Sáng 15/9, trả lời VnExpress, bà Trương Thị Phượng, 60 tuổi, chủ tiệm bánh mì Phượng, nói từ khi vụ ngộ độc xảy ra, bà suy sụp tinh thần, không ăn uống. Bà cho biết hoạt động của tiệm hôm 11/9 (ngày bắt đầu xảy ra vụ ngộ độc) bình thường như 34 năm qua. Toàn bộ quy trình nhập nguyên liệu, chế biến, bán hàng được bà Phượng giám sát mỗi ngày.
Chủ tiệm cho biết bánh mì được mua tại lò gần nhà, còn chả từ chỗ người quen. Các thành phần khác như pate, xíu mại, xá xíu được chế biến từ thịt lợn tươi mua từ cửa hàng quen ở chợ Hội An, theo quy trình ngâm nước muối, rửa, luộc, cắt nhỏ đem xay. Sốt trứng gà tươi do tiệm tự sản xuất. Các loại rau quả gồm dưa leo, xà lách, rau răm, rau húng, hành, đu đủ chua cũng mua của các thương lái quen ở chợ.
Rau củ quả được rửa sạch, ngâm nước muối, nhưng cách sơ chế này dễ làm thực phẩm hỏng nếu bán chậm. Từ sau đại dịch, số lượng bánh bán ra không lớn như trước, do đó bà Phượng yêu cầu nhân viên chỉ rửa sạch bằng nước, không ngâm muối.
"Quy trình chế biến được cân đo, đong đếm và cách thực hiện giống nhau nên hương vị bánh mì Phượng ngày nào cũng như nhau", bà Phượng nói, thêm rằng toàn bộ khâu chế biến do chồng bà đảm nhận, nhân viên chỉ rửa rau củ quả, bán bánh. Tiệm được cơ quan chức năng kiểm tra định kỳ, tái cấp phép hồi tháng 6.
Hôm 11/9, tiệm bánh mì Phượng bán ra hơn 1.920 ổ, cơ quan chức năng xác định có 1.900 người ăn. Bà Phượng nói toàn bộ nguyên liệu sản xuất của ngày này được mua mới, sau đó bán hết. Gia đình có lưu lại mẫu thức ăn gồm pate, rau xà lách, dưa leo, húng, hành, chả lợn, thịt heo xá xíu, xíu mại, đã được Chi cục An toàn Thực phẩm tỉnh Quảng Nam lấy mẫu gửi Viện Pasteur Nha Trang xét nghiệm. Trong mẫu thức ăn mang đi không có sốt trứng gà tươi và bánh mì do đã bán hết.
Theo biên bản của Chi cục An toàn Thực phẩm tỉnh Quảng Nam hôm 13/9, tại thời điểm kiểm tra, tiệm bánh mì Phượng chỉ lưu giữ hợp đồng cung cấp thực phẩm của ba hộ, còn các cơ sở khác không có hợp đồng; không lưu giữ giấy tờ về an toàn thực phẩm của các cơ sở cung cấp nguyên liệu thực phẩm. Ngoài ra, khu vực sơ chế của tiệm chưa đảm bảo vệ sinh, chưa phân biệt giữa khu vực bảo quản nguyên liệu, thực phẩm, khu vực sơ chế, chế biến.
Sau khi nhận thông tin về vụ ngộ độc, hai con của bà Phượng đã đến các bệnh viện và cơ sở y tế, hỗ trợ mỗi bệnh nhân 500.000 đồng, nhưng "cũng chưa đầy đủ do một số người đã xuất viện". Người phụ nữ cho biết bản thân bà rất tâm huyết với thương hiệu Bánh mì Phượng, nếu phải đóng cửa thì "Hội An mất đi một thương hiệu", gia đình không được phục vụ khách hàng, nhân viên thất nghiệp.
"Sự cố xảy ra là đánh đổi quá lớn với tôi. Tôi mong rằng mọi người thông cảm, chia sẻ sự cố này, đây là việc không ai mong muốn. Tôi đã rút ra bài học cho mình, tất cả mọi cái mình chỉnh chu rồi thì giờ phải chỉnh chu hơn nữa", bà nói.
Đến sáng 15/9, Sở Y tế Quảng Nam ghi nhận có 141 người, trong đó 33 khách nước ngoài, bị ngộ độc sau khi ăn bánh mì Phượng. Các bệnh nhân nhập viện chung triệu chứng đau đầu, sốt, đau bụng, đi tiêu nhiều lần và kéo dài, điều trị tại các cơ sở y tế ở TP Hội An, thị xã Điện Bàn (Quảng Nam) và TP Đà Nẵng. Hiện đa số nạn nhân ổn định, không có trường hợp thở máy, nhiều người được xuất viện.
Hiện giới chức chưa kết luận nguyên nhân. Mẫu chuyển Viện Pasteur Nha Trang xét nghiệm dự kiến có kết quả trong 7-10 ngày.
Bánh mì Phượng là một trong những cơ sở ăn uống thu hút du khách, trở thành điểm đến không thể bỏ lỡ ở Hội An, truyền thông quốc tế đưa tin. Mỗi ngày tiệm bánh bán hàng nghìn ổ. Hiện tiệm tạm dừng hoạt động cho đến khi có kết luận của cơ quan chức năng.
Đắc Thành