Chủ nhật, 24 tháng 11 năm 2024

24 0C

Hà Nội

Cú quay xe của giá dầu thô: Giới đầu cơ tung hỏa mù thành công?

Thứ hai, 18/09/2023 | 01:58
[G-News24/7] -

Ép giá thành công để tăng mua?

Giá dầu thô
Thị trường từng lo ngại sự suy yếu của nền kinh tế Mỹ cùng đà phục hồi chậm, thấp hơn kỳ vọng của Trung Quốc sẽ khiến nhu cầu sử dụng dầu thô năm nay ở mức thấp. (Ảnh: Reuters)

Chốt phiên giao dịch cuối tuần này, trên thị trường kỳ hạn, giá dầu thô Brent đạt 93,93 USD/thùng và giá dầu thô ngọt nhẹ Texas (WTI) đạt 90,77 USD/thùng. Đây đều là những mức giá đóng cửa cao nhất trong vòng 10 tháng trở lại đây.

Đà tăng của giá dầu thô trong giai đoạn từ cuối tháng 6/2023 tới nay cũng là đợt tăng mạnh nhất kể từ thời điểm cuộc xung đột Nga - Ukraina diễn ra hồi cuối tháng 2/2022. Giá dầu thô đã phục hồi 30% từ mức đáy đã thiết lập vào tháng 7/2023. Yếu tố thúc đẩy đà tăng này chính là tâm lý lo lắng về nguồn cung, khi các nước sản xuất lớn đều có kế hoạch cắt giảm sản lượng.

Nhìn chung, trong nửa đầu năm 2023, nền kinh tế châu Âu và Bắc Mỹ "thoát hiểm" ngoạn mục khi tiêu thụ năng lượng giảm do mùa đông ấm, cuộc khủng hoảng năng lượng đã không diễn ra như các dự báo. Đồng thời, từ những thông tin không mấy tích cực đối với nền kinh tế thế giới, nhiều dự báo đã cho rằng thị trường dầu mỏ thế giới sẽ bị tác động do tăng trưởng kinh tế của những quốc gia, khu vực có ảnh hưởng lớn đến thị trường dầu thô thế giới như Mỹ, EU, Trung Quốc suy giảm.

Giá dầu thô thế giới
Diễn biến giá dầu thô Brent trong 12 tháng trở lại đây. (Nguồn: TradingEconomics)

Lập luận này được củng cố bởi chỉ trong vòng hai tháng kể từ ngày 8/3/2023, liên tiếp bốn ngân hàng quy mô vừa và nhỏ của Mỹ phá sản. Bắt đầu từ Silicon Valley Bank (SVB) đến SignatureBank (SB), Silvergate Bank (Silvergate) và sau cùng là First Republic Bank (FRB) được đặt dưới sự tiếp quản của Cơ quan bảo hiểm tiền gửi Liên bang Mỹ (FDIC) vào ngày 28/4/2023.

Mặc dù trong thời điểm đó, một số nhà kinh tế đã lên tiếng trấn an những thất bại ngân hàng này sẽ không thể tạo ra đổ vỡ dây chuyền vì hệ thống ngân hàng đã được phòng bị sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2007-2009, tâm lý lo ngại vẫn lan rộng dẫn đến hoạt động rút tiền ồ ạt từ các ngân hàng.

Đặc biệt là từ thời điểm cuối tháng 4, khi nền kinh tế Trung Quốc - quốc gia tiêu thụ dầu thô lớn nhất thế giới có dấu hiệu tăng trưởng chậm lại, sự hồi phục sau khi kết thúc chính sách Zero-Covid không được như kỳ vọng, thị trường bất động sản yếu kém, chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) của ngành sản xuất Trung Quốc trong tháng 4 và các đơn đặt hàng xuất khẩu mới giảm mạnh… càng làm cho các nhà đầu tư có cái nhìn ít lạc quan về động lực tăng trưởng kinh tế và nhu cầu dầu thô thế giới sẽ bị suy giảm.

Cộng hưởng thêm những yếu tố kể trên là "cuộc đấu" giải quyết trần nợ công giữa Chính phủ, Quốc hội Mỹ trước thời điểm ngày 1/6/2023 và chủ trương chấp nhận tăng trưởng kinh tế thấp đổi lấy mục tiêu đưa lạm phát về mức an toàn của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed). Khi lãi suất tăng, chi phí sản xuất tăng khiến cho doanh nghiệp thu hẹp sản xuất, ít việc làm được tạo ra, tiền lương giảm, nhu cầu tiêu dùng sẽ được thắt chặt lại và lạm phát sẽ giảm.

Tất cả những yếu tố kể trên đã làm phân tán sự quan tâm của thị trường khi báo cáo tháng 5/2023 của Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC), hay báo cáo công bố giữa tháng 5/2023 của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) đưa ra dự báo: Năm 2023, nhu cầu dầu thế giới là 102 triệu thùng/ngày, tăng 2,2 triệu thùng so với năm 2022 và dự báo nhu cầu của Trung Quốc - nước nhập khẩu dầu lớn nhất thế giới sẽ tăng lên.

Từ những phân tích trên, có thể coi giới đầu cơ đã thành công trong việc tận dụng các thông tin bất lợi, "tung hỏa mù" trên thị trường giao dịch để ép giá dầu thô xuống mức thấp nhất vào cuối tháng 6, đầu tháng 7 vừa qua.

Xem thêm: "Hưởng lợi từ Quy hoạch hạ tầng dự trữ xăng dầu quốc gia, cổ phiếu BSR bật tăng" trên Tạp chí Công Thương tại đây.

Thị trường dầu thô sẽ nằm trong tay bên bán

Saudi Arabia
Đầu tháng 9 vừa qua, Hoàng tử Abdulaziz bin Salman - Bộ trưởng Năng lượng của Saudi Arabia gây bất ngờ cho thị trường khi tuyên bố Saudi Arabia tiếp tục cắt giảm mạnh sản lượng khai thác cho đến cuối năm nay. (Ảnh: Bloomberg)

Đến thời điểm này, nhìn chung các nhà phân tích đều thống nhất nguồn cung thị trường dầu mỏ quý 4/2023 sẽ khan hiếm và sẽ tiếp diễn ít nhất trong các tháng đầu năm 2024.

Lý do là Saudi Arabia và Nga tuyên bố gia hạn thời gian cắt giảm nguồn cung dầu thêm 3 tháng nữa. Saudi Arabia công bố sẽ giảm tiếp sản lượng 1 triệu thùng mỗi ngày cho đến tháng 12/2023. Động thái kể trên có thể khiến sản lượng cung ứng ra thị trường giảm còn khoảng 9 triệu thùng/ngày, thấp nhất kể từ tháng 6/2021.

Bên cạnh đó, Nga cũng thông báo gia hạn cắt giảm khối lượng dầu xuất khẩu 300.000 thùng/ngày cho đến cuối năm.

Trước đó, nước này tuyên bố giảm 500.000 thùng dầu/ngày cung cấp ra thị trường thế giới trong tháng 8, tương đương 5% sản lượng và 300.000 thùng/ngày trong tháng 9. Đồng thời, Nga cũng tuyên bố sẽ thực hiện cam kết chung với liên minh OPEC+ về việc cắt giảm sản lượng khai thác kéo dài đến cuối năm 2024.

Trong báo cáo tháng 8/2023, IEA cảnh báo về sự sụt giảm nguồn cung dầu thế giới. Theo đó, tính đến cuối tháng 7/2023, dự trữ dầu của các thành viên Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) đã giảm 3 tháng liên tiếp, và thấp hơn khoảng 100 triệu thùng so với mức trung bình 5 năm. Điều này đồng nghĩa với việc cán cân cung cầu của thị trường càng có nguy cơ mất cân bằng sau đợt cắt giảm của Saudi Arabia và Nga mới đây.

Ngược lại, OPEC lại ước tính nhu cầu tiêu thụ dầu của thế giới sẽ tăng lên mức kỷ lục 103,21 triệu thùng trong quý 4/2023. IEA cũng dự báo nhu cầu dầu toàn cầu dự kiến sẽ tăng 2,2 triệu thùng/ngày lên 102,2 triệu thùng/ngày trong năm 2023.

Với Việt Nam, là nước phải nhập khẩu khối lượng lớn xăng dầu và các sản phẩm dầu mỏ, việc giá dầu tăng mạnh sẽ tăng áp lực lạm phát. Việc giá xăng dầu trong nước tăng theo giá dầu thô thế giới là 1 trong 3 nguyên nhân chính làm cho chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 8 tăng 0,88% so tháng trước.

Trong đó, chỉ số giá nhóm giao thông trong tháng này tăng 3,85% làm CPI chung tăng 0,37 điểm phần trăm. Chỉ số này tăng chủ yếu ảnh hưởng của các đợt điều chỉnh giá xăng dầu trong nước khiến giá xăng tăng 9,85% so tháng 7.

Đặc biệt, giá dịch vụ tất cả các loại hình giao thông công cộng bằng hàng không, đường sắt, đường bộ... trong tháng này đều tăng. Lạm phát cơ bản tháng 8 tăng 0,32% so tháng trước, tăng 4,02% so cùng kỳ năm trước.

Như vậy, ưu thế thị trường trong trung hạn sẽ nằm ở bên bán. Do đó, đây cũng là thời điểm các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu trong nước cần bám sát, tiên liệu đúng và trúng diễn biến thị trường dầu thô thế giới để có phương án gia tăng dự trữ, bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia như chỉ đạo của Chính phủ.

BVSC: Liên doanh Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí (PVS) trúng gói thầu hơn 1 tỷ USD của dự án Lô B - Ô Môn Ngọc Nếp
g-news247