Mức trợ cấp mới cho người có công
Có hiệu lực từ ngày 5/9, Nghị định số 55/2023 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 75/2021 quy định mức hưởng trợ cấp, phụ cấp và các chế độ ưu đãi người có công với cách mạng. Theo đó, mức chuẩn trợ cấp ưu đãi người có công với cách mạng từ 1,624 triệu đồng lên 2,055 triệu đồng một tháng, từ tháng 7.
Mức hưởng trợ cấp, phụ cấp ưu đãi hàng tháng với người có công với cách mạng cũng được điều chỉnh. Cụ thể, người hoạt động cách mạng trước năm 1945, diện thoát ly, được trợ cấp 2,3 triệu đồng một tháng và phụ cấp 390.000 đồng với mỗi thâm niên. Người hoạt động trước 1945 diện không thoát ly được hưởng 3,9 triệu đồng một tháng. Với người đã qua đời, thân nhân họ được trợ cấp tối đa 2 triệu đồng một tháng.
Người hoạt động từ năm 1945 đến cách mạng tháng tám được 2,1 triệu đồng một tháng. Thân nhân được trợ cấp tối đa 1,6 triệu đồng một tháng. Thân nhân một liệt sĩ được trợ cấp 2 triệu đồng; hai liệt sĩ 4,1 triệu đồng; ba liệt sĩ 6,1 triệu đồng một tháng. Bà mẹ Việt Nam anh hùng được trợ cấp 6,1 triệu đồng và phụ cấp 1,7 triệu đồng một tháng. Bệnh binh được trợ cấp tối đa 5,3 triệu đồng một tháng. Người tham gia kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học được tối đa 4,6 triệu đồng một tháng.
Cán bộ xã nghỉ việc nhận trợ cấp đến 3 triệu
Thông tư 11/2023 của Bộ Nội vụ, hiệu lực từ 15/9, hướng dẫn thực hiện điều chỉnh mức trợ cấp hằng tháng đối với cán bộ xã, phường, thị trấn già yếu đã nghỉ việc. Từ ngày 1/7, cán bộ xã già yếu đã nghỉ việc được điều chỉnh tăng thêm mỗi tháng 300.000 đồng nếu có mức hưởng dưới 2,7 triệu; tăng lên bằng 3 triệu nếu có mức hưởng từ 2,7 đến dưới 3 triệu.
Với chính sách điều chỉnh như trên, cán bộ là nguyên là Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND, Phó bí thư, Phó chủ tịch, Thường trực Đảng ủy, Ủy viên thư ký UBND, Thư ký HĐND xã, Xã đội trưởng, Trưởng công an xã được hưởng 3 triệu đồng/tháng. Các chức danh còn lại là 2,817 triệu đồng.
Trường hợp tạm đình chỉ đối với nhân viên hàng không
Có hiệu lực từ 1/9, Thông tư 23/2023 của Bộ Giao thông Vận tải quy định về chế độ lao động, kỷ luật lao động đặc thù đối với nhân viên hàng không. Theo đó, nhân viên hàng không bị tạm đình chỉ ngay công việc trong các trường hợp vi phạm các quy định, nội quy lao động gây sự cố, tai nạn, uy hiếp an toàn, an ninh hàng không; bị điều tra, khởi tố trong các vụ án hình sự; tự ý bỏ vị trí làm việc.
Ngoài ra, hình thức kỷ luật tạm đình chỉ còn áp dụng với người uống rượu, bia hoặc có nồng độ cồn trong máu, hơi thở trong khi thực hiện nhiệm vụ; trộm cắp, chiếm đoạt trái phép tài sản; lợi dụng vị trí làm việc để buôn lậu, vận chuyển trái phép người, tài sản, hàng hóa; sử dụng hoặc có kết quả dương tính đối với các chất ma túy hoặc chất kích thích; đánh bạc, gây rối, làm mất an ninh, trật tự tại nơi làm việc.
Thay đổi cách đánh giá công chức, viên chức
Nghị định 48/2023 có hiệu lực từ 15/9, quy định một số điểm mới về đánh giá, xếp loại chất lượng cán bộ, công chức, viên chức. Theo đó, người bị xử lý kỷ luật đảng hoặc kỷ luật hành chính trong năm đánh giá thì xếp loại chất lượng ở mức không hoàn thành nhiệm vụ.
Trường hợp cán bộ, công chức, viên chức là đảng viên, đã bị xử lý kỷ luật đảng và kỷ luật hành chính về cùng một hành vi vi phạm nhưng quyết định kỷ luật đảng và quyết định kỷ luật hành chính không có hiệu lực trong cùng năm đánh giá thì chỉ tính là căn cứ xếp loại chất lượng ở một năm đánh giá.
Ngoài ra, Nghị định cũng nêu tỷ lệ cán bộ, công chức, viên chức xếp loại "Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ" trong tổng số cán bộ, công chức, viên chức tại cùng cơ quan, tổ chức, đơn vị và đối với từng nhóm đối tượng có nhiệm vụ tương đồng không quá tỷ lệ đảng viên được xếp loại "Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ" theo quy định của Đảng.
Sơn Hà