Ngày 24/8, UBND TP Hà Nội cho biết lễ khánh thành dự án diễn ra dịp kỷ niệm 78 năm ngày Quốc khánh (2/9/1945-2/9/2023) và 69 năm ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954-10/10/2023).
Để khai thác hiệu quả công trình, lãnh đạo thành phố yêu cầu các đơn vị nhanh chóng hoàn thành các hạng mục còn lại như sơn kẻ, tổ chức giao thông; thử tải công trình; hoàn thành hồ sơ dự án, gửi Cục Quản lý xây dựng (Bộ Giao thông Vận tải) để kiểm tra công tác nghiệm thu; thông báo phân luồng giao thông.
Cầu Vĩnh Tuy 2 khởi công tháng 1/2021 với mục tiêu hoàn thành sau 3 năm (song song với cầu Vĩnh Tuy 1 hoàn thành năm 2010). Điểm đầu cầu giao với đường Trần Quang Khải - Nguyễn Khoái - Minh Khai (quận Hai Bà Trưng), điểm cuối giao đường Long Biên - Thạch Bàn (quận Long Biên). Cầu rộng hơn 19 m, quy mô 4 làn xe, bao gồm ba làn ôtô và một làn xe hỗn hợp.
Sau khi hoàn thành giai đoạn 2, cầu Vĩnh Tuy có chiều rộng mặt cắt ngang lớn nhất Hà Nội với 8 làn ôtô. Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông thành phố Hà Nội cho biết sau khi thông xe, giao thông sẽ được tổ chức một chiều theo hướng nội thành ra ngoại thành, còn cầu Vĩnh Tuy 1 theo hướng ngược lại.
Cầu Vĩnh Tuy 2 hoàn thành và đưa vào hoạt động sẽ giảm tải cho cầu Vĩnh Tuy 1 thường xuyên ùn tắc, tăng cường lưu thông giữa hai bên bờ sông Hồng, đáp ứng nhu cầu vận tải đang tăng cao giữa trung tâm thủ đô với khu vực phía Bắc và Đông Bắc thành phố.
Theo quy hoạch giao thông vận tải đến năm 2030, tầm nhìn 2050, Thủ đô sẽ có thêm 10 cầu qua sông Hồng, gồm: Hồng Hà, Mễ Sở (Vành đai 4), Thăng Long mới (Vành đai 3), Tứ Liên, Vĩnh Tuy (giai đoạn 2), Thượng Cát, Ngọc Hồi (vành đai 3,5), cầu/hầm Trần Hưng Đạo, cầu Phú Xuyên, Vân Phúc (đường trục Bắc - Nam nối với tỉnh Vĩnh Phúc).
Võ Hải