Huy động tài chính
Diễn ra từ ngày 4 đến 6-9, hội nghị do Kenya đăng cai và đồng tổ chức với Ủy ban Liên minh châu Phi và Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (UNFCCC). Hội nghị thu hút những người đứng đầu nhà nước và chính phủ, các nhà hoạch định chính sách, các tổ chức xã hội dân sự, khu vực tư nhân, các tổ chức đa phương và đại diện thanh niên từ khắp châu Phi và thế giới. Những người tham gia sẽ bàn thảo để tìm giải pháp cho những thách thức cấp bách do biến đổi khí hậu và thúc đẩy hợp tác vì tương lai bền vững.
Theo giới phân tích, đây là thời điểm quan trọng cho các hành động vì tương lai của châu Phi. Dự kiến, các nhà lãnh đạo châu Phi sẽ thúc đẩy các quốc gia giàu có đưa ra một kế hoạch rõ ràng nhằm tăng đáng kể đóng góp cho tài chính khí hậu, cùng nhau đáp ứng mục tiêu huy động ít nhất 100 tỷ USD hàng năm để cung cấp ngân sách cho các nước châu Phi trong việc thích ứng với biến đổi khí hậu.
Châu Phi - lục địa đen với 1,2 tỷ dân - là quê hương của một số quốc gia ít chịu trách nhiệm về lượng khí thải carbon nhất, nhưng lại bị ảnh hưởng nặng nề bởi hạn hán, lũ lụt, bão và sóng nhiệt. Theo số liệu của Liên hợp quốc, các nước châu Phi chiếm khoảng 3% lượng khí thải carbon toàn cầu, nhưng ngày càng phải đối mặt với tác động của thời tiết khắc nghiệt liên quan đến biến đổi khí hậu.
Trong khi đó, châu lục này chỉ nhận được 12% nguồn tài chính cần thiết để đối phó với các tác động của khí hậu. Báo cáo mới đây của Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) cho biết, trẻ em ở 48/49 quốc gia châu Phi được đánh giá có “nguy cơ cao hoặc cực cao” trước những cú sốc khí hậu.
Tiềm năng lớn về năng lượng xanh
Theo tờ Al Jaeera, bên cạnh mục tiêu hành động hướng tới một tương lai công bằng và bền vững nhằm bảo vệ người dân và cộng đồng, hội nghị lần này còn chuẩn bị một mặt trận phối hợp từ các nhà lãnh đạo châu Phi để kêu gọi loại bỏ dần nhiên liệu hóa thạch một cách nhanh chóng và công bằng, chuẩn bị cho Hội nghị về biến đổi khí hậu toàn cầu năm 2023 (COP28) diễn ra vào tháng 12 tới. Hội nghị cũng được thiết kế nhằm giới thiệu tiềm năng lớn về năng lượng xanh của châu Phi.
Theo đó, các nhà lãnh đạo châu Phi và quốc tế sẽ cân nhắc quan điểm của châu Phi về cuộc khủng hoảng khí hậu trước COP28 và dự kiến sẽ thông qua Tuyên bố Nairobi về biến đổi khí hậu, nêu chi tiết nhiều cam kết phát triển năng lượng tái tạo, nông nghiệp bền vững, bảo tồn rừng và hơn thế nữa. Quan trọng hơn, văn kiện cũng sẽ đặt ra chương trình nghị sự tăng trưởng xanh chính thức đầu tiên ở châu Phi, thiết lập các mối quan hệ đối tác mới trong tăng trưởng xanh, đặc biệt là trong các lĩnh vực thích hợp như năng lượng tái tạo, nông nghiệp bền vững, khoáng sản cùng các lĩnh vực khác, để có thể định vị lục địa này là một trong những khu vực có các giải pháp mạnh mẽ ứng phó với biến đổi khí hậu.
HẠNH CHI tổng hợp