Người lao động có quyền lấy lại tiền đã bị trừ trong lương suốt 6 tháng không được đóng bảo hiểm không? Tôi phải làm thế nào để lấy lại quyền lợi
Độc giả Thanh Yến
Luật sư tư vấn:
Việc công ty trừ lương của bạn để đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) nhưng thực tế không đóng là hành vi trái pháp luật, xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động.
Nếu việc thương lượng giữa hai bên không thành, bạn có thể gửi đơn (không bắt buộc) đề nghị Phòng Lao động Thương binh xã hội cấp huyện nơi bạn làm việc để được hỗ trợ, giải quyết.
Trường hợp không đạt kết quả, bạn làm đơn khiếu nại gửi đến người sử dụng lao động (người đại diện theo pháp luật của công ty).
Trong thời hạn 7 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được khiếu nại, người giải quyết khiếu nại lần đầu phải thụ lý giải quyết và thông báo bằng văn bản về việc thụ lý giải quyết khiếu nại cho người khiếu nại và Chánh Thanh tra Sở Lao động - Thương binh và Xã hội nơi người sử dụng lao động đặt trụ sở chính.
Thời hạn giải quyết khiếu nại lần đầu không quá 30 ngày, kể từ ngày thụ lý; đối với vụ việc phức tạp thì thời hạn giải quyết không quá 45 ngày (Điều 5, khoản 1 Điều 15 Nghị định số 24/2018/NĐ-CP).
Nếu bạn không đồng ý với quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu hoặc quá thời hạn nói trên mà khiếu nại không được giải quyết, bạn có quyền khởi kiện tại tòa án có thẩm quyền hoặc thực hiện khiếu nại lần hai. Đơn khiếu nại lần 2 được gửi đến Chánh Thanh tra Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, nơi người sử dụng lao động đặt trụ sở chính.
Nếu bạn vãn không đồng ý với quyết định giải quyết khiếu nại lần 2 hoặc quá thời hạn quy định (45 ngày, kể từ ngày thụ lý; đối với vụ việc phức tạp thì thời hạn không quá 60 ngày) mà khiếu nại không được giải quyết, bạn vẫn có quyền khởi kiện vụ án tại tòa án nhân dân có thẩm quyền (khoản 3 Điều 5 Nghị định số 24/2018/NĐ-CP)
Trong quá trình giải quyết khiếu nại, hành vi vi phạm của người sử dụng lao động có thể sẽ bị xử phạt hành chính mức 12-15% tổng số tiền phải đóng BHXH bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp tại thời điểm lập biên bản vi phạm hành chính, tối đa không quá 75.000.000 (điểm a, khoản 5, Điều 38, Nghị định 12/2022/NĐ-CP).
Để khắc phục hậu quả, phía vi phạm buộc phải đóng đủ số tiền BHXH bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp; nộp khoản tiền lãi bằng 2 lần mức lãi suất đầu tư quỹ BHXH bình quân của năm trước liền kề tính trên số tiền, thời gian chậm đóng, không đóng, trốn đóng, chiếm dụng tiền đóng...
Thống kê của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, cộng dồn đến hết năm 2022, cả nước có hơn 2,13 triệu lao động bị doanh nghiệp chậm đóng BHXH từ một đến dưới ba tháng; 440.800 người bị nợ đóng từ ba tháng trở lên và gần 213.400 người bị "treo" sổ tại các doanh nghiệp đã giải thể, ngừng hoạt động, nợ BHXH khó thu hồi. Số đang bị nợ BHXH chiếm 17,4% tổng số lao động tham gia BHXH bắt buộc.
Việc chậm đóng diễn ra ở tất cả loại hình doanh nghiệp với số tiền phải tính lãi hơn 13.150 tỷ đồng. So với năm 2021, tiền chậm đóng tính lãi tăng thêm hơn 660 tỷ đồng. Riêng tiền nợ khó thu hồi tại doanh nghiệp phá sản, giải thể, ngừng hoạt động, chủ bỏ trốn hơn 4.000 tỷ đồng.
Luật sư Vũ Tiến Vinh
Công ty luật Bảo An, Hà Nội