Trong kỳ thi bác sĩ nội trú của Đại học Y Hà Nội cuối tháng 8, Đại Minh (24 tuổi, Hà Nội) đạt 27,23/30 điểm. Trong buổi đăng ký chuyên ngành hôm 9/9, Minh được xướng tên đầu tiên. Đứng trước thầy cô và bạn bè, Minh dõng dạc công bố chuyên ngành mình lựa chọn: "Lê Đại Minh, số thứ tự 1, chuyên ngành Gây mê hồi sức".
GS Nguyễn Hữu Tú, Hiệu trưởng trường Đại học Y Hà Nội, cho biết kỳ thi bác sĩ nội trú đã diễn ra tròn 50 năm, là kỳ thi căng thẳng, khắc nghiệt nhất của trường nhằm chọn ra những sinh viên xuất sắc. Kết quả thi quyết định sinh viên được quyền nhiều hay ít trong việc chọn chuyên ngành nên sự cạnh tranh rất lớn.
"Không chỉ sinh viên Y Hà Nội mà rất nhiều sinh viên xuất sắc của các trường Y trong cả nước dự thi với mong muốn được học bác sĩ nội trú ở đây", GS Tú nói.
Minh cũng đánh giá đây là kỳ thi khắc nghiệt nhất đời sinh viên với ba môn: chuyên ngành 1 (Nội và Nhi), chuyên ngành 2 (Ngoại và Sản) và môn cơ sở (Giải phẫu, Hóa sinh, Sinh lý, Y sinh học di truyền). Mỗi môn có khoảng 120 câu hỏi trắc nghiệm trong 90 phút, bao phủ hầu hết kiến thức 6 năm đại học.
Sau khi có điểm, thí sinh được xếp theo thứ tự từ cao xuống thấp để lựa chọn chuyên ngành. Quan sát hàng năm, với 10 chỉ tiêu, Gây mê hồi sức - chuyên ngành Minh yêu thích, sớm được chọn hết bởi top 50. Vì thế, Minh ban đầu đặt mục tiêu vào top 40.
"Mình bất ngờ khi đạt điểm cao nhất. Có rất nhiều bạn giỏi và mình không phải người giỏi nhất. Sự chênh lệch về kiến thức không nhiều. Chỉ là mình may mắn hơn một chút", Minh nói.
Minh là cựu học sinh chuyên Tin của trường THPT chuyên Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội. Được bố mẹ định hướng thi Y từ cuối THCS, Minh không đồng ý mà dự định theo Công nghệ thông tin.
Nhưng sau một kỳ tập trung học Tin ở lớp 10, Minh thấy không hợp vì phải làm việc với máy tính quá nhiều. Tìm hiểu về ngành khác, Minh hào hứng với ngành Y, nhận ra "ngành này nhiều thử thách, được trưởng thành trong mối quan hệ với người bệnh và xã hội".
Năm 2017, Minh đỗ Đại học Y Hà Nội với 29,55 điểm. Năm đó, trường có đầu vào cao kỷ lục - 29,25. Rất hiếm thí sinh ở Hà Nội, không có điểm ưu tiên mà trúng tuyển.
Ngay năm thứ nhất, Minh xác định sẽ thi bác sĩ nội trú sau khi tốt nghiệp nên chủ động tích lũy kiến thức và linh hoạt thay đổi cách học theo từng năm.
Ở hai năm đầu, hầu như chỉ lên giảng đường, Minh học cẩn thận, tham khảo tài liệu trong và ngoài nước, bên cạnh giáo trình của trường. Việc đọc tài liệu bắt đầu từ những cuốn "kinh điển" như Gray's Anatomy, Guyton hay cuốn Sinh lý bệnh học Robbins.
Dù có IELTS 8.0, việc đọc sách bằng tiếng Anh không dễ dàng bởi có nhiều từ chuyên ngành. Minh vừa đọc, vừa tra từ điển để tích lũy vốn từ, tham gia câu lạc bộ tiếng Anh để có môi trường thực hành đọc.
Từ năm thứ ba, bước vào giai đoạn vừa học ở trường, vừa đi lâm sàng ở bệnh viện, Minh thay đổi cách tích lũy kiến thức bởi thời gian ở viện là chính, học xoay quanh bệnh nhân nhiều hơn tài liệu.
Trong mỗi buổi lâm sàng, sau khi nhận hướng dẫn của thầy cô, Minh đặt ra mục tiêu cụ thể. Ví dụ khi học hô hấp, mục tiêu là phân biệt hội chứng, Minh sẽ tiếp xúc nhiều bệnh nhân hoặc tìm kiếm người có hội chứng tương tự những trường hợp thầy cô đưa ra.
Sau đó, Minh tự đặt ra các câu hỏi, rồi đi tìm câu trả lời bằng cách tự tìm hiểu, tra cứu. Nếu không được, Minh hỏi giảng viên.
"Thầy cô đóng vai trò rất lớn vì có những thứ không có trên mạng hoặc mình không biết cách tra", Minh nói.
Với chàng trai Hà Nội, đi lâm sàng là cách học đặc biệt hiệu quả. Minh nhớ nhất đợt học Ngoại khoa ở Bệnh viện Việt Đức khoảng 10 tuần vào năm thứ 4. Khi đó, nhiều ca nặng như chấn thương sọ não, ngừng tuần hoàn được chuyển đến liên tục khiến Minh phải làm quen nhiều thứ cùng lúc.
Trong ngày đầu đi trực, Minh phụ mổ một ca có vết thương động mạch đùi, nguy cơ phải cắt chi dưới. Lần đầu phụ ca mổ kéo dài 5-6 tiếng, dù không làm gì nhiều, Minh đã rất căng thẳng. Kết thúc đợt đó, Minh thấy vừa tự tin, vừa tự ti.
"Tự tin vì cảm giác có đủ sức bền để theo nghề, còn tự ti vì nhận ra kiến thức còn quá ít", Minh chia sẻ.
Từ năm thứ năm, cường độ học tập tăng mạnh và căng thẳng thực sự, theo Minh. Thời điểm đó, cứ 2-3 tuần, sinh viên đổi chuyên khoa lẻ một lần. Có giai đoạn 1-2 tuần thi một môn, buộc sinh viên phải tập trung cao độ. Đây cũng là giai đoạn giúp Minh làm quen với áp lực thi cử.
Bước vào năm cuối, cường độ học tập tiếp tục tăng khi kỳ thi bác sĩ nội trú đến gần. Minh mô tả "một ngày học từ lúc dậy đến khi đi ngủ". Minh phải cân bằng bằng cách tạo các buổi "day off" để nghỉ ngơi, chơi bóng rổ hoặc nghe nhạc.
TS Nguyễn Toàn Thắng, Phó trưởng bộ môn Gây mê hồi sức Đại học Y Hà Nội, Chủ tịch hội đồng chấm khóa luận tốt nghiệp của Minh, đánh giá Minh có khả năng cân bằng, chịu áp lực tốt, chỉn chu, thích học và thích đọc.
"Em ấy có năng lực vượt trội, đặc biệt về ngoại ngữ và nghiên cứu khoa học", TS Thắng nói. Theo thông tin từ trường, Minh tham gia nghiên cứu khoa học từ năm thứ ba, hình thành được nhóm nghiên cứu riêng và có 5 bài đăng trên tạp chí quốc tế.
Nhắc lại nhiều lần từ "tích lũy", Minh cho rằng làm bất cứ điều gì cũng cần điều này. Thời gian tới, Minh cũng sẽ cố gắng tích lũy kiến thức, xem mình yếu chỗ nào để dành nhiều thời gian cải thiện.
"6 năm học ngành Y khoa rất dài nhưng có lẽ là nhàn nhất. Ba năm tới, mình sẽ phải học hỏi rất nhiều bởi bước vào chuyên ngành, mình không khác tờ giấy trắng là bao", Minh nói.
Lựa chọn Gây mê hồi sức vì cho rằng đó là giao thoa của nhiều chuyên ngành như Nội, Ngoại khoa, các ngành lâm sàng và khoa học cơ sở, Minh hy vọng nắm bắt được nhiều kiến thức, kỹ năng trong thời gian học bác sĩ nội trú để sẵn sàng cho công việc tương lai.
Dương Tâm