Thuở mới yêu, ngoại hình ưa nhìn và sự chân thành của anh thợ sửa chữa xe máy Đức Thạnh (40 tuổi, ở Nam Định) chiếm trọn trái tim của Thu Hằng, một giáo viên vừa đi làm. Biết tin họ định kết hôn, cả nhà Hằng phản đối kịch liệt. "Nuôi cho ăn học mà lại đi lấy đứa không chữ nghĩa gì. Tao đố chúng mày cưới được nhau", bố Hằng, một cán bộ huyện nói thẳng với hai người.
Dù phản đối nhưng khi Thu Hằng có bầu, ông bà đành chấp thuận tổ chức đám cưới cho con, chấp nhận có một chàng rể ít học. Đức Thạnh để ý vợ và nhà ngoại thường cố tảng lờ khi ai đó hỏi đến con rể. Chàng trai vì vậy cũng rất ngại đến nhà vợ.
Càng ở cạnh nhau, Thu Hằng lẫn anh Thạnh đều thấy quan điểm, suy nghĩ của hai người không giống nhau. Ở nhà, Hằng không mấy khi kể chuyện trường lớp vì kể xong chồng chưa kịp phản ứng cô kèm luôn câu "nói anh cũng chẳng hiểu". Anh Thạnh cũng biết vợ không hào hứng khi nhắc đến dầu nhớt, phụ tùng, xăng dầu.
Mối quan tâm chung của hai người là hai đứa con. Nhưng đó cũng là khởi nguồn của những bất đồng. Thạnh thích chở hai con trai ở độ tuổi lên 5 và lên 9 đến xưởng để biết bố đang làm gì và cho lũ trẻ "học ít, chơi nhiều".
Vợ anh lại muốn con học hành bài bản từ đầu nên đăng ký cho học tiếng Anh, học đàn, học đá bóng để thứ gì cũng biết, cũng giỏi. "Không đi học thì cả đời con sẽ chỉ lấm lem như bố", chị hay bảo với hai con trước mặt chồng. Cảm thấy bị vợ coi thường, anh Thạnh nổi cáu, từng vài lần bạo hành.
Anh Thạnh nghiệm ra khi yêu đã không nhìn thấu những bất đồng và khác biệt khi sống chung, để tình yêu làm mờ lý trí. "Đáng lẽ cuộc hôn nhân này không nên có", anh Thạnh thừa nhận.
Kết quả nghiên cứu "Các yếu tố xã hội quyết định bất bình đẳng giới" do Viện Nghiên cứu phát triển xã hội (ISDS) thực hiện cho thấy, khoảng 40% nam giới khẳng định không muốn kết hôn với những người phụ nữ có học vấn cao hơn mình. 29% cho rằng một gia đình sẽ không hạnh phúc nếu người vợ có trình độ học vấn cao hơn.
"Sâu xa vẫn là trọng nam khinh nữ", bà Linh Nga, giám đốc trung tâm Nghiên cứu và ứng dụng khoa học Tâm lý - Giáo dục (Hà Nội) nói. Theo bà kết quả khảo sát này phản ánh quan niệm của người Việt, đàn ông vẫn được xem là trụ cột còn phụ nữ nên dựa dẫm, phụ thuộc chồng. Nếu người vợ trình độ cao hơn thì anh chồng thường bị đánh giá là kém cỏi.
Một phần nguyên nhân, theo chuyên gia cũng vì nhiều ông chồng học vấn thấp không nỗ lực phát triển bản thân, chỉ lo được cho bản thân mình, dồn mọi gánh nặng gia đình cho vợ, nảy sinh uất ức trong suy nghĩ người phụ nữ.
"Người vợ học vấn cao có cơ hội phát triển và mối quan hệ xã hội tương đồng nên càng lúc càng hiểu biết hơn. Hai người khó nói chuyện được với nhau. Chồng vì vậy lại tự ti, cục cằn, đẩy khoảng cách cả hai xa nhau", bà Linh Nga nói.
Chị Thu Hằng kể, trước mặt các con chồng vẫn văng tục, chửi bậy. Không vừa lòng với ai, anh hành xử thô lỗ, mắng họ xơi xơi, bất chấp người đó lớn tuổi hơn. "Tôi thực sự thấy xấu hổ, thất vọng'', Thu Hằng bày tỏ.
Chuyện "giường chiếu" của hai vợ chồng cũng gây thêm căng thẳng, khi người vợ muốn nhẹ nhàng, chiều chuộng, còn anh chồng bị tố "chỉ muốn thỏa mãn mình rồi lăn ra ngủ". Người vợ uất ức, cho rằng vì lấy phải người học vấn thấp mà sống một cuộc hôn nhân không hạnh phúc.
Nhiều phụ nữ học vấn cao hơn chồng chung cảm nhận như Thu Hằng. Nghiên cứu "Sự hài lòng về hôn nhân của người Việt Nam và các nhân tố ảnh hưởng" của Viện Gia đình và Giới năm 2020 cho thấy nhóm "vợ học vấn cao hơn chồng" có xác suất hài lòng kém hơn đáng kể so với nhóm "chồng có học vấn cao hơn".
Vợ chồng anh Đức Thạnh thường ít cùng nhau dự buổi gặp mặt các gia đình mà nhà trường tổ chức vào dịp cuối năm. Mỗi lần xuất hiện, anh Thạnh thấy gượng gạo với bộ đồ vợ đưa, lúng túng với những cái bắt tay và câu hỏi "Anh công tác ở đâu?" từ những người khác.
Vì ngại, anh ngồi yên một chỗ từ đầu đến cuối, nhìn vợ tự tin đi khắp các bàn giao lưu, cười nói. Về nhà, chị Thu Hằng trách chồng ù lì, không tôn trọng đồng nghiệp và công việc của vợ. Đang sẵn khó chịu, anh Thạnh vùng vằng bỏ ra ngoài. Những bức xúc tích tụ khiến họ cứ nói chuyện là cãi vã.
Theo chuyên gia, bản thân nhiều phụ nữ cũng có suy nghĩ đàn ông phải là người hơn vợ. Vì vậy, khi học vấn cao hơn chồng, họ có tâm lý coi thường, cư xử không đúng mực, đẩy mối quan hệ vợ chồng vào khủng hoảng.
Cũng bởi suy nghĩ đó, nghiên cứu "Các yếu tố xã hội quyết định bất bình đẳng giới" của ISDS cho thấy, gần 88% số người tham gia khảo sát cho rằng đàn ông nên tiếp tục học đến trình độ cao nhất có thể, trong khi chỉ có khoảng 66% có suy nghĩ tương tự về phụ nữ.
Tuy nhiên, không phải gia đình nào vợ học vấn cao hơn chồng cũng nảy sinh mâu thuẫn. "Có những đôi dù chênh lệch bằng cấp nhưng chồng có năng lực, hiểu biết, tự chủ tài chính thì gia đình vẫn rất hạnh phúc", chuyên gia Lã Linh Nga nói.
Vợ chồng chị Minh Ánh và anh Hùng Cường là ví dụ. Họ luôn ấm êm dù chị là tiến sĩ, chồng là lái xe cho sếp. Hai người cùng làng, lớn lên đã phải lòng nhau. Anh Hùng Cường chỉ học hết cấp ba vì nhà nghèo. Chị Minh Ánh lên thành phố học đại học. Họ kết hôn khi chị có việc làm ở thành phố. Anh Cường cũng theo vợ về Hà Nội thuê trọ, đi làm tài xế xe ôm công nghệ kết hợp lái xe công ty để có tiền phụ vợ học lên thạc sĩ, rồi tiến sĩ. Không tự ti, ngược lại anh luôn tự hào có một người vợ thành đạt.
"Anh đọc sách nhiều vì sợ không hiểu biết bằng vợ, chiều chuộng, phụ việc nhà và chăm con mỗi khi tôi bận rộn. Nhờ vậy, chúng tôi hiếm khi bất đồng quan điểm", chị Minh Ánh nói. Chị cũng thoải mái kể về công việc của chồng, còn khoe "anh nuôi tôi đi học" với đồng nghiệp, cấp trên.
Thạc sĩ Lã Linh Nga cho rằng khi yêu và cưới rất khác nhau. Vì vậy, các đôi cần trang bị kiến thức tiền hôn nhân để hiểu vai trò, trách nhiệm của mình, cách ứng xử với bạn đời, trước khi chọn có nên lấy người lệch trình độ học vấn hay không.
"Lúc yêu cũng nên để ý đến những góp ý của người thân thiết về đối phương và mình cũng phải quan sát cách họ đối xử với những người xung quanh để hình dung người đó sẽ đối xử với mình trong tương lai thế nào", bà Linh Nga nói.
Hôn nhân không tránh được bất đồng, mâu thuẫn nên vợ chồng cần giữ tâm thế bình tĩnh và tôn trọng nhau, trên tinh thần xây dựng. Người vợ học vấn cao hơn chồng nên mềm mỏng, ứng xử chân thành nhưng khéo léo, nhìn vào điểm mạnh, tích cực của đối phương để cư xử phù hợp. Phụ nữ có thể nóng giận nhưng không được hạ thấp, khinh thường chồng.
Với những người đàn ông học vấn thấp hơn, thay vì tự ti nên giống anh Hùng Cường, học nhiều, đọc nhiều để nâng cao hiểu biết, phát triển bản thân và cùng vợ chăm lo cho gia đình.
Anh Thạnh cho biết dẫu thương con vẫn chọn ly hôn vì không muốn sống trong tâm thế "thấp hơn vợ". Còn chị Thu Hằng chấp nhận ký đơn ly hôn khi không thể hòa hợp với một người thiếu cầu tiến, lại bạo lực.
Phạm Nga
* Tên nhân vật trong bài đã thay đổi.