(KTSG Online) – Mục tiêu của dự án nghiên cứu nhằm đánh giá hiện trạng về khả năng khai thác các hành lang đường thủy trên các tuyến sông, kênh khu vực nghiên cứu, bao gồm các điểm nghẽn về hạ tầng như tĩnh không cầu thấp, bãi cạn, đá ngầm, xói lở sông ở khu vực phía Bắc.
- Thúc đẩy kết nối đường thủy giữa cảng Hải Phòng với khu vực phía Bắc
- Nâng cao tĩnh không 9 cầu cắt ngang tuyến đường thủy nội địa ĐBSCL
TTXVN dẫn thông tin từ Bộ Giao thông Vận tải cho biết, bộ vừa phê duyệt văn kiện dự án Nghiên cứu đề xuất nâng cấp kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa khu vực phía Bắc thuộc Chương trình hỗ trợ kỹ thuật ngành giao thông vận tải (Aus4Transport) giai đoạn 2017-2021 sử dụng viện trợ không hoàn lại của Chính phủ Úc.
Tổng vốn dự án hơn 320.000 đô la Mỹ, Ban Quản lý các dự án đường thủy được giao làm chủ dự án. Thời gian dự kiến thực hiện dự án từ quí 4-2023 đến quí 2-2024.
Bộ Giao thông Vận tải cho hay hiện nay việc khai thác các tuyến luồng đường thủy nội địa khu vực phía Bắc chủ yếu tận dụng vào các điều kiện tự nhiên hiện hữu. Các tuyến luồng đường thủy bị xói lở, bồi lắng theo thời gian, nhiều đoạn luồng bị thu hẹp bởi các hoạt động dân sinh.
Nhiều bãi đá ngầm, bãi cạn, cầu qua sông có tĩnh không thông thuyền hẹp, thấp, làm giảm đáng kể khả năng lưu thông thủy và tính hấp dẫn về khai thác vận tải đường thủy cũng như phát triển kinh tế-xã hội.
Để khắc phục một trong những điểm nghẽn mấu chốt này nhằm đảm bảo khai thác vận tải đường thủy nội địa khu vực phía Bắc một cách đồng bộ và hiệu quả, cần thiết phải tiến hành nghiên cứu đề xuất chủ trương đầu tư nâng cấp kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa khu vực phía Bắc.
Việc nghiên cứu đề xuất đầu tư nâng cấp kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa khu vực phía Bắc sẽ là bước khởi đầu nhằm góp phần cải thiện cơ sở hạ tầng giao thông khu vực Đồng bằng Bắc bộ.
Mục tiêu dự án là góp phần giảm thiểu tắc nghẽn cũng như áp lực vận tải hàng hóa trên các tuyến đường bộ, đường sắt, đường thủy then chốt và giảm chi phí vận chuyển hàng hóa từ nơi sản xuất đến thị trường tiêu thụ, góp phần vào mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội, giảm tỷ lệ các vụ tai nạn trên các tuyến đường bộ, đường thủy.
Ngoài ra, việc nâng cấp đồng bộ mạng lưới giao thông nói chung và đường thủy nội địa khu vực phía Bắc nói riêng là cơ sở để phát triển mạng lưới vận tải đa phương thức.
Trên cơ sở kết quả nghiên cứu dự án, Bộ Giao thông Vận tải xem xét đề xuất Chính phủ cân đối bố trí nguồn vốn đầu tư dự án theo quy hoạch phát triển giao thông vận tải và kế hoạch đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông đường thủy nội địa đã đề ra trong giai đoạn từ năm 2021 đến năm 2030.
Cũng theo văn kiện, kết quả chủ yếu dự án phải đạt được gồm báo cáo khởi động đánh giá hiện trạng về khả năng khai thác các hành lang đường thủy trên các tuyến sông, kênh khu vực nghiên cứu, bao gồm các nút thắt/điểm nghẽn về hạ tầng như tĩnh không cầu không đáp ứng tiêu chuẩn khai thác, bãi cạn/đá ngầm, bồi xói lòng và bờ sông, các khúc cong…; quản lý khai thác và năng lực các phương tiện vận tải.