không S-400 tại khu vực gần làng Olenivka thuộc bán đảo Crimea do Nga kiểm soát. Cơ quan này khẳng định đây là "đòn đau" giáng vào hệ thống phòng không của Nga, gây ra "tác động lớn" tới các sự kiện tương lai ở bán đảo. Nga chưa bình luận về thông tin trên.

Được triển khai tại mũi Tarkhankut của Crimea từ năm 2016, tổ hợp S-400 là hệ thống phòng không tầm xa cho phép Nga đánh chặn tiêm kích tàng hình, cũng như tên lửa đạn đạo và tên lửa hành trình ở khoảng cách tới 400 km. Đây là mục tiêu hàng đầu của Ukraine trong các cuộc tập kích nhằm vào bán đảo Crimea, bên cạnh các vũ khí hiện đại khác như hệ thống phòng thủ tên lửa Bastion.

Để tập kích mục tiêu trên bán đảo Crimea, Ukraine đã sử dụng các tên lửa tầm xa do phương Tây cung cấp như Storm Shadow, đồng thời chỉnh sửa các vũ khí nội địa để tăng tầm và khả năng tấn công mặt đất.

Theo Yuriy Butusov, phóng viên chiến trường của Ukraine, Kiev đã sử dụng tên lửa chống hạm R-360 Neptune hoán cải trong cuộc tập kích tổ hợp S-400 của Nga.

Ukraine phá hủy hệ thống S-400 Nga

Ukraine công bố video phá hủy hệ thống S-400 của Nga ở bán đảo Crimea. Video: BQP Ukraine

R-360 Neptune được Viện thiết kế Luch của Ukraine lần đầu công bố tại một triển lãm quốc phòng ở thủ đô Kiev năm 2014, nhưng mẫu tên lửa diệt hạm này khi đó không được chú ý. Tuy nhiên, Neptune trở nên nổi tiếng sau khi Ukraine sử dụng nó để tập kích và đánh chìm soái hạm Moskva của Nga hồi tháng 4/2022.

Giới chức Kiev coi đây là "thắng lợi lớn" cả về mặt chiến thuật và phát triển quốc phòng nội địa, trong bối cảnh nước này đang phụ thuộc vào nguồn cung vũ khí từ phương Tây.

Neptune được chế tạo dựa trên thiết kế của tên lửa Kh-35 từ thời Liên Xô. Viện thiết kế Luch cho biết Neptune được cải tiến đáng kể về tầm bắn và hệ thống điện tử, được thiết kế để tiêu diệt tàu mặt nước có lượng giãn nước lên tới 5.000 tấn.

Quả đạn Neptune dài hơn 5 m, trang bị 4 cánh ổn định giữa thân, có tổng khối lượng 870 kg, trong đó đầu đạn nặng khoảng 150 kg. Quả đạn được đẩy khỏi ống phóng bằng tầng đẩy sơ tốc dùng nhiên liệu rắn, trước khi động cơ phản lực turbine MS-400 được kích hoạt, giúp nó đạt tốc độ cận âm và tầm bắn khoảng 300 km.

"Các kỹ sư Ukraine tại Viện thiết kế Luch sau đó đã bổ sung thêm tính năng tấn công mục tiêu trên đất liền cho tên lửa chống hạm nội địa Neptune", Butusov cho biết.

Trong bài bình luận trên Forbes hôm 25/8, chuyên gia quân sự David Axe cho rằng việc Ukraine hoán cải tên lửa Neptune không phải là điều bất ngờ, do nguyên mẫu Kh-35, cũng như phiên bản đối trọng Harpoon của Mỹ, đều đã được bổ sung chế độ công kích mục tiêu trên đất liền.

Neptune-cruise-missile-05-8791-8856-5788-1693023531.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=0L9n3X_WYRpYyR4bh4YNew

Tên lửa Neptune khai hỏa trong đợt thử nghiệm năm 2019. Ảnh: BQP Ukraine

Theo ông Axe, tên lửa chống hạm chỉ cần đầu dò radar là có thể xác định tàu đối phương, do mục tiêu trên biển thường không bị che lấp bởi vật cản. Trong khi đó, mục tiêu trên đất liền thường được nằm giữa các tòa nhà, cây cối và địa hình gồ ghề. Do đó, tên lửa cần được bổ sung thiết bị định vị GPS để có thể bắn trúng mục tiêu nằm lẫn giữa nhiều nhiễu địa hình trên đất liền.

Công ty Boeing của Mỹ từng bổ sung hệ thống điều hướng quán tính GPS cho phiên bản nâng cấp Block II của tên lửa chống hạm Harpoon, giúp nó có chế độ tấn công mục tiêu trên mặt đất vào cuối những năm 1990.

Một quan chức Ukraine hồi tháng 4 xác nhận Kiev đang tìm cách hoán cải tên lửa Neptune để tấn công mục tiêu trên đất liền, thêm rằng nước này cần linh kiện từ phương Tây để chế tạo hệ thống dẫn dường cần thiết cho tính năng trên.

"Sau khi có linh kiện, tên lửa Neptune sẽ được nâng cấp để có thể bắn trúng mục tiêu ở khoảng cách lên tới 360 km", quan chức Ukraine cho biết. "Chúng tôi đang tiến gần đến việc hoàn thành việc cải tiến mẫu tên lửa này".

Vụ tập kích tổ hợp S-400 trên bán đảo Crimea được coi là dấu hiệu cho thấy nỗ lực cải tiến tên lửa Neptune của Ukraine đã thành công.

5563187178137267543a-Nga-Ukrai-5575-4751-1693023531.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=R1mzfPFQjWEuiy63GH1HIw

Bán đảo Crimea và khu vực xung quanh. Đồ họa: RYV

Ông Axe nhận định với tầm bắn 360 km, tên lửa Neptune có thể khai hỏa từ các địa điểm có khoảng cách an toàn, như tại thành phố ven biển Odessa, mà vẫn có thể bắn trúng hầu hết mục tiêu của Nga tại Crimea.

Chuyên gia này cho rằng cuộc tập kích vào tổ hợp S-400 chỉ là bước đầu và Ukraine sẽ tiến hành nhiều cuộc tấn công nữa bằng tên lửa Neptune.

Đây không phải lần đầu tiên Ukraine cải tiến vũ khí để tăng cường năng lực tấn công Nga. Kiev gần đây đã tiến hành các vụ tấn công vào lãnh thổ Nga bằng tên lửa phòng không S-200, dường như được hoán cải để tăng tầm bắn và độ chính xác, trong lúc chờ thêm vũ khí tầm xa do phương Tây cung cấp.

Phạm Giang (Theo Forbes, Drive)

g-news247