Sáng 1/9/1858, đội quân khoảng 3.000 người do Phó đô đốc người Pháp Rigault de Genouilly chỉ huy cùng tàu hộ tống hạng nặng Némésis, ba tàu hộ tống hạng nhẹ, năm tàu pháo, một tàu trinh sát, ba tàu chở quân, hai tiểu đoàn thủy quân lục chiến, một đội pháo và hai tàu mượn của thương nhân tấn công Đà Nẵng.
Quân Nguyễn từ ải Hải Vân theo đường ngựa đã cấp báo về triều đình, thể hiện qua các châu bản còn lưu lại. Trong đó nêu từ chiều 30/8, triều đình đã phát hiện 12 tàu Tây Dương vào cửa biển Đà Nẵng. Vua Tự Đức lệnh cho Trần Hoằng phòng giữ các thành, pháo đào, đồn canh. Ngoài lực lượng tại chỗ, triều đình điều thêm binh lính đến ải Hải Vân và vị trí trọng yếu phòng thủ Đà Nẵng.
Lúc này liên quân Pháp - Tây Ban Nha đã khai hỏa vào khu vực Sơn Trà và pháo đài An Hải. Các đồn và pháo đài nhà Nguyễn cũng đáp trả, nhưng vũ khí chủ yếu là giáo mác, số ít súng thần công bắn đạn sắt và súng hỏa mai. Quan quân triều đình nhanh chóng thất thế, thương vong nhiều, phải rút lui.
Thành Điện Hải thất thủ
Chiếm được các pháo đài ở cửa biển Đà Nẵng, Phó đô đốc Rigault ra lệnh hành quân về phía eo đất nối bán đảo Sơn Trà với đất liền. Sách Thành Điện Hải - Lịch sử kiến trúc và vai trò trong cuộc chiến chống Tây xâm ở Đà Nẵng (1858-1860) ghi lại lời kể của đại tá Ponchalon: "Trời không có một ngọn gió để làm dịu những bộ ngực nóng cháy. Những người lính kiệt sức đôi khi dừng lại đột ngột trên đường như thể họ đang chóng mặt". Hành quân khi mặt trời đã ngả bóng và không vượt quá hai giờ, nhưng nhiều binh sĩ đã gục ngã. Người Tây phương gọi cái chết vì say nắng là "kẻ thù đáng gờm".
Sau khi chọn chỗ bằng phẳng của bán đảo Sơn Trà để đóng trại, tăng cường hỏa lực súng cối, lính liên quân chiếm giữ các công trình chính để bảo vệ bến cảng, dùng thuyền khảo sát thực địa. Sáng 2/9, liên quân Pháp - Tây Ban Nha với 6 chiếc tàu pháo tiếp tục tấn công và chiếm được đồn An Hải và thành Điện Hải - hai thành trì phòng thủ quan trọng của nhà Nguyễn.
Vua Tự Đức tức giận cách chức một loạt quan trấn thủ, điều động binh mã để tăng cường lực lượng chiến đấu, hòng lấy lại thế trận. Đại Nam Thực lục chép, vua sai Lê Đình Lý mang theo 2.000 quân cấm binh từ kinh đô Huế vào Đà Nẵng tùy nghi đóng đồn, phối hợp với Đào Trí tìm cách chống giữ với mục tiêu không để kẻ địch lên bờ. Trong lúc đó người An Nam cũng rời bỏ những ngôi làng dọc theo hai bờ sông Hàn, để lại vườn không nhà trống.
Chịu áp lực lớn bởi sự đe dọa phản công mạnh mẽ của quân triều Nguyễn, ngày 6/9, liên quân phá hủy thành Điện Hải, lùi về phía hữu ngạn sông Hàn lập tuyến phòng thủ để giữ đồn An Hải và bán đảo Sơn Trà. Ý đồ tốc chiến, tốc thắng của liên quân bị chặn đứng, mở ra thế trận giằng co quanh khu vực thành Điện Hải.
Theo một lính thủy pháo hạm Alarme bị bắt ngày 15/9, sau khi bị nhốt vào cũi tre, ông ta bị bêu từ làng này đến làng khác trong ba ngày, sau đó cầm thư về cho chỉ huy. Bức thư viết: "Giống như kẻ trộm lén lút đột nhập vào nhà ban đêm để hành nghề trộm cắp, tương tự các ông đã đánh úp chúng tôi, thiêu đốt nhà cửa của chúng tôi, ném mọi thứ vào lửa và máu. Cho đến nay, các ông mới phải đối phó với đội quân địa phương, nhưng một mai khi quân đội chính quy đến đây, chúng tôi sẽ bắt các ông phải trả giá đắt cho hành động hèn hạ của mình".
Chiến thuật 'lấy thủ làm chiến' của tướng Nguyễn Tri Phương
Nhiều quan lại triều Nguyễn tình nguyện đến Đà Nẵng chống giặc. Vua Tự Đức ban hành quân luật: "Quan quân ở quân thứ Quảng Nam, ai ra trận chém, bắt hoặc bắn chết được giặc, cùng là người chết trận, bị thương, thì lệ thưởng mức cấp tiền tuất đều hậu đãi. Nếu ai nhút nhát rút lui, không cứ là tướng hay quân lính, đều lập tức chém đầu cho mọi người biết răn".
Vua Tự Đức đã cử Nguyễn Tri Phương đang làm quan ở Nam kỳ ra làm tổng chỉ huy chống Pháp ở Đà Nẵng, tháng 10/1858, khi mà cả phòng tuyến Điện Hải và An Hải đều bị vỡ. Tướng Nguyễn Tri Phương đã nhanh chóng cho xây dựng phòng tuyến Liên Trì đến chân núi Cẩm Khê dài 3 km nhằm thực hiện kế sách "lấy thủ làm chiến", xây dựng thêm đồn lũy để đánh giặc lâu dài.
Thấy nhà Nguyễn dường như án binh bất động, liên quân Pháp - Tây Ban Nha cũng không mở rộng phạm vi chiếm đóng. Lợi dụng thời gian này, thành lũy của quân triều đình mọc lên ở mọi lối đi. Phòng tuyến gồm nhiều hầm dích dắc, dưới cắm chông, trên phủ cát và chướng ngại vật ngụy trang.
Quân dân triều Nguyễn dưới sự chỉ huy của Nguyễn Tri Phương đã tổ chức những cuộc phục kích bất ngờ, liên tục vây ép, đánh tỉa để tiêu hao sinh lực địch khi đi tuần hoặc đi săn nơi vắng vẻ. Số địch bị loại khỏi vòng chiến đấu ngày một tăng, nhiều tàu chiến cũng bị bắn thủng, đe dọa chìm.
Rigault de Genouilly, Phó đô đốc tổng chỉ huy liên quân Pháp - Tây Ban Nha, đã phải bỏ ý định đánh chớp nhoáng Đà Nẵng. Đầu tháng 2/1859, Rigault rút bớt lực lượng ở Đà Nẵng để tiến vào đánh chiếm Gia Định.
Trận "thư hùng" dưới chân núi Hải Vân
Theo nhà nghiên cứu Lưu Anh Rô, Phó chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử TP Đà Nẵng, nếu nói trận "thư hùng đích thực" giữa quân dân Việt Nam với liên quân Pháp - Tây Ban Nha tại Đà Nẵng thì là trận ở đồn Chân Sảng, nằm về phía nam chân núi Hải Vân, chứ không phải ở thành Điện Hải hay đồn An Hải.
Ngày 11/8/1859, Đô đốc Théogène François Page thay thế Rigault de Genouilly chỉ huy liên quân đánh vào pháo đài Định Hải, đồn Chân Sảng và Hải Vân quan, nhằm phá hủy hết các đồn phía tây bắc vịnh Đà Nẵng đang chắn tuyến đường đi Huế, cắt đứt việc liên lạc của quân nhà Nguyễn với kinh đô Huế. Trong đó, đồn Chân Sáng là pháo đài án ngữ con đường lên đỉnh đèo Hải Vân.
Liên quân Pháp - Tây Ban Nha huy động nhiều lực lượng, chia thành hai cánh. Trong đó cánh quân của thiếu tá Des Pallières gồm một trung đội công binh, một đại đội pháo binh, 6 đại đội lính thủy đánh bộ. Cánh quân còn lại của lính Tây Ban Nha có nhiệm vụ đánh chiếm pháo đài Chân Sảng. Ngoài ra, còn một lực lượng dự bị gồm 5 đại đội lính thủy đánh bộ và 2 đại đội quân Tây Ban Nha.
Trong khi lính liên quân chia nhau "bắn bừa vào đồn" thì quân nhà Nguyễn ở đồn Chân Sảng đã bắn đại bác trúng chiến hạm Némésis do Đô đốc Page trực tiếp chỉ huy. Page thoát chết nhưng trung tá Duppré Déroulède, Tiểu đoàn trưởng chỉ huy đội công binh, một thủy thủ cầm lái và một nhiều binh lính tử trận. Liên quân Pháp - Tây Ban Nha sau đó vẫn đổ bộ và chiếm đóng được đồn Chân Sảng, chặn được đường liên lạc giữa Huế và Đà Nẵng.
Đường "quan báo" Hải Vân bị chặn, vua Tự Đức sai thống chế Nguyễn Trọng Thao sung chức đề đốc quân vụ, mang theo 300 lính tuyển chọn nhanh chóng đến tìm cách đánh chiếm lại. Nhà vua cũng sai gấp rút mở con đường thư tín mới qua đèo Hải Vân. Dù đóng chiếm được Chân Sảng và đồn Định Hải, quân địch cũng mệt mỏi, cố thủ vì thường xuyên bị quân nhà Nguyễn đến quấy phá.
Quân triều đình đã giữ được thành Điện Hải sau hai lần thất thủ, lập thế trận bao vây, áp sát đến cửa biển. Lính liên quân Pháp - Tây Ban Nha đành dậm chân tại chỗ trên doi đất nhỏ hẹp dưới chân núi Sơn Trà, thậm chí Pháp hai lần xin nghị hòa để hoãn binh trong tình cảnh thiếu lương thực, hàng trăm quân chết vì bệnh tả. Tháng 3/1860, liên quân rút khỏi Đà Nẵng.
"Chiến thắng của ta ở mặt trận Đà Nẵng là tổng hợp của nhiều nguyên nhân, trong đó có tinh thần yêu nước cùng sự dũng cảm hy sinh của quân dân, có các tướng lĩnh chỉ huy giỏi, triều đình luôn khích lệ, thưởng phạt nghiêm minh", ông Huỳnh Hùng, nguyên Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao TP Đà Nẵng, đánh giá.
Nguyễn Đông
(Bài viết tham khảo nhiều sách, tư liệu của các nhà nghiên cứu)
Bài tiếp: Bài học chiến tranh du kích từ những ngày đầu chống Pháp