Anh Thế Huy, 27 tuổi ở quận Gò Vấp, cho biết mua xe máy gần 50 triệu đồng từ cuối tháng 8. Anh đã đóng thuế, chi phí làm xong thủ tục nhưng được hẹn đến ngày 6/10 mới được xét xe, bấm biển số.
Trong khi đó, theo Thông tư 24 của Bộ Công an có hiệu lực từ 15/8 thay thế Thông tư 58/2020, biển số ôtô, xe máy sẽ được cấp và quản lý theo mã định danh của chủ xe, còn gọi là biển số định danh. Trình tự cấp biển số mới không thay đổi so với trước, việc cấp biển số cũng không quá hai ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ.
Anh Huy cho biết, trước đây gia đình từng mua ba xe máy và chỉ mất hơn một tuần là có biển số và đăng ký xe, nhưng nay phải chờ hơn một tháng. Vì đã bán xe cũ để gom tiền mua chiếc mới nên anh phải đi xe công nghệ. "Với thời gian chờ như giấy hẹn thì tôi phải trùm mền xe hai tháng mới có đủ giấy tờ đi lại", anh Huy nói.
Tương tự, ông Trần Nguyễn Quang Hải, 42 tuổi, cũng phải chờ hơn một tháng rưỡi để bấm biển số xe máy mới. Xe được mua từ cuối tháng 8, nhưng ông phải đợi đến khoảng giữa tháng 10 mới được giải quyết. "Rất bất tiện, hơn một tháng qua tôi không thể chạy xe đi làm vì sợ bị phạt nên phải mượn xe người quen", ông Hải nói.
Phải mất nhiều thời gian chờ đăng ký cũng ảnh hưởng đến nhiều nơi kinh doanh xe máy. Anh Minh, chủ cửa hàng bán xe máy ở quận Gò Vấp, cho biết đang sốt ruột khi phải ôm hơn 200 hồ sơ của người mua chờ đăng ký từ giữa tháng 8. Hàng ngày, nhiều người liên tục hối thúc anh phải lấy biển số hoặc trả lại tiền trong khi cửa hàng phải tạm ngưng bán xe mới.
Ngoài đăng ký xe mới, nhiều người cũng gặp khó trong thủ tục sang tên đổi chủ, đặc biệt là các cửa hàng kinh doanh xe qua sử dụng. Hơn chục năm buôn bán xe máy cũ ở quận Phú Nhuận, ông Thanh Hoàng cho biết, mỗi tháng thường bán được 20-30 chiếc. Nhưng hơn một tháng qua, từ ngày thông tư mới có hiệu lực, ông chỉ bán được hai chiếc.
Theo ông Hoàng, xe cũ tại cửa hàng của ông đa phần đã qua nhiều đời chủ, khi mua bán thường dùng giấy uỷ quyền. Tuy nhiên, quy định mới buộc phải tìm lại người sở hữu đầu tiên của xe để làm thủ tục thu hồi biển số trước khi cấp mới. "Một số người mua xe rồi mà lên bấm biển số bị trục trặc, không thể giải quyết được nên phải bỏ cọc", ông nói.
Lý giải việc phải chờ đợi hơn cả tháng để đăng ký xe máy, trung tá Nguyễn Văn Khởi, đội trưởng CSGT quận Gò Vấp, cho biết sau ngày 15/8, lượng người đổ dồn đăng ký, làm thủ tục sang tên xe máy rất đông, đơn vị làm không kịp, phải phát số thứ tự. Ngoài ra, hệ thống máy móc, đường truyền chưa ổn định nên cán bộ làm chưa quen. "Chúng tôi cũng cố gắng làm, có hôm đến một giờ sáng để cho kịp nên mong người dân thông cảm phải chờ đợi lâu", trung tá Khởi nói.
Trong khi đó, lãnh đạo phòng Hướng dẫn, đăng ký và kiểm định phương tiện, Cục CSGT (Bộ Công an), cho hay trong những tuần đầu triển khai thông tư phần mềm có trục trặc, kể cả trên cổng dịch vụ công quốc gia nên việc đăng ký xe hay thu hồi biển số chưa thuận lợi.
Ngoài ra, Cục CSGT đang quản lý đến 100 triệu phương tiện, nên khi chuyển đổi sang hệ thống mới có dữ liệu bị lỗi không tương thích. Tuy nhiên, việc để người dân chờ đợi hơn một tháng để đăng ký xe là chưa hợp lý. "Chúng tôi đang tập trung xử lý hết công suất để đưa hệ thống đi vào ổn định", lãnh đạo phòng này nói.
Theo Thông tư 24, người sở hữu xe không chính chủ sẽ xảy ra hai trường hợp khi đi sang tên. Nếu còn giấy tờ mua bán thì bị xử phạt hành chính, sau đó làm thủ tục đăng ký sang tên. Ngược lại, công an sẽ phải niêm yết công khai trong 30 ngày rồi gửi thông báo cho người đang đứng tên trên đăng ký xe. Khi không có khiếu kiện, công an sẽ ra quyết định xử phạt hành chính sau đó làm thủ tục sang tên.
Khác với việc mỗi xe gắn với một biển số, từ 15/8, biển số sẽ đi theo người. Việc này được cho sẽ tạo điều kiện thuận lợi quản lý biển số định danh, tích hợp giấy tờ trên ứng dụng VNeID dễ dàng hơn. Mặt khác, quản lý biển số theo mã số định danh cá nhân giúp hỗ trợ cho công tác quản lý nhà nước, xử lý vi phạm.
Đình Văn