Sáng 28/8, hội nghị Đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách cho ý kiến dự Luật Căn cước công dân (sửa đổi). Dự thảo mới nhất bổ sung vào dữ liệu căn cước công dân thông tin sinh trắc học gồm ảnh khuôn mặt, vân tay, mống mắt, ADN, giọng nói.
Trong đó, thông tin ADN và giọng nói được thu thập khi người dân tự nguyện cung cấp hoặc trong quá trình giải quyết vụ việc theo chức năng, nhiệm vụ được giao; cơ quan tiến hành tố tụng, cơ quan quản lý người bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính có thực hiện trưng cầu giám định hoặc thu thập ADN, giọng nói.
ADN hay DNA là thuật ngữ viết tắt của deoxyribonucleic acid, được xác định là vật liệu di truyền ở đa số các cơ thể sống trong đó có sinh vật và con người. Xét nghiệm ADN là hình thức xét nghiệm y tế, để xác định về các vấn đề di truyền như huyết thống, các bệnh di truyền, sự thay đổi nhiễm sắc thể, thay đổi gen.
Đại biểu Nguyễn Tạo (Phó đoàn Lâm Đồng) cho rằng các trường thông tin bổ sung vào cơ sở dữ liệu căn cước trong dự thảo "quá nhiều". Trong đó, bổ sung ADN, giọng nói, vào cơ sở dữ liệu là thiếu tính khả thi vì ADN là thông tin bí mật của mỗi người.
Theo ông, quy định "ADN và giọng nói được thu thập khi người dân tự nguyện cung cấp hoặc trong quá trình giải quyết vụ việc theo chức năng, nhiệm vụ" là không rõ ràng. Pháp luật về xử lý hành chính, tố tụng hình sự cũng chưa có quy định về việc thu thập ADN. Do đó, ông đề nghị cơ quan soạn thảo quy định rõ trong dự thảo những loại thông tin người dân tự nguyện cung cấp và những thông tin bắt buộc phải thu thập để thống nhất với quy định hiện hành.
Đại biểu Phạm Văn Hòa (Phó chủ tịch Hội Luật gia tỉnh Đồng Tháp) cũng đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc bổ sung ADN, nhóm máu vào dữ liệu căn cước vì các thông tin này cần xét nghiệm mới có kết quả."Chỉ nên bắt buộc cung cấp các thông tin thật cần thiết và linh động với dữ liệu khó thu thập", ông Hòa nói.
Đại diện cơ quan thẩm tra dự án luật, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh Lê Tấn Tới khẳng định việc thu thập, cập nhật thông tin về ADN, giọng nói chỉ áp dụng đối với những người có tiền án, tiền sự để phục vụ công tác phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật. Những thông tin này được lấy thông qua hoạt động tố tụng hoặc xử lý vi phạm hành chính, cơ quan quản lý căn cước không thu thập trực tiếp từ người dân.
Trước những lo ngại về an ninh thông tin khi cơ sở dữ liệu căn cước đều là bí mật đời tư, ông Tới nói Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư được kiểm soát an ninh mạng, bảo vệ ở mức cao nhất và hạn chế thấp nhất sự cố ngoài ý muốn.
Báo cáo giải trình cuối tháng 4, Chính phủ cũng cho biết thông tin công dân được lưu trữ đầy đủ trong bộ phận được mã hóa để đảm bảo riêng tư. Trước mắt, sẽ có một số giấy tờ được tích hợp vào thẻ căn cước. Các giai đoạn tiếp theo, tùy theo sự phát triển của hạ tầng dữ liệu, các bộ, ngành, địa phương sẽ đề xuất tích hợp thêm.
Cơ quan thẩm tra đồng tình đổi tên thành Luật Căn cước
Ủy ban Quốc phòng An ninh cho biết hiện có hai nhóm ý kiến về tên Luật: Đồng ý đổi tên thành Luật Căn cước; và giữ nguyên tên Luật Căn cước công dân.
Có đại biểu cho rằng đổi tên luật sẽ phải thay đổi thẻ căn cước công dân, thay đổi các thủ tục hành chính; gây xáo trộn trong hệ thống pháp luật và lãng phí ngân sách, chi phí xã hội.
Tuy nhiên, Ủy ban Quốc phòng An ninh nhất trí đổi tên Luật thành Luật Căn cước vì sẽ bao quát được phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng của Luật gồm cả công dân Việt Nam và người gốc Việt đang sinh sống trong nước nhưng chưa xác định được quốc tịch.
"Qua rà soát hệ thống pháp luật thì việc thay đổi tên luật thành Luật Căn cước không phát sinh việc sửa đổi, bổ sung, chỉnh lý các Luật, Pháp lệnh, Nghị quyết khác của Quốc hội, không gây xáo trộn, thay đổi về mặt pháp luật", báo cáo của Ủy ban Quốc phòng An ninh nêu.
Dự Luật Căn cước công dân sửa đổi sẽ được xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa 15 cuối năm 2023.
Sơn Hà