Thứ năm, 28 tháng 11 năm 2024

24 0C

Hà Nội

Có nên thở bằng miệng thay mũi?

Thứ ba, 12/09/2023 | 14:37
[G-News24/7] -

Trả lời:

Hai đường dẫn khí đến phổi là mũi và miệng. Mặc dù cùng lấy không khí chứa nhiều oxy, đẩy khí CO2, chất thải ra ngoài nhưng thở bằng mũi và miệng có ưu, nhược điểm khác nhau, phản ảnh nhiều vấn đề sức khỏe đi kèm.

Con người thở bằng mũi từ khi sinh ra. Cấu trúc vùng mũi có đặc điểm riêng giúp thực hiện chức năng trao đổi khí dễ dàng mà đường miệng không có.

Chẳng hạn hít vào bằng mũi làm ấm hoặc mát, ẩm không khí trước khi đưa vào phổi. Hệ thống lông mao trong đường mũi sẽ lọc bụi, chất độc, chất gây dị ứng trong không khí và chuyển tiếp xuống cổ họng thay vì đưa đến phổi. Điều này giúp bảo vệ phổi khỏi nhiều tác nhân gây bệnh hô hấp. Hít bằng mũi còn phát hiện mùi hôi, chất độc hại trong không khí và thực phẩm. Trong khi đó, thở bằng miệng làm tăng nguy cơ khô miệng, mắc bệnh nướu răng, hôi miệng, tăng nguy cơ sâu răng, dễ nhiễm nhiều bệnh hô hấp.

Thường xuyên hít thở bằng mũi có thể kiểm soát tốt hơn lượng oxy nạp vào, tạo điều kiện hấp thụ oxit nitric, tăng cường lưu thông máu, hỗ trợ vận chuyển oxy đi khắp cơ thể. Người chạy với tốc độ chậm, có thể áp dụng cách hít thở này.

Với các hoạt động cơ bắp cần nhiều oxy như chạy nước rút hoặc cường độ cao, cơ thể cần nạp thêm nhiều oxy hơn và loại bỏ sự tích tụ CO2 để tạo ra năng lượng, duy trì vận động. Do đó, nếu bạn chỉ hít thở bằng mũi sẽ không đủ bởi cấu tạo đường mũi hẹp hơn nhiều so với đường miệng. Lúc này, bạn nên kết hợp hít vào bằng mũi, thở ra bằng miệng.

Cách hít thở này giúp cân bằng nhịp thở, tăng hiệu quả hô hấp, tăng cường sức bền nhờ tối ưu lượng oxy dung nạp vào máu và CO2 thải ra nhanh hơn. Đồng thời còn giải tỏa căng thẳng ở quai hàm, khuôn mặt và cơ thể thư giãn. Khi căng thẳng, nhịp thở gấp gáp hơn, dễ gây mất cân bằng lượng oxy và CO2 trong máu, dẫn đến chóng mặt, mờ mắt, khó duy trì nhịp chạy ổn định suốt hành trình.

Trường hợp nghẹt mũi, hít thở bằng miệng là giải pháp tạm thời. Bạn có thể xịt rửa mũi bằng nước muối sinh lý, xông mũi họng... để khơi thông đường thở và quay trở lại hít thở bằng mũi. Tuy nhiên, nếu tình trạng nghẹt mũi kéo dài khiến bạn phải thường xuyên hít thở miệng thì nên cẩn trọng. Đó có thể là dấu hiệu cảnh báo nhiễm trùng xoang, polyp mũi... Bạn nên đi khám để bác sĩ điều trị.

Thạc sĩ, bác sĩ Lã Quý Hương
Khoa Hô hấp, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội

Độc giả đặt câu hỏi bệnh hô hấp tại đây để bác sĩ giải đáp
g-news247