Bị "treo" hơn thập kỷ, dự án cầu - đường Bình Tiên, nối quận 6, 8, huyện Bình Chánh dự kiến sớm khởi động khi được ngành giao thông thành phố đề xuất đầu tư theo hình thức BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao) nhờ cơ chế đặc thù của Nghị quyết 98. Dự án này được "hồi sinh" mở ra hy vọng thay đổi diện mạo hạ tầng giao thông Nam Sài Gòn, trong bối cảnh nơi đây đang thiếu kết nối, các đường hiện hữu đều đã quá tải trầm trọng.
Cầu - đường Bình Tiên dài hơn ba km, được TP HCM lên kế hoạch đầu tư từ 13 năm trước theo hình thức BT (xây dựng - chuyển giao), tổng vốn 2.400 tỷ đồng (về sau lên 6.200 tỷ). Tuyến bắt đầu từ nút giao Bình Tiên - Phạm Văn Chí (quận 6), qua đại lộ Võ Văn Kiệt, kênh Tàu Hủ, kênh Đôi (quận 8), nối vào đường Nguyễn Văn Linh (Bình Chánh).
Tuy nhiên, do chưa bố trí được ngân sách giải phóng mặt bằng và quỹ đất thanh toán cho nhà đầu tư nên dự án chưa thể triển khai. Năm 2018, khi Trung ương chủ trương ngưng hình thức BT, dự án cầu - đường Bình Tiên cũng bị ngừng.
"Đây là dự án đặc biệt quan trọng nhưng qua nhiều nhiệm kỳ vẫn chưa thể làm là điểm nghẽn lớn", Trưởng ban Văn hóa xã hội HĐND TP HCM Cao Thanh Bình nói tại buổi giám sát về đầu tư công trên địa bàn quận 6 mới đây. Ông cũng cho rằng trước yêu cầu cấp thiết, thành phố có thể nghiên cứu đầu tư công để đẩy nhanh tiến độ.
Trong khi đó, Sở Giao thông Vận tải cho biết ngân sách thành phố rất khó cân đối cho công trình này vì đang phân bổ cho nhiều dự án lớn khác. Cầu - đường Bình Tiên phần lớn xây trục đường mới, nhưng một đoạn đường Bình Tiên là tuyến hiện hữu, cần mở rộng. Do đó, ngay sau khi có Nghị quyết 98, đơn vị đã đề xuất chọn dự án này thực hiện theo hình thức BOT.
"Cầu, đường Bình Tiên khi hình thành sẽ tạo trục huyết mạch kết nối quốc lộ 50 đang mở rộng, Vành đai 3, cao tốc Bến Lức - Long Thành, giúp tháo điểm nghẽn giao thông, mở ra không gian phát triển đô thị cho khu Nam thành phố", ông Lương Minh Phúc, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP HCM, nói.
Dự án khác cũng được kỳ vọng sớm được triển khai là mở rộng quốc lộ 13, đoạn từ Bình Triệu đến ngã tư Bình Phước, dài gần 5 km thuộc địa bàn TP Thủ Đức. Đây là cửa ngõ chính phía Đông Bắc thành phố, kết nối qua Bình Dương, Bình Phước, nhưng nhiều năm qua là điểm nghẽn vì đường nhỏ hẹp chỉ 6 làn xe, đi qua khu dân cư, thường xuyên ùn tắc.
Kế hoạch mở rộng đoạn quốc lộ trên có từ hơn hai thập kỷ trước nhưng do vướng cơ chế, thiếu vốn, TP HCM chưa thể triển khai. Theo đề xuất làm dự án bằng hợp đồng BOT sắp tới, tuyến sẽ được mở rộng lên 53-60 m, kinh phí ước tính 10.000 tỷ đồng. Ngân sách sẽ góp 50%, còn lại do nhà đầu tư huy động.
Ngoài hai dự án trên, đoạn quốc lộ 1 từ An Lạc đến ranh tỉnh Long An, dài gần 10 km cũng được mở rộng lên 52 m với kinh phí gần 12.900 tỷ đồng, kỳ vọng xoá "nút thắt cổ chai" cửa ngõ phía Tây thành phố. Trong khi ở cửa ngõ phía Tây Bắc, quốc lộ 22 từ An Sương đến Vành đai 3 cũng được đề xuất đầu tư BOT để mở lên gần 40 m, kinh phí 3.600 tỷ đồng. Dự án còn lại là đường trục Bắc - Nam, đoạn từ đại lộ Nguyễn Văn Linh đến cầu Bà Chiêm, dài 7,5 km sẽ mở rộng từ 4 lên 10 làn xe, tổng vốn gần 4.500 tỷ đồng.
Theo Giám đốc Sở Giao thông Vận tải TP HCM Trần Quang Lâm, trở ngại lớn nhất khiến các trục đường chính, cửa ngõ ở thành phố nhiều năm qua chưa thể mở rộng như quy hoạch là thiếu vốn. Hiện, ngân sách chỉ đáp ứng khoảng 20% nhu cầu đầu tư cho giao thông, đặt ra yêu cầu cấp thiết cần đa dạng phương thức huy động nguồn lực. Nghị quyết 98 mở ra cơ hội lớn cho phát triển thành phố, nhưng chỉ có thời hạn 5 năm nên sở ưu tiên thực hiện trước các dự án cấp bách.
Để tránh đầu tư dàn trải, ảnh hưởng người dân, doanh nghiệp, ông Lâm cho biết các dự án trên được Sở Giao thông Vận tải đề xuất dựa trên nhiều tiêu chí cụ thể, gồm: vai trò quan trọng của tuyến đường, khả năng giải quyết ùn tắc, tính khả thi phương án tài chính cũng như khả năng huy động vốn.
Dưới góc độ nhà đầu tư, ông Lê Quốc Bình, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật TP HCM (CII), nói lo lắng nhất của doanh nghiệp là tính khả thi trong việc hoàn vốn khi làm các dự án BOT trên đường hiện hữu. Trước đây, thành phố đã từng kêu gọi đầu tư BOT cho nhiều dự án nhưng doanh nghiệp tham gia không nhiều vì khó thu hồi vốn, chưa nói đến lãi.
"Để thu hút nhà đầu tư, thành phố cần các đánh giá khả thi trong hoàn vốn, bởi ít có doanh nghiệp nào chịu bỏ tiền khi chỉ nhìn thấy rủi ro", ông nói, và cho rằng khi triển khai dự án BOT trên đường hiện hữu, thành phố nên ưu tiên những tuyến người dân có thể chọn trả phí hay đường cũ không phí, để "ai muốn đi nhanh sẽ vào phần đường BOT hoặc ngược lại".
Lãnh đạo CII cũng đề nghị tiêu chí chọn dự án BOT cũng cần đánh giá tổng thể kết nối giao thông xung quanh, tránh trường hợp người dân không vào đường BOT mà dồn qua nơi khác, gây ùn tắc, kéo theo phản ứng của dư luận như thời gian vừa qua.
Theo chuyên gia quy hoạch Ngô Viết Nam Sơn, Nghị quyết 98 mở ra cơ hội lớn cho thành phố phát triển hạ tầng, thay vì lệ thuộc chính vào đầu tư công như nhiều năm qua dẫn đến tình trạng "ngân sách có thì làm, không thì ngồi chờ". Việc huy động thêm nguồn lực từ tư nhân giúp thành phố đẩy nhanh tiến độ các dự án cấp bách.
Tuy nhiên, với kế hoạch triển khai các dự án BOT trên đường hiện hữu, ông Sơn cho rằng ngoài mục tiêu phát triển hạ tầng, thành phố cần nhắm đến cơ hội khai thác các khu đất gắn với dự án bởi giá trị sẽ tăng lên rất lớn. "Vấn đề này rộng, liên quan nhiều lĩnh vực giao thông, quy hoạch kiến trúc, tài chính... nên các sở ngành cần phối hợp chặt chẽ với nhau", ông nói và cho rằng nếu thiếu đồng bộ, sẽ ảnh hưởng dây chuyền đến toàn bộ tiến trình triển khai, lãng phí thời gian, cơ hội.
Một số chuyên gia khác cũng cho rằng việc đẩy nhanh đầu tư mở rộng các tuyến cửa ngõ, kết nối liên vùng của TP HCM không chỉ giúp giảm áp lực giao thông nội đô mà sẽ phát huy hiệu quả các công trình lớn khác như Vành đai 3, các trục cao tốc từ TP HCM đi Mộc Bài, Chơn Thành sắp đầu tư; đồng thời tạo điều kiện khai thác tiềm năng sử dụng đất, gia tăng cạnh tranh cho kinh tế cả vùng.
Gia Minh