Thứ ba, 26 tháng 11 năm 2024

24 0C

Hà Nội

Chân dung Nam Phương hoàng hậu trên báo chí đầu thế kỷ 20

Thứ bảy, 09/09/2023 | 12:53
[G-News24/7] -

Sách Nam Phương Hoàng hậu: Vị Quốc mẫu tân thời qua tư liệu báo chí (1934 - 1945) - tác giả Tử Yếng Lương Hoài Trọng Tính - khắc họa chân dung bà qua góc nhìn của các tờ tạp chí, nhật báo đương thời. Theo sách, giai đoạn bà Nguyễn Hữu Thị Lan được chọn làm Hoàng hậu, các tờ Tràng An báo, Hà Thành ngọ báo, Điễn tín, Phụ nữ tân văn liên tục đưa tin. Hình ảnh một phụ nữ hội đủ các yếu tố: Nhan sắc, học thức, khéo ăn nói, giỏi giao thiệp, được đăng tải trong và ngoài nước.

hoang-hau-2-7174-1694059342.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=QwF8y6vveRD1P99CA6aG_g

Bìa sách "Nam Phương Hoàng Hậu" của tác giả Tử Yếng Lương Hoài Trọng Tính. Ảnh: NXB Tổng hợp TP HCM

Sách dành một phần tái hiện mối duyên của Nguyễn Hữu Thị Lan cùng hoàng đế Bảo Đại. Ông chọn Hoàng hậu Nam Phương là người sát cánh trên cương vị "Đại Nam thiên tử" vì bà vốn dung mạo hơn người, tính hạnh thuần hậu, thuộc gia đình trâm anh, có học thức.

Sách còn khắc họa chân dung bà ở vị trí Chánh vị trung cung, quá trình bà trở thành bậc mẫu nghi thiên hạ. Tác phẩm giúp bạn đọc biết rõ hơn về hoàng hậu cuối cùng của triều đại nhà Nguyễn. Suốt khoảng thời gian tại vị, hoàng hậu ảnh hưởng lớn đến công cuộc trị vì, góp phần giúp đỡ người dân lúc bấy giờ.

Bằng học thức và tài năng, Nam Phương hoàng hậu hỗ trợ hoàng đế trong công việc và đời sống. Nếu Bảo Đại lo chính trị, hoàng hậu giữ vai trò là một quốc mẫu với công tác từ thiện xã hội. Bà là bạn đời, cũng là bạn đồng hành với hoàng đế - điều hiếm có trong lịch sử 143 năm triều Nguyễn.

hoang-hau-1-6390-1694059342.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=Fk_aeo2jKefddaS3XfXJEg

Nam Phương hoàng hậu mặc triều phục. Ảnh: NXB Tổng hợp TP HCM

Bà gần gũi người dân qua các công tác quyên góp, chăm lo nhà phước, cổ vũ giáo dục. Được học hỏi, đi thăm nhiều quốc gia, bà còn đại diện cho tinh thần phụ nữ đầu thế kỷ 20. Bà thoát ly khỏi các rào cản xã hội của thời đại cũ, tham gia hoạt động đối ngoại, phụng sự quốc gia.

Bà trở thành nguồn cảm hứng mạnh mẽ cho phong trào phụ nữ dấn thân vào xã hội, học tập, làm việc và phát triển bản thân. Dù tại vị chỉ hơn 10 năm, sự nghiệp của bà bao trùm trên nhiều mặt. Theo sách, Nam Phương đã để lại cho hậu thế ấn tượng về một quốc mẫu đáng trân trọng.

Tác giả Lương Hoài Trọng Tính cho biết mất hai năm thực hiện cuốn sách, bắt đầu từ việc đọc báo, tư liệu cũ, sau đó biên tập, hệ thống lại theo thời gian hoặc sự kiện. Anh sưu tầm những tờ báo cũ bằng chữ Hán, chữ quốc ngữ, bên cạnh khảo sát các tài liệu thuộc về sử sách của nhà Nguyễn, tài liệu công khai đương thời như báo chí, tạp san. Sau khi hoàn thành bản thảo, tác giả gửi đến nhóm nghiên cứu lịch sử tại Vĩnh Long, Cần Thơ, Tiền Giang, cùng nhau đọc tham khảo để nhận xét cũng như phản biện.

Lương Hoài Trọng Tính 26 tuổi, từng ra mắt các sách như Nam Kỳ quan chế khảo lược - NXB Thuận Hóa (2021), Nam Kỳ kiến trúc khảo lược - NXB Thuận Hóa (2022), Huê diện - Lược khảo về y trang phục sức - NXB Thuận Hóa (2023).

Mai Nhật

g-news247