Theo dự thảo được Bộ Giao thông vận tải đưa ra ngày 30/8, liên quan quản lý hoạt động vận tải bằng ôtô, đào tạo lái xe ô tô và dịch vụ sát hạch lái xe, yêu cầu chung dành cho giáo viên dạy lái xe là có chứng chỉ sư phạm dạy nghề dạy trình độ sơ cấp nghề hoặc chứng chỉ bồi dưỡng sư phạm bậc 1 hoặc chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm dạy trình độ sơ cấp hoặc tương đương trở lên.
Riêng với giáo viên dạy thực hành, Bộ Giao thông vận tải đề xuất thêm 2 tiêu chuẩn trước đó chưa có trong các nghị định cũ: Tốt nghiệp phổ thông trung học trở lên và có 50.000 km lái xe an toàn trở lên.
Ba tiêu chuẩn còn lại, theo Nghị định 65/2016 và Nghị định 10/2020 vẫn được giữ nguyên:
- Có giấy phép lái xe hạng tương ứng hoặc cao hơn hạng xe đào tạo, nhưng không thấp hơn hạng B2;
- Giáo viên dạy các hạng B1, B2 phải có giấy phép lái xe đủ thời gian từ 3 năm trở lên, kể từ ngày trúng tuyển; giáo viên dạy các hạng C, D, E và F phải có giấy phép lái xe đủ thời gian từ 5 năm trở lên kể từ ngày trúng tuyển; có 50.000 km lái xe an toàn trở lên;
- Đã qua tập huấn về nghiệp vụ dạy thực hành lái xe theo chương trình do cơ quan có thẩm quyền ban hành và được cấp Giấy chứng nhận giáo viên dạy thực hành lái xe
Trong quá trình xây dựng dự thảo, Sở Giao thông Vận tải tỉnh Ninh Bình nêu thực trạng có nhiều giáo viên nhiều năm không dạy, không có trong danh sách của cơ sở đào tạo nhưng vẫn có tên trên phần mềm quản lý giáo viên.
Tiếp thu ý kiến trên, Bộ Giao thông Vận tải bổ sung tại dự thảo về 6 trường hợp giáo viên dạy thực hành lái xe sẽ bị thu hồi chứng nhận:
1. Có hành vi gian lận trong tập huấn và kiểm tra để được Giấy chứng nhận giáo viên dạy thực hành lái xe;
2. Cấp cho người không đủ một trong các tiêu chuẩn quy định tại Điều 8 Nghị định này;
3. Do người không có thẩm quyền cấp;
4. Bị tẩy xóa, sửa chữa;
5. Cho người khác thuê, mượn để sử dụng;
6. Vi phạm các quy định của pháp luật về giao thông đường bộ để xảy ra tai nạn giao thông từ mức nghiêm trọng trở lên.
Theo dự thảo, Giấy chứng nhận sẽ được Sở Giao thông vận tải cấp cho cả "những cá nhân có nhu cầu", chứ không giới hạn chỉ cấp cho giáo viên thuộc các cơ sở đào tạo do địa phương quản lý. Theo thống kê của Tổng cục Đường bộ, tính hết năm 2021, cả nước có 370 cơ sở đào tạo và 149 trung tâm sát hạch lái xe ôtô với hơn 41.000 giáo viên, 89,4% là giáo viên dạy thực hành.
Các nước phát triển không coi dạy lái xe là lĩnh vực thuộc giáo dục nghề nghiệp mà đơn giản là dịch vụ xã hội hóa, dành cho bất cứ ai có nhu cầu trở thành giáo viên dạy lái xe. Họ thường dạy cả lý thuyết lẫn thực hành. Thời gian dạy sẽ theo nhu cầu học viên, vào cả buổi tối và cuối tuần, thậm chí buổi tối.
Để trở thành một giáo viên dạy lái xe, bạn chỉ cần tốt nghiệp trung học phổ thông, có giấy phép lái xe hạng phù hợp 2-5 năm tùy quốc gia, cá biệt như Chile, yêu cầu có giấy phép lái xe ít nhất 7 năm, có hồ sơ lái xe "sạch" và vượt qua các khóa đào tạo.
Anh được coi là quốc gia đầu tiên đào tạo giáo viên dạy lái xe. Để trở thành Giáo viên dạy lái xe được phê chuẩn (Approved Driving Instructor- ADI), bạn phải trên 21 tuổi, có giấy phéo lái xe ít nhất 4 năm, không bị trừ quá 6 điểm trong giấy phép lái xe, có thể đọc biển số xe ở khoảng cách 27,5 m (đeo kính hoặc kính áp tròng đều được).
Bạn phải trải qua 3 phần sát hạch do Cơ quan Tiêu chuẩn Lái xe và Phương tiện (Driver and Vehicle Standards Agency - DVSA) tổ chức. Bài thi cơ bản sẽ có 100 câu hỏi trắc nghiệm, bạn cần ít nhất 85 điểm để đỗ. Nước Anh đánh giá rất cao tầm quan trọng của nghề này, do đó DVSA nhấn mạnh, bạn phải "thật sự phù hợp".
Tức là ngoài các kỹ năng, thể hiện qua các bài thi, bạn phải có lý lịch "chuẩn". DVSA do đó sẽ thu thập thông tin này qua CRB (Cục Hồ sơ Tội phạm) để rà soát lý lịch tư pháp của ứng viên.
Ở một số bang của Canada có yêu cầu giáo viên dạỵ lái xe phải có ít nhất 5 năm kinh nghiệm, hoặc 500.000 km lái xe an toàn, hoặc 6.000 giờ kinh nghiệm lái xe hạng cao nhất.
Mexico quy định, giáo viên lý thuyết có thể từ 20 tuổi trở lên, song giáo viên dạy thực hành lái xe phải ít nhất 28 tuổi, đã tốt nghiệp trung học phổ thông và phải có giấy phép lái xe "sạch" ít nhất 10 năm
Theo Bộ Giao thông Vận tải, việc sử dụng ô tô cũ (chất lượng kém) cho đào tạo, sát hạch lái xe tiềm ẩn nguy cơ gây mất an toàn, ảnh hưởng chất lượng thực hiện bài thi sát hạch của học viên. Dự thảo do đó cũng bổ sung niên hạn cho xe tập lái và xe dùng cho sát hạch.
Cụ thể, xe tập lái và xe sát hạch lái xe hạng B1, B2 và FB có niên hạn không quá 20 năm; xe tập lái và xe sát hạch hạng C, FC, D, E, FD và FE có niên hạn theo quy định tại Nghị định số 95/2009/NĐ-CP. Tức là: không quá 25 năm với ôtô chở hàng; không quá 20 năm với ôtô chở người và không quá 17 năm với ôtô chuyển đổi công năng từ các loại xe khác thành xe ô tô chở người trước 1/1/2002.
Niên hạn sử dụng của xe ô tô được tính bắt đầu từ năm sản xuất xe. Một số trường hợp đặc biệt khi được Thủ tướng cho phép, niên hạn sử dụng được tính từ năm đăng ký ôtô lần đầu.
Hải Thư