Julius Robert Oppenheimer sinh ngày 22/4/1904 tại một gia đình giàu có ở thành phố New York, Mỹ. Cha ông là một người nhập cư Đức gốc Do Thái làm nghề buôn vải, còn mẹ ông là một họa sĩ người Mỹ. Ông có một em trai tên Frank, người sau này cũng trở thành nhà vật lý.
Sau khi tốt nghiệp xuất sắc Đại học Harvard năm 1925, Oppenheimer chuyển tới Anh sinh sống và làm việc tại phòng thí nghiệm Cavendish ở Đại học Cambridge, dưới sự hướng dẫn của J. J. Thomson, nhà vật lý học người Anh đoạt giải Nobel vào năm 1906.
Trong thời gian này, Oppenheimer được cho là đã mắc phải một số vấn đề về tâm lý do mối quan hệ không tốt đẹp với Patrick Blackett, một trong những người hướng dẫn của ông tại phòng thí nghiệm.
Theo American Prometheus, cuốn tiểu sử về Oppenheimer của hai tác giả Kai Bird và Martin J. Sherwin, nhà vật lý kể với bạn bè rằng mình đã từng đặt một quả táo tẩm thuốc độc lên bàn làm việc của Blackett, nhưng rất may là đã không có ai ăn phải nó. Dù vậy, ông vẫn bị ban lãnh đạo trường đại học điều tra và áp đặt biện pháp quản chế trong một thời gian.
Jeffries Wyman, một người bạn của Oppenheimer, cho biết có thể nhà vật lý đã phóng đại về sự việc, nhưng "dù đây là quả táo tưởng tượng hay thật, đó cũng là hành động thể hiện sự đố kỵ".
Cuối năm 1926, Oppenheimer rời Cambridge để chuyển tới làm việc tại Đại học Göttingen ở Đức, nơi ông được trao bằng tiến sĩ về vật lý lượng tử. Ông quay về Mỹ năm 1929 để đảm nhiệm vai trò trợ lý giáo sư tại Đại học California-Berkeley, cũng như giảng dạy ở Viện nghiên cứu Công nghệ California. Trong vòng 14 năm, ông đã đưa California-Berkeley trở thành một trong những trường đại học nổi tiếng nhất về lĩnh vực vật lý lý thuyết.
Vào đầu năm 1942, Oppenheimer được chính phủ Mỹ mời tham gia dự án tuyệt mật về chế tạo bom nguyên tử mang tên "Manhattan". Ông được bổ nhiệm làm giám đốc khoa học của dự án vào cuối năm. Hoạt động chế tạo bom nguyên tử bắt đầu được triển khai vào năm 1943 tại phòng thí nghiệm ở Los Alamos, bang New Mexico.
Tại đây, Oppenheimer đã tập hợp đội ngũ nhà khoa học hàng đầu thế giới để thực hiện dự án. Ông đã thuyết phục quân đội Mỹ cho phép các nhà khoa học mang theo người thân tới Los Alamos, vì một số người chỉ đồng ý tham gia dự án nếu được đi cùng gia đình.
Với tư cách là người đứng đầu, Oppenheimer đã truyền cảm hứng, thúc đẩy và khích lệ các thành viên trong nhóm thể hiện hết năng lực của mình.
"Ông ấy không chỉ đạo từ văn phòng. Ông ấy đã sát cánh với chúng tôi, cả về trí tuệ và trên thực tế, trong từng giai đoạn quyết định của dự án", Victor Weisskopf, thành viên của dự án "Manhattan", cho biết.
Gần 3 năm sau khi dự án được thành lập, Openheimer và các cộng sự thực hiện thành công "Trinity", vụ thử hạt nhân đầu tiên trong lịch sử loài người, tại sa mạc Jornada del Muerto ở New Mexico. Chỉ khoảng 3 tuần sau đó, vào ngày 6/8 và 9/8/1945, Mỹ thả hai qua bom nguyên tử xuống thành phố Hiroshima và Nagasaki của Nhật Bản, khiến khoảng 200.000 người thiệt mạng và đặt dấu chấm hết cho Thế chiến II.
Nhờ góp công vào nỗ lực kết thúc cuộc chiến, Oppenheimer đã được chính phủ Mỹ trao Huân chương Công trạng vào năm 1946. Mặc dù vậy, sức tàn phá khủng khiếp của hai quả bom nguyên tử ở Hiroshima và Nagasaki đã gây ra nỗi ám ảnh lớn đối với ông.
Tại cuộc gặp Tổng thống Mỹ Harry Truman tháng 10/1945, hai tháng sau vụ nổ bom nguyên tử ở Nhật, Oppenheimer nói rằng bản thân cảm thấy "tay mình đã nhuốm máu". Thái độ của nhà vật lý đã khiến Tổng thống Truman không hài lòng.
"Tay đã nhuốm máu à, máu trên tay ông ta còn không nhiều bằng một nửa trên tay tôi", ông Truman nói với cố vấn sau cuộc gặp. "Không thể cứ đi khắp nơi rên rỉ như thế được. Tôi không muốn gặp gã khốn đó ở trong văn phòng mình một lần nào nữa".
Trong bộ phim tài liệu do NBC News phát hành vào năm 1965, Oppenheimer tiếp tục thể hiện nỗi ân hận của mình khi trích dẫn một câu trong Chí Tôn Ca, văn bản cổ của đạo Hindu, để mô tả về bản thân: "Giờ tôi đã trở thành Thần chết, kẻ hủy diệt mọi thế giới".
Với vai trò là chủ tịch Ủy ban Năng lượng Nguyên tử (AEC), tổ chức được thành lập để thay thế dự án Manhattan sau Thế chiến II, Oppenheimer đã nỗ lực phản đối việc sử dụng vũ khí hạt nhân, trong đó bao gồm việc phát triển bom nhiệt hạch. Ông kêu gọi chính phủ Mỹ chỉ sử dụng vũ khí hạt nhân với mục đích chiến thuật và theo đuổi những ứng dụng khác của công nghệ hạt nhân như sản xuất năng lượng.
Quan điểm chống vũ khí hạt nhân của Oppenheimer đã khiến nhà vật lý này trở thành kẻ thù chính trị đối với một số người. Ông bị AEC thông báo tước bỏ đặc quyền miễn trừ an ninh vào năm 1953 do bị nghi làm gián điệp cho Liên Xô.
Sau khi Oppenheimer khiếu nại, một phiên điều trần đã được tổ chức vào tháng 4/1954 để làm rõ những cáo buộc nhắm vào ông, nhưng quyết định của AEC vẫn được giữ nguyên.
Quyết định này đồng nghĩa Oppenheimer không còn được phép tiếp cận các bí mật hạt nhân của chính phủ Mỹ, chấm dứt sự nghiệp của ông như là một nhà vật lý hạt nhân.
"Oppenheimer là một người đàn ông của hòa bình và khoa học, và họ đã hủy hoại ông ấy. Một nhóm nhỏ nhưng xấu tính", nhà vật lý Isidor Isaac Rabi, bạn thân của Oppenheimer, nhận xét về cuộc điều trần.
Đến tháng 12/2022, Bộ Năng lượng Mỹ mới "giải oan" cho Oppenheimer thông qua việc hủy bỏ quyết định của AEC về việc tước quyền miễn trừ an ninh của ông.
"Chúng tôi đã phát hiện nhiều bằng chứng về thái độ thành kiến và không công bằng trong quá trình xử lý sự việc của tiến sĩ Oppenheimer, trong khi các chứng cứ về lòng trung thành và tình yêu nước của ông ngày càng được khẳng định", Bộ trưởng Năng lượng Mỹ Jennifer Granholm tuyên bố.
Sau khi chấm dứt liên hệ với chính phủ Mỹ, Oppenheimer đã dành phần đời còn lại để tập trung vào sự nghiệp khoa học và giảng dạy. Năm 1963, khi AEC tìm cách hàn gắn quan hệ với Oppenheimer, ông được trao tặng giải Enrico Fermi, danh hiệu cao quý nhất của AEC.
Ông qua đời vào ngày 18/2/1967 do bệnh ung thư vòm họng.
Oppenheimer được ca ngợi là "cha đẻ của bom nguyên tử", nhưng lại dành nửa sau cuộc đời để phản đối vũ khí hạt nhân vì ân hận với phát minh của mình. Ông từng được chính phủ Mỹ vinh danh là anh hùng dân tộc, nhưng sau đó lại bị nghi ngờ làm gián điệp cho nước ngoài.
Dù là nhà khoa học vĩ đại hay "kẻ hủy diệt thế giới", là người yêu nước hay kẻ phản bội, Oppenheimer vẫn được đánh giá là một người quan trọng trong lịch sử, như nhận xét của Christopher Nolan, đạo diễn bộ phim bom tấn cùng tên đang được công chiếu trên thế giới.
"Dù thích hay không, chúng ta đều đang sống trong thế giới của Oppenheimer", Nolan nói. "Ông ấy đã tạo ra thế giới mà chúng ta đang ở, dù là theo chiều hướng tốt hơn hay xấu đi".
Phạm Giang (Theo Time, CNN, Washington Post)