Thứ tư, 27 tháng 11 năm 2024

24 0C

Hà Nội

Chiến thuật dinh dưỡng chữa loét cho người nằm một chỗ

Thứ hai, 11/09/2023 | 20:50
[G-News24/7] -

Ngày 11/9, TS.BS Vũ Thị Thanh, Trưởng khoa Dinh dưỡng, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội, cho biết vết loét tì đè của bệnh nhân ở giai đoạn ba, kích thước vết loét mỗi bên mông khoảng 10x5 cm, có nhiều tổ chức hoại tử, thuận lợi cho vi khuẩn, nấm... phát triển. Vết loét nặng do thời gian qua ông Hoàng nằm một chỗ bởi bệnh Alzheimer, tăng huyết áp, thoái hóa cột sống, suy thận, phình động mạch chủ bụng, từng bị nhồi máu cơ tim đã được đặt stent.

Loét tì đè hình thành do nằm lâu, không thay đổi tư thế và không được xoa bóp thường xuyên. Sức nặng của cơ thể đè lên mao mạch gây khó hoặc không lưu thông, dẫn đến thiếu oxy và thiếu chất dinh dưỡng. Các mô và da bắt đầu phân hủy dẫn đến loét, vết thương sâu, không thể tự lành.

bac-si-kham-1694418146-1229-1694418513.png?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=YB30mXK1xy69bta6JPn-MA

Tiến sĩ Vũ Thanh (đứng bên trái) đánh giá tình trạng của người bệnh. Ảnh: Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh

Ông Hoàng suy dinh dưỡng nặng, khó đáp ứng điều trị các bệnh nền, loét lan rộng, nhiễm trùng, nguy cơ tử vong nếu không được xử lý, theo bác sĩ Thanh. Thông thường với vết loét lớn và sâu, bệnh nhân cần được phẫu thuật vá da. Tuy nhiên, ông Hoàng mắc nhiều bệnh nền, rủi ro cao nếu phẫu thuật, bác sĩ quyết định sử dụng chiến thuật dinh dưỡng.

"Giảm đau, chăm sóc tại chỗ và liệu pháp dinh dưỡng có tính quyết định trong điều trị loét", bác sĩ Thanh cho biết, thêm rằng phác đồ dinh dưỡng còn hỗ trợ cải thiện bệnh nền, giúp người bệnh hồi phục sức khỏe.

Các bác sĩ đưa ra chiến lược điều trị dinh dưỡng cho bệnh nhân thành ba giai đoạn. Giai đoạn một bổ sung mức năng lượng cho bệnh nhân tương đương 19-20 kcal/kg IBW/ngày, tăng lên 30-35 kcal/kg IBW/ngày trong giai đoạn hai, cuối cùng là 40-42kcal/kg IBW/ngày. IBW là mức cân nặng phù hợp với chiều cao và thể trạng của cơ thể.

Các chất dinh dưỡng như protein, carbohydrate, chất xơ, phospho... được căn chỉnh phù hợp theo từng giai đoạn nhằm sửa chữa, tái tạo mô bị tổn thương. Trong thời gian này, người bệnh được vệ sinh vết loét, tập phục hồi chức năng. Sau ba tháng, vết loét lành hẳn, người bệnh tỉnh táo, ăn uống, sinh hoạt bình thường.

Theo bác sĩ Thanh, điều trị loét do tì đè dựa trên đặc điểm cụ thể của từng vết thương. Người bệnh cần được đánh giá dinh dưỡng, can thiệp và theo dõi hàng ngày để thúc đẩy quá trình chữa lành. Dinh dưỡng không chỉ giúp tăng sức đề kháng cho cơ thể, hỗ trợ đáp ứng phác đồ mà còn là phương pháp điều trị. Liệu pháp dinh dưỡng xây dựng dựa trên nguồn thực phẩm sạch, an toàn vệ sinh giúp bệnh nhân hồi phục sức khỏe.

Linh Đặng

*Tên bệnh nhân đã được thay đổi

Độc giả đặt câu hỏi về dinh dưỡng tại đây để bác sĩ giải đáp
g-news247