Tính tới 10h30, chỉ số VN-Index giảm 37,5 điểm xuống ngưỡng 1.175 điểm (tương đương mức giảm 3,1%). Chỉ số VN30 giảm mạnh hơn. HNX-Index giảm hơn 4,2% xuống 241 điểm. Upcom-Index giảm hơn 2%.
Toàn bộ 30 cổ phiếu trong nhóm trụ cột VN30 đều giảm giá. Trong đó, các mã bất động sản, chứng khoán giảm mạnh.
13 mã cổ phiếu ngân hàng trong nhóm VN30 giảm nhưng mức độ giảm thấp hơn so với các cổ phiếu bất động sản và chứng khoán.
10h30, cổ phiếu Vingroup (VIC) của Chủ tịch Phạm Nhật Vượng giảm 1.800 đồng xuống 50.400 đồng/cp; ông lớn bất động sản Vinhomes (VHM) giảm 1.900 đồng xuống 48.300 đồng/cp; Vincom Retail (VRE) giảm 900 đồng xuống 27.250 đồng/cp.
Chứng khoán SSI (SSI) có lúc giảm gần xuống mức sàn.
Các cổ phiếu bảo hiểm, bán lẻ, thép… đều giảm mạnh.
Chốt phiên sáng 22/9, chỉ số VN-Index giảm 32,81 điểm (-2,71%) xuống 1.179,93 điểm. Tập đoàn Hòa Phát (HPG) giảm 1.400 đồng xuống 27.000 đồng/cp; Thế Giới Di Động (MWG) giảm 2.400 đồng xuống 51.800 đồng/cp; Masan (MSN) giảm 2.900 đồng xuống 75.900 đồng/cp; VietJet (VJC) giảm 2.500 đồng xuống 96.800 đồng/cp…
Áp lực bán tăng vọt trong bối cảnh thị trường chứng khoán đón nhận một số thông tin không tích cực, trong đó có tín hiệu chính sách tiền tệ thắt chặt của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) cũng như hành động hút tiền về của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) trong bối cảnh tỷ giá USD/VND leo thang.
Ông Lưu Chí Kháng, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Công ty Chứng khoán Kiến Thiết CSI cho rằng, tỷ giá USD/VND lên cao là yếu tố chính tác động tới tâm lý của các nhà đầu tư trong thời gian gần đây.
Về quyết định hút về 10.000 tỷ đồng trên thị trường mở của NHNN, ông Kháng cho rằng, mức độ không lớn nhưng là nguyên nhân.
Thực tế khoảng hơn 1 tháng qua, tỷ giá USD/VND tăng mạnh, đưa tổng mức tăng của đồng USD so với VND từ đầu năm lên trên 2,9%.
USD từ mức ổn định quanh ngưỡng 23.600-23.700 đồng/USD (giá bán ra tại các ngân hàng hồi tháng 6-7) đã vọt lên ngưỡng 24.500 đồng/USD (tính tới sáng 22/9). Gần đây, tỷ giá trung tâm do NHNN công bố cũng lần đầu tiên trong lịch sử vượt mốc 24.000 đồng/USD.
Tình hình trở nên đáng lo hơn sau khi Fed quyết định giữ nguyên lãi suất quỹ liên bang (Federal Funds Rate - FFR) ở mức cao nhất 22 năm 5,25%-5,5% đúng như dự báo. Cơ quan này phát tín hiệu có thể thực hiện thêm một đợt tăng nữa vào cuối năm nay và có ít đợt hạ lãi suất hơn so với dự kiến vào năm tới.
Như vậy, lãi suất của Mỹ được dự báo sẽ tiếp tục tăng và được duy trì ở mức cao lâu hơn (higher rates for longer) nhằm chiến đấu kéo lạm phát đi xuống.
Lãi suất Mỹ đang ở mức 5,25-5,5%, trong khi lãi suất qua đêm trên thị trường liên ngân hàng Việt Nam chỉ khoảng 0,2%. Lãi suất kỳ hạn một năm ở các ngân hàng thương mại lớn chỉ khoảng 5,5%. Áp lực đối với đồng VND là lớn.
Chiều 21/9, NHNN đã bất ngờ phát hành tín phiếu kỳ hạn 28 ngày sau nửa năm, qua đó hút về gần 10.000 tỷ đồng với lãi suất 0,69%/năm.
Đây là động thái được xem là phù hợp trong bối cảnh thanh khoản hệ thống đang dư thừa, và mục tiêu là giảm áp lực lên tỷ giá trong thời gian tới.
Ông Lưu Chí Kháng cho rằng, NHNN hút tiền về để nhằm kìm hãm tỷ giá mà không sử dụng các nghiệp vụ khác như bán USD hay tăng lãi suất. Đây là một cách làm khá linh hoạt và nó cũng cho thấy NHNN còn dư địa để can thiệp tỷ giá.
Vấn đề tỷ giá không đáng ngại như hồi tháng 10/2022 vì thặng dư xuất nhập khẩu của Việt Nam cao. FDI giải ngân và đăng ký đều tăng trưởng trong 8 tháng đầu năm. Kiều hồi vẫn ổn định. Trong khi dự trữ ngoại hối cao, ở mức 95 tỷ USD.
Trước đó, nhiều công ty chứng khoán cũng đưa ra đánh giá tương tự. Theo đó, thay vì phải bán USD trong 6 tháng đầu năm 2023, NHNN vẫn mua vào được khoảng 6 tỷ USD để tăng lượng dự trữ ngoại hối. Và đây có thể là công cụ hữu ích giúp NHNN ổn định tỷ giá trong thời gian tới.
Cổ phiếu 'trà đá' IBC của ‘Shark’ Thuỷ lại vào diện cảnh báoLiên tiếp sai phạm công bố thông tin, cổ phiếu CTCP Đầu tư Apax Holdings của ‘Shark’ Thuỷ bị đưa vào diện cảnh báo.