Thứ hai, 25 tháng 11 năm 2024

24 0C

Hà Nội

Chuyển đổi hơn 600ha rừng để làm hồ thủy lợi Ka Pét (Bình Thuận): Không còn vị trí nào khác phù hợp

Thứ sáu, 08/09/2023 | 22:30
[G-News24/7] -Tin liên quan

Bắt đầu khảo sát vùng rừng hơn 600ha dự kiến làm hồ thủy lợi Ka Pét

Dự án “ngốn” 0,15% diện tích rừng toàn tỉnh

Theo UBND tỉnh Bình Thuận, dự án hồ thủy lợi Ka Pét được xây dựng ở huyện Hàm Thuận Nam, có sức chứa 51,2 triệu m3 nước, tổng mức kinh phí đầu tư là 874 tỷ đồng. Đây là dự án quan trọng cấp quốc gia, chủ trương đầu tư dự án hồ chứa nước Ka Pét đã được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV (tháng 5-2019). Tổng diện tích sử dụng đất của dự án xây dựng hồ thủy lợi Ka Pét là 693,31ha, trong đó diện tích có rừng là hơn 680ha, gồm: rừng đặc dụng là 162,55ha, rừng phòng hộ 0,91ha, rừng sản xuất 471,09 ha, rừng nằm ngoài quy hoạch 3 loại rừng là 45,85ha và diện tích đất sản xuất nông nghiệp là 12,9ha. Theo ghi nhận của PV tại vị trí dự kiến xây hồ thủy lợi, cây rừng mọc nhiều nhất ở 2 bên bờ sông Ba Bích, đa phần là các loại tre nứa, cây hỗn tạp. Bên cạnh đó, trong vùng lõi của dự án còn có nhiều cây dầu (chiếm phần lớn), bằng lăng, nhiều cây căm xe, đường kính từ 20-30cm...

Ông Lê Thanh Sơn, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Bình Thuận cho biết, trước đây, khu vực rừng dự kiến triển khai dự án hồ thủy lợi Ka Pét đã từng được cho phép khai thác chính (chọn lựa những loại cây gỗ lớn có giá trị). Tuy nhiên từ năm 2002, khi Thủ tướng Chính phủ thực hiện chủ trương đóng cửa rừng tự nhiên thì khu rừng này tiếp tục được bảo vệ nghiêm ngặt. Do đó hiện tại, tại khu vực này những cây gỗ lớn, có giá trị còn rất ít.

Theo đại diện Sở NN-PTNT tỉnh Bình Thuận, khu vực rừng nói trên đã được quy hoạch làm hồ chứa nước từ năm 1995. Tuy nhiên, sau đó do gặp nhiều khó khăn nên đến năm 2019 thì Quốc hội mới thông qua chủ trương dự án. Tổng diện tích rừng bị chuyển đổi để làm hồ chứa nước chỉ chiếm 0,15% tổng diện tích rừng của toàn tỉnh. “Hồ chứa nước Ka Pét có ý nghĩa rất lớn với tỉnh Bình Thuận. Khi hoàn thành, hồ có thể tưới hơn 7.700ha, cấp nước sinh hoạt cho 120.000 dân tại vùng khô hạn huyện Hàm Thuận Nam và vùng phụ cận của TP Phan Thiết. Hồ còn cấp nước cho khu công nghiệp Hàm Kiệm với 2,63 triệu m3/năm. Ngoài ra hồ còn điều tiết lũ, cũng là hồ trung chuyển, sau này tỉnh thực hiện hồ La Ngà 3 với dung tích là 470 triệu m3”, ông Lê Thanh Sơn nhấn mạnh.

Anh Nguyễn Thành Luân (ngụ xã Mỹ Thạnh) cho biết: “Hàng chục năm qua, người dân chúng tôi luôn chịu trong cảnh mùa mưa thì ngập, mùa nắng thì thiếu nước, đời sống bà con rất khó khăn. Nhiều năm qua, người dân nơi đây chỉ sản xuất được 1 vụ, 9 tháng còn lại thì chỉ biết nhìn rẫy khô cạn. Thế nên nghe tin việc nhà nước có chủ trương xây dựng hồ chứa nước bà con rất mừng”.

Sẽ trồng mới 1.844ha rừng

Theo báo cáo đánh giá tác động môi trường, việc xây dựng dự án hồ thủy lợi Ka Pét sẽ làm giảm diện tích đất rừng tự nhiên, phân mảnh các hệ sinh thái, ảnh hưởng đến các loài động vật hoang dã. Về lâu dài, mất rừng sẽ mang lại hệ lụy lớn như lũ lụt, hạn hán, sạt lở đất. Do vậy, việc tác động tiêu cực do chuyển đổi mục đích đất tại dự án là khó tránh khỏi. Tuy nhiên, tác động tích cực từ sự phát triển của dự án là hoàn toàn vượt trội hơn, như khắc phục hạn hán, thiếu nước trong mùa khô, điều tiết nguồn nước sông Ka Pét nhằm tưới ổn định cho sản xuất nông nghiệp, cung cấp nước thô cho sinh hoạt hoặc công nghiệp.

Trả lời câu hỏi tại sao Bình Thuận không chọn vị trí nào khác mà phải làm trên đất rừng?, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Bình Thuận Lê Thanh Sơn cho rằng, dự án đã được các chuyên gia, nhà khoa học phân tích kỹ lưỡng, được báo cáo tại rất nhiều kỳ họp, qua hội đồng thẩm định cấp nhà nước, qua nhiều đoàn kiểm tra của cơ quan trung ương. Theo đó, hiện không còn vị trí nào khác tại tỉnh Bình Thuận phù hợp để làm hồ thủy lợi này. Trong khi đó, đây là dự án rất cần thiết đối với tỉnh Bình Thuận. Để thay thế cho hơn 680ha diện tích rừng tự nhiên bị ngập tại hồ thủy lợi Ka Pét, UBND tỉnh Bình Thuận đã chỉ đạo các sở, ngành chức năng tổ chức khảo sát trồng mới với diện tích 1.844ha (gấp 3 lần diện tích rừng dùng để xây dựng hồ chứa nước Ka Pét).

Liên quan đến việc xử lý số lượng lâm sản của hơn 600ha rừng được chuyển đổi thực hiện dự án, đại diện Sở NN-PTNT tỉnh Bình Thuận thông tin, sau khi cấp có thẩm quyền phê duyệt dự án đầu tư, phê duyệt đánh giá tác động môi trường, hoàn tất thủ tục chuyển mục đích sử dụng rừng thì các ngành chức năng sẽ được lập phương án khai thác rừng trình Sở NN-PTNT thẩm định, phê duyệt. Sau khi duyệt phương án khai thác thì sẽ lập phương án đấu giá. Nhà đầu tư nào trúng đấu giá thì sẽ nộp tiền vào ngân sách và khai thác lâm sản này. “Việc thống kê trữ lượng và chủng loại gỗ, tới đây đơn vị tư vấn tiến hành thực hiện bằng phương pháp đo đếm từng cây có đường kính từ 10cm trở lên; đồng thời phải có đơn vị tư vấn xác định giá trị của các chủng loại gỗ”, ông Lê Thanh Sơn, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Bình Thuận, nhấn mạnh.

Liên quan nhiều cây cổ thụ căm xe và cây lim già cỗi được chia sẻ trên mạng khiến dư luận xôn xao, qua kiểm tra thực địa, ông Lê Thanh Sơn, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Bình Thuận khẳng định đều nằm ngoài ranh giới dự án. Do vậy, khi triển khai dự án hồ thủy lợi thì những cây này không bị tác động.

NGUYỄN TIẾN
g-news247