(KTSG) – Thời gian tới có lẽ các công ty tài chính cần tái cấu trúc lại hoạt động của mình, rà soát lại chiến lược phát triển và phân khúc khách hàng trọng tâm, có giải pháp nâng cao công tác thẩm định và kiểm soát rủi ro sau giải ngân.
- Thế khó của công ty tài chính trong nỗ lực dẫn vốn cho người yếu thế
- Công ty tài chính nào đang có gói vay hấp dẫn cho công nhân?
Hết thời “gà đẻ trứng vàng”
Từ mức đỉnh cao trên 4.000 tỉ đồng giai đoạn 2017-2019, năm 2020 lợi nhuận trước thuế (LNTT) của FE Credit vẫn còn đạt hơn 3.700 tỉ đồng bất chấp những khó khăn của nền kinh tế trong đại dịch Covid-19. Sau khi hoàn tất bán 49% vốn cổ phần cho Công ty Tài chính tiêu dùng SMBC (SMBCCF), năm 2021 LNTT của FE Credit đã lao dốc mạnh xuống chỉ còn 611 tỉ đồng. Cơn ác mộng tiếp tục kéo dài khi năm 2022 công ty này ghi nhận lỗ 3.121 tỉ đồng do tỷ lệ nợ xấu tiếp tục tăng mạnh lên 21,8% từ mức 14,1% cuối năm 2021.
Nửa đầu năm 2023, FE Credit báo lỗ gần 3.000 tỉ đồng. Con số lỗ này tương đương với mức lỗ trong nửa cuối năm ngoái. Như vậy, chỉ trong bốn quí gần đây, FE Credit đã lỗ khoảng 6.000 tỉ đồng, đều do ảnh hưởng bởi nợ xấu tăng vọt. Theo đó, vốn chủ sở hữu của FE Credit ghi nhận giảm hơn 35%, từ hơn 15.900 tỉ đồng cuối quí 2 năm ngoái xuống còn 10.250 tỉ đồng.
Một công ty tài chính (CTTC) khác cũng báo lỗ gần 250 tỉ đồng chỉ trong sáu tháng đầu năm 2023 là Shinhan Việt Nam (Shinhan Finance), thành viên của Shinhan Card (Hàn Quốc), trong khi cùng kỳ năm ngoái vẫn lãi gần 93 tỉ đồng. Tương tự, CTTC Tín Việt (VietCredit) lỗ 73,6 tỉ đồng trong nửa đầu năm nay, giảm mạnh so với mức lãi 42,5 tỉ đồng cùng kỳ năm ngoái, do ảnh hưởng bởi chi phí dự phòng rủi ro tín dụng tăng vọt lên 397 tỉ đồng.
Cũng không thể phủ nhận chính sự cho vay quá dễ dãi của các CTTC với sự cạnh tranh quyết liệt để giành lấy thị phần một thời đã là một trong những yếu tố góp phần gây ra nợ xấu tiêu dùng hiện nay.
Trong khi đó, một số CTTC còn lại tuy vẫn báo lãi nhưng chứng kiến sự sụt giảm mạnh so với giai đoạn trước. Như Home Credit Việt Nam – đơn vị chiếm thị phần thứ 2, ghi nhận mức lãi sau thuế sáu tháng đầu năm nay giảm hơn 80% so với cùng kỳ năm ngoái, từ mức 1.189 tỉ đồng xuống chỉ còn 211 tỉ đồng. Còn tại MB Shinsei (Mcredit) – liên doanh giữa Ngân hàng Quân đội (MB) và Ngân hàng SBI Shinsei từ Nhật Bản, lãi sau thuế giảm hơn 30% so với cùng kỳ năm ngoái xuống chỉ còn 328 tỉ đồng.
Đáng chú ý, Công ty cổ phần F88 – một doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực cầm đồ nhưng những năm gần đây đã âm thầm đẩy mạnh cho vay, cũng báo lỗ sau thuế hơn 386 tỉ đồng trong nửa đầu năm nay, trong khi cùng kỳ năm ngoái vẫn lãi hơn 46 tỉ đồng, cũng do chi phí rủi ro tăng cao. Trước đó doanh nghiệp này đã liên tục báo lãi sau thuế hàng chục tỉ đồng mỗi năm giai đoạn 2019-2021 và đỉnh cao là năm 2022 với lãi sau thuế hơn 200 tỉ đồng.
Cục máu đông nợ xấu do đâu?
Từng được xem là gà đẻ trứng vàng, hiện các CTTC đang trải qua giai đoạn kinh doanh vô cùng khó khăn, trong đó không ít tổ chức hiện nay lại trở thành gánh nặng cho các ngân hàng với nợ xấu tiêu dùng tăng vọt. Lý do phổ biến được đưa ra là do kinh tế khó khăn và quá trình phục hồi sau dịch Covid-19 chậm hơn nhiều so với dự kiến, tình trạng các doanh nghiệp thiếu hụt đơn hàng, thu hẹp hoạt động hoặc phải giải thể, dẫn đến tỷ lệ thất nghiệp gia tăng đã ảnh hưởng đến khả năng trả nợ của các khách hàng đang vay vốn tiêu dùng tại các CTTC.
Hệ quả là nợ xấu tiêu dùng tăng vọt đã ảnh hưởng tiêu cực lên kết quả lợi nhuận của các công ty trong lĩnh vực này. Theo công bố của Hiệp hội Ngân hàng (VNBA), tính đến hết năm 2022, nợ xấu của các CTTC tăng 23,09% so với thời điểm cuối năm ngoái và có xu hướng tăng cao trong thời gian tới. Trong khi nợ xấu không thu được lãi, chi phí vốn lại liên tục gia tăng từ cuối năm ngoái đến nay theo xu hướng lãi suất đi lên, nhất là khi các CTTC không được huy động vốn trực tiếp từ dân cư mà phải huy động từ tổ chức tín dụng hoặc doanh nghiệp, nên càng chịu hiệu ứng chi phí vốn tăng mạnh hơn.
Nợ cũ chất lượng suy giảm nhưng việc tăng trưởng nợ mới để bù đắp thiệt hại cũng không còn dễ dàng như trước, trong bối cảnh kinh tế khó khăn, cầu tiêu dùng suy yếu, thu nhập giảm sút khiến nhu cầu vay vốn tiêu dùng cũng giảm mạnh từ đầu năm đến nay. Nợ xấu tăng cao cũng đẩy một số CTTC vào tình thế phải dừng cho vay mới để bảo toàn vốn, tập trung nguồn lực để thu hồi nợ.
Đáng lưu ý là công tác thu hồi nợ hiện nay cực kỳ khó khăn do nhiều người dân giảm hoặc mất thu nhập cộng với tâm lý “xù” nợ lên cao. Giới phân tích chỉ ra tỷ lệ khách vay không trả nợ, thậm chí rủ nhau “bùng nợ” ngày càng cao trong khi chế tài với khách hàng này chưa có và việc khởi kiện càng khó thực hiện vì đa số các khoản nợ giá trị thấp, thủ tục phức tạp, kéo dài.
Ngoài ra, không loại trừ khả năng các vụ kiểm tra, điều tra về hoạt động thu hồi nợ tại một số CTTC hay một số công ty chuyên đi mua nợ xấu tiêu dùng và dùng các phương pháp đòi nợ theo kiểu “xã hội đen” thời gian qua, có thể cũng khiến hoạt động thu hồi nợ bị ảnh hưởng khi đã làm ảnh hưởng đến tâm lý trả nợ của khách hàng. Bên cạnh đó, theo các đại diện CTTC, việc không được sử dụng dịch vụ đòi nợ thuê theo Luật Đầu tư 2020 càng khiến họ lâm vào thế bí.
Dù vậy, cũng không thể phủ nhận chính sự cho vay quá dễ dãi của các CTTC với sự cạnh tranh quyết liệt để giành lấy thị phần một thời đã là một trong những yếu tố góp phần gây ra nợ xấu tiêu dùng hiện nay. Như đánh giá của Công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS), việc mở rộng quá nhanh trong giai đoạn trước và tập trung vào sản phẩm cho vay tiền mặt khiến mức độ rủi ro danh mục của FE Credit cao hơn trung bình ngành.
Tái cấu trúc và gọi thêm vốn
Vì vậy, thời gian tới có lẽ các CTTC cần tái cấu trúc lại hoạt động của mình, rà soát lại chiến lược phát triển và phân khúc khách hàng trọng tâm, có giải pháp nâng cao công tác thẩm định và kiểm soát rủi ro sau giải ngân.
Hiện một số CTTC chỉ tập trung cho vay những khách hàng được xếp hạng tín nhiệm cao, chứ không phát triển ồ ạt và bằng mọi giá như giai đoạn trước. Các chuyên gia cũng cho rằng việc mở rộng đối tượng vay nhưng nợ xấu cao sẽ đẩy mặt bằng lãi suất lên, người trả nợ đúng hạn sẽ phải gánh lãi suất cho cả những người không trả được, đó không phải là chiến lược tốt ở thời điểm hiện tại.
Việc cơ sở dữ liệu dân cư quốc gia ngày càng hoàn thiện sẽ tạo điều kiện cho các tổ chức tín dụng nói chung và các CTTC nói riêng liên kết để sử dụng, đáp ứng cho công tác phát triển tín dụng theo hướng chặt chẽ hơn để hạn chế rủi ro trong giai đoạn tới. Ngoài ra, các giải pháp thẩm định trực tuyến được cung cấp bởi bên thứ 3 ngày càng được nâng cao bằng các mô hình hiệu quả hơn, sử dụng dữ liệu lớn (big data) hay các công cụ trí tuệ nhân tạo (AI), cũng sẽ giúp kiểm soát rủi ro tốt hơn.
Hiện nay, thị trường có 16 CTTC được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cấp phép, với dư nợ đạt trên 220.000 tỉ đồng, chỉ chiếm tỷ lệ 1,87% so tổng dư nợ toàn nền kinh tế và 8,5% dư nợ cho vay tiêu dùng toàn hệ thống, tính đến cuối 2022. Con số này là khá khiêm tốn. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng một khách hàng có thể có cả khoản vay ở ngân hàng lẫn CTTC, vì vậy khi các CTTC chuyển nợ xấu cũng ảnh hưởng đến chất lượng tín dụng của các ngân hàng, gây áp lực lên nợ xấu của toàn ngành, điều thực tế đã xảy ra trong nửa đầu năm nay.
Vì vậy, Thông tư 02/2023/TT-NHNN về việc gia hạn nợ và giữ nguyên nhóm nợ cho khách hàng khó khăn được ban hành vào cuối tháng 4 năm nay đã phải mở rộng đối tượng được cơ cấu nợ sang cả các khách hàng cá nhân gặp khó khăn trả nợ khoản vay phục vụ đời sống, tiêu dùng.
VNBA gần đây kiến nghị NHNN xây dựng cơ chế, chính sách quản lý riêng theo đặc thù ngành đối với mảng tài chính tiêu dùng, như quy định tỷ lệ nợ xấu chuẩn cho CTTC ở mức cao hơn để phù hợp với đặc thù phân khúc khách hàng đa số dưới chuẩn, cho vay không có tài sản bảo đảm; cần ban hành quy định về trách nhiệm, nghĩa vụ của người đi vay; chế tài xử phạt với người đi vay cố tình chây ì trả nợ…
Một giải pháp tái cấu trúc khác là các CTTC có thể tăng thêm vốn để nâng cao bộ đệm dự phòng rủi ro, có thể là gọi vốn từ nhà đầu tư, ngân hàng/ tập đoàn mẹ rót thêm vốn hoặc bán cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài. Đơn cử như có thông tin Kasikornbank (KBank) – ngân hàng lớn thứ 2 của Thái Lan – đang đàm phán để mua lại Công ty Tài chính tiêu dùng Home Credit Việt Nam, với thỏa thuận được cho là có giá trị lên tới 1 tỉ đô la Mỹ. Một thương vụ M&A khác cũng đang tiến hành các thủ tục chuyển đổi, khi tập đoàn tài chính lớn thứ 5 tại Thái Lan là Krungsri Bank mua lại công ty tài chính của SHB (SHB Finance).