(KTSG Oline) – Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) nâng lãi suất lên cao nhất trong lịch sử trong nỗ lực hạ nhiệt giá cả tiêu dùng bất chấp rủi ro kìm hãm tăng trưởng của khu vực sử dụng đồng euro (eurozone).
- Châu Âu chật vật với cuộc chiến ghìm giá thực phẩm
- Nguồn cung tiền của eurozone giảm lần đầu tiên sau 13 năm do cho vay chậm lại
Sau cuộc họp chính sách hôm 14-9 ở Frankfurt (Đức), hội đồng điều hành ECB nâng lãi suất thêm 25 điểm cơ bản, lên 4%, mức cao nhất trong lịch sử. Đây là lần tăng lãi suất thứ 10 liên tiếp của cơ quan này.
Một số thành viên ôn hòa của hội đồng điều hành ECB chỉ ra các dấu hiệu tăng trưởng yếu hơn, hoạt động cho vay ngân hàng chậm lại, thị trường lao động hạ nhiệt và lạm phát giảm để tranh luận về việc tạm dừng tăng lãi suất. Nhưng các thành viên khác lo ngại lạm phát vẫn còn quá cao.
Tại cuộc họp báo ở Frankfurt, Christine Lagarde, Chủ tịch ECB xác nhận, đa số thành viên của ECB ủng hộ tăng lãi suất.
Quyết định tăng chi phí vay lên mức cao kỷ lục cho thấy các nhà hoạch định chính sách của ECB vẫn lo lắng về nguy cơ tăng trưởng giá tiêu dùng vượt mục tiêu hơn là nguy cơ suy thoái kinh tế mạnh. Điều này có nghĩa họ chấp nhận sự cần thiết phải gây thêm tổn thất cho nền kinh tế để kiểm soát lạm phát.
“Lạm phát đã giảm và chúng tôi muốn tiếp tục giảm. Chúng tôi làm điều đó (tăng lãi suất) không phải vì muốn gây ra suy thoái mà vì chúng tôi muốn ổn định giá cả”, bà Lagarde nói.
Các nhà kinh tế đã cắt giảm dự báo tăng trưởng của eurozone trong những tuần gần đây sau khi sản xuất công nghiệp và doanh số bán lẻ của khu vực này giảm trong tháng 7. Các cuộc khảo sát kinh doanh cũng cho thấy, sản xuất công nghiệp của khu vực tiếp tục suy yếu trong tháng 8. Hoạt động kinh tế chậm lại có thể làm giảm áp lực giá cả.
Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) và Ngân hàng trung ương Anh (BoE) sẽ họp vào tuần tới. Nhiều nhà kinh tế dự đoán các ngân hàng trung ương lớn sắp kết thúc chiến dịch tăng thặt chặt tiền tệ vì lạm phát đang giảm và tăng trưởng kinh tế đang chậm lại dưới áp lực của chi phí vay cao hơn. Fed có thể giữ nguyên lãi suất trong cuộc họp vào tuần sau dù lạm phát của Mỹ tăng nhang hơn dự báo trong tháng 8. Trong khi đó, BoE có nhiều khả năng tăng tiếp lãi suất khi lạm phát của Anh vẫn còn cao hơn nhiều so với mục tiêu.
Theo dữ liệu từ Refinitiv, các nhà đầu tư kỳ vọng ECB sẽ giữ lãi suất ở mức khoảng 4% cho đến mùa hè nă sau trước khi bắt đầu cắt giảm. Họ kỳ vọng Fed bắt đầu cắt giảm lãi suất vào đầu năm tới.
ECB ám chỉ rằng chi phí đi vay của eurozone đã lên đến đỉnh điểm. Trong tuyên bố hôm 14-9, ECB cho biết “lãi suất đã đạt đến mức mà nếu được duy trì trong thời gian đủ dài sẽ góp phần đáng kể vào việc đưa lạm phát trở lại kịp thời ở mục tiêu 2%”.
Tomasz Wieladek, nhà kinh tế trưởng châu Âu của Công ty quản lý đầu tư T. Rowe Price giải thích, thông điệp này rõ ràng báo hiệu ECB giữ nguyên lãi suất kể từ đây. Trong phiên giao dịch hôm qua, đồng euro giảm giá về mức thấp nhất trong 5 tháng so với đô la Mỹ khi thị trường dự đoán ECB đã hoàn tất chu kỳ thắt chặt tiền tệ.
ECB đã nâng dự báo lạm phát của eurozone trong năm nay từ 5,4% lên 5,6% và từ 3% lên 3,2% trong năm tới. Tuy nhiên, cơ quan này giảm dự báo lạm phát từ 2,2% xuống 2,1% vào năm 2025, đồng thời lưu ý tốc độ tăng trưởng giá cả “dự kiến vẫn ở quá cao trong thời gian dài”.
Lạm phát của eurozone đã giảm từ mức đỉnh 10,6% năm ngoái, xuống còn 5,3% trong tháng 8. Lạm phát dự kiến tiếp tục giảm dù không thể đạt mục tiêu 2% của ECB cho đến năm 2025. Sự phục hồi gần đây của giá dầu làm dấy lên lo ngại rằng quá trình lạm phát hạ nhiệt sẽ gặp nhiều khó khăn.
Triển vọng xấu đi của nền kinh tế eurozone được phản ánh qua việc ECB cắt giảm dự báo tăng trưởng trong năm nay từ 0,9% xuống 0,7% và cho năm tới từ 1,5% xuống 1%.
Eric Dor, giáo sư kinh tế tại Trường Quản lý IESEG ở Paris, nhận định, châu Âu sắp bước vào thời kỳ lạm phát khó khăn và tăng trưởng trì trệ. “Lạm phát đình trệ hiện là viễn cảnh có khả năng xảy ra cao ở khu vực đồng euro”, ông viết trên trang mạng xã hội X, trước đây là Twitter.
Theo Financial Times, Bloomberg