Thứ năm, 21 tháng 11 năm 2024

24 0C

Hà Nội

Chứng khoán tháng 9 – tìm kiếm cơ hội trước xu hướng tăng dài hạn

Thứ bảy, 09/09/2023 | 13:42
[G-News24/7] -

(KTSG) – Nhìn lại quá khứ, hiệu suất của thị trường chứng khoán trong tháng 9 cũng không có gì nổi trội. Cụ thể, mức tăng trưởng của chỉ số VN-Index bình quân trong tháng 9 của giai đoạn 22 năm qua ghi nhận ở mức âm 0,9%, chỉ tốt hơn mức tăng trưởng bình quân âm 2% của tháng 7.

  • ‘Biến số’ tác động tới khả năng phục hồi của doanh nghiệp chứng khoán
  • Cổ phiếu nhóm chứng khoán: kỳ vọng tích cực cuối năm
Thị trường chứng khoán tháng 9 không được kỳ vọng sẽ có màn trình diễn quá tích cực. Ảnh: LÊ VŨ

Tiếp tục củng cố?

Thị trường chứng khoán (TTCK) đã trải qua tháng 8-2023 rung lắc mạnh mẽ, khi lao dốc vào nửa đầu tháng nhưng nhanh chóng phục hồi mạnh mẽ trong nửa cuối tháng. Theo đó, chỉ số VN-Index kết thúc tháng 8 vẫn tăng nhẹ 0,1% so với tháng trước, đặc biệt là khối lượng giao dịch tăng trưởng rất mạnh cho thấy dòng tiền đang quay trở lại với kênh đầu tư này.

Đơn cử như trong tuần giao dịch cuối tháng 8, chỉ số VN-Index tăng hơn 3,4% còn HNX-Index tăng gần 3%. Khối lượng giao dịch bình quân trên sàn HOSE tăng 1% lên mức 933 triệu đơn vị/phiên, giá trị giao dịch bình quân tăng 5% lên 21.000 tỉ đồng/phiên. Tương tự, khối lượng giao dịch và giá trị giao dịch trên sàn HNX lần lượt tăng 2% và 10% lên 109,2 triệu đơn vị/phiên và hơn 2.000 tỉ đồng/phiên. Có thể nói những phiên giao dịch tỉ đô đang quay trở lại với TTCK với tần suất dày đặc hơn.

Không ít nhà đầu tư kỳ vọng dòng tiền sẽ tiếp tục tham gia mạnh mẽ hơn và đẩy các chỉ số đi lên ngay sau kỳ nghỉ lễ 2-9. Tuy nhiên, nhiều dự báo của các công ty chứng khoán cho rằng thị trường có thể vẫn tiếp tục giằng co trong tháng 9 này chứ chưa thể bứt phá mạnh mẽ được ngay. Tính từ mức đáy vào tháng 11-2022 đến nay, VN-Index đã tăng xấp xỉ 40%, còn nếu so với đầu năm nay thì đang ghi nhận mức tăng 22%. Do đó, có lẽ cần thêm thời gian củng cố để tạo đà tiếp tục đi lên.

Đáng lưu ý là việc khối ngoại liên tục bán ròng cũng phần nào ảnh hưởng đến tâm lý các nhà đầu tư trong nước. Thống kê cho thấy khối ngoại đã bán ròng hơn 2.670 tỉ đồng tính riêng trên sàn HOSE trong tháng 8 vừa qua, đánh dấu tháng thứ 5 bán ròng liên tiếp. Theo đó, lũy kế tám tháng đầu năm 2023, nhóm này đã bán ròng hơn 3.400 tỉ đồng, trong đó riêng chuỗi bán ròng năm phiên liên tiếp từ ngày 10 đến 16-8, thời điểm trước khi VN-Index có đợt lao dốc mạnh từ ngày 17 đến 22-8, đã ghi nhận mức bán ròng trên 1.800 tỉ đồng.

Không loại trừ khả năng NHNN có thể nhấn thêm một nhịp giảm lãi suất điều hành nữa nếu như Fed quyết định không tăng lãi suất nữa ngay trong tháng 9 này. Hiện lãi suất tiền gửi có kỳ hạn dưới sáu tháng của hầu hết các ngân hàng đang nằm dưới mức trần quy định 4,75%/năm, trong khi lãi suất trên thị trường liên ngân hàng cũng chìm sâu về dưới mốc 1%/năm.

Nhìn lại quá khứ, hiệu suất của TTCK trong tháng 9 cũng không có gì nổi trội. Cụ thể, mức tăng trưởng của chỉ số VN-Index bình quân trong tháng 9 của giai đoạn 22 năm qua ghi nhận ở mức âm 0,9%, chỉ tốt hơn mức tăng trưởng bình quân âm 2% của tháng 7.

Tháng 7 và tháng 9 cũng là hai tháng TTCK chứng kiến tăng trưởng bình quân ở mức âm xét từ năm 2000 đến nay. Đáng lưu ý là vào tháng 9 năm ngoái, VN-Index có đợt lao dốc nặng nề khi giảm đến 17%, do hiện tượng bán giải chấp diễn ra ồ ạt trước hàng loạt thông tin tiêu cực.

Tháng 9 năm nay, những thông tin xấu như vậy, cũng như hiện tượng bán giải chấp cổ phiếu của các cổ đông nội bộ hay ban lãnh đạo doanh nghiệp vì tắc nghẽn dòng tiền trên khắp các thị trường, khó có thể diễn ra lần nữa. Tuy nhiên, tháng 9 thường rơi vào giai đoạn vùng trũng thông tin, do đó thị trường cũng không được kỳ vọng sẽ có màn trình diễn quá tích cực.

Các câu chuyện cần theo dõi

Trong tình hình này, sẽ có một số câu chuyện các nhà đầu tư cần đặc biệt quan tâm theo dõi, vì có khả năng ảnh hưởng và dẫn dắt TTCK.

Đầu tiên là cuộc họp chính sách của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed), với lịch công bố lãi suất cơ bản đô la Mỹ vào ngày 21-9. Dựa trên những dữ liệu kinh tế Mỹ gần đây, với thị trường lao động và lạm phát có dấu hiệu hạ nhiệt, hầu hết dự báo cho thấy Fed sẽ không tăng lãi suất trong cuộc họp vào tháng 9 này.

Cụ thể, theo công cụ Fedwatch Tool của CME, xác suất Fed giữ nguyên lãi suất ở mức hiện tại 5,25-5,5%/năm đã lên tới 93% tính đến ngày 5-9, trong khi xác suất nâng lãi suất vào tháng 11-2023 tiếp tục giảm xuống chỉ còn 60%. Nếu cơ quan này chính thức ngừng lộ trình tăng lãi suất, đây sẽ là thông tin tích cực ảnh hưởng đến các TTCK khắp toàn cầu.

Ngoài ra, không loại trừ khả năng Ngân hàng Nhà nước (NHNN) có thể nhấn thêm một nhịp giảm lãi suất điều hành nữa nếu như Fed quyết định không tăng lãi suất nữa ngay trong tháng 9 này. Hiện lãi suất tiền gửi có kỳ hạn dưới sáu tháng của hầu hết các ngân hàng đang nằm dưới mức trần quy định 4,75%/năm, trong khi lãi suất trên thị trường liên ngân hàng cũng chìm sâu về dưới mốc 1%/năm.

Với áp lực phải tăng tốc các hoạt động sản xuất kinh doanh để hỗ trợ tăng trưởng trong thời gian còn lại của năm nay, chính sách tiền tệ trong nước nếu chứng kiến nới lỏng thêm cũng là điều không quá bất ngờ.

Câu chuyện thứ hai có ảnh hưởng ở chiều hướng tiêu cực hơn. Đó là những diễn biến của thị trường bất động sản Trung Quốc, mà có thể tác động lây lan sang các khu vực khác trong nền kinh tế nước này cũng như những nước khác. Dù đã triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ, giải cứu thị trường bất động sản trong thời gian qua, gần đây nhất là động thái giảm lãi suất liên tiếp, nhưng nhiều công ty bất động sản nước này vẫn đang chìm trong thua lỗ và khó khăn, tắc nghẽn vốn, mất khả năng thanh toán nợ trái phiếu khi đến hạn và đứng trước nguy cơ phá sản, kể cả những công ty hàng đầu một thời.

Thị trường bất động sản Việt Nam từ năm ngoái đến nay chứng kiến những khó khăn tương tự. Hàng tiêu thụ chậm, nhiều dự án gặp vấn đề về pháp lý, khả năng tiếp cận vốn khó khăn, dòng tiền tắc nghẽn, trễ hạn thanh toán các khoản nợ đến hạn… Chính phủ gần đây cũng đã liên tục triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ cho thị trường này. Dù vậy, với lượng trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn lớn nhất vào tháng 9 này, cũng như tháng 12 tới, cần phải quan sát thêm khả năng trả nợ của các doanh nghiệp, đặc biệt là ở nhóm bất động sản.

Câu chuyện tỷ giá cũng đang trở thành một trong những mối quan tâm hàng đầu của các nhà đầu tư trong thời gian gần đây. Thực tế, áp lực tỷ giá trong tháng 8 là một trong những yếu tố ảnh hưởng lên TTCK, cũng như chiến lược bán ròng liên tiếp của các nhà đầu tư nước ngoài.

Dù vậy, với nguồn cung ngoại tệ vẫn dồi dào, đặc biệt là trước diễn biến hoạt động thương mại và dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đang phục hồi tích cực trở lại, những ảnh hưởng của tỷ giá có lẽ chỉ mang tính chất ngắn hạn và nằm trong khả năng kiểm soát của nhà điều hành.

Những phiên giảm điểm mạnh của thị trường có thể sẽ còn diễn ra trong tháng 9. Dù vậy, bất kỳ đợt điều chỉnh nào nếu có sẽ là cơ hội để các nhà đầu tư theo xu hướng dài hạn tiếp tục tích lũy thêm hàng. Dưới góc độ phân tích kỹ thuật, VN-Index cũng đang trong quá trình tích lũy cho một sóng tăng dài hạn, thể hiện qua chỉ báo đường MACD đã cắt lên trên đường Tín hiệu (Signal) ở biểu đồ tháng.

g-news247