Đặc biệt hơn, gia đình mới của anh Nguyễn Văn Lịch và ba đứa trẻ trong đó có một bé con riêng của người vợ mới vẫn ở lại nhà bà Sáu. "Từ lâu tôi coi Lịch như con trai nên nó lấy vợ khác thì vẫn ở nhà tôi chứ đi đâu", bà Sáu (59 tuổi) giải thích.
Anh Lịch, 33 tuổi và con gái bà Sáu kết hôn 10 năm trước. Bà là người dân tộc Mường, có phong tục "bắt rể" nên đề nghị vợ chồng Lịch sống chung bởi nhà neo người. Anh con rể đồng ý.
Những năm đầu hôn nhân, cặp vợ chồng trẻ lần lượt sinh hai đứa con, đủ nếp đủ tẻ. Anh Lịch làm thợ mộc, cuộc sống dù không dư dả nhưng hạnh phúc. Ngoài đi làm, anh còn giúp vợ chăm sóc con cái, cơm nước, dọn dẹp nhà cửa. Mười năm sống chung nhà, bà Sáu chưa lần nào phải phàn nàn về con rể.
Ba năm trước, cuộc sống gia đình nhỏ bắt đầu xáo trộn khi vợ anh Lịch mở cửa hàng làm đẹp, quan điểm sống của hai vợ chồng ngày càng khác biệt. Mâu thuẫn phát sinh, người phụ nữ này đơn phương nộp đơn ly hôn. Biết là con gái mình có lỗi, bà Sáu liên tục khuyên nhủ nhưng không thành.
"Vợ chồng chia tay, Lịch định đưa một con rời đi nơi khác nhưng tôi khuyên nên nghĩ tới hai đứa nhỏ, không nên để anh em chúng phải lìa nhau", bà Sáu kể lại. Thương con, người đàn ông này ở lại nhà vợ cũ. Con gái bà Sáu bỏ nhà đi làm ăn xa, tháng về thăm con một, hai lần.
Ngày vợ chồng con gái chính thức ly hôn, bà Sáu tuyên bố nhận Lịch là con trai. Trong di chúc, bà cũng để lại tài sản cho anh cùng hai đứa cháu. Suốt mấy năm sau, thấy anh Lịch hàng ngày lặng lẽ chăm sóc bọn trẻ, bà khuyên đi thêm bước nữa. Ban đầu người đàn ông này từ chối, sợ con cái khổ vì cảnh mẹ kế con chồng, nhưng bà Sáu lại động viên "Có vợ, có thêm người cùng chăm sóc con cái. Mẹ cũng cần có chỗ dựa khi về già".
Đầu năm nay, Lịch quen một phụ nữ đơn thân ở Lương Sơn, Hòa Bình. Sau vài tháng tìm hiểu, họ tính đến chuyện cưới hỏi.
Khi tâm sự với mẹ vợ cũ, bà Sáu khuyên anh nên thưa chuyện với bố mẹ đẻ rồi mang lễ đến xin dâu. Nhưng Lịch nói luôn coi bà như mẹ ruột, muốn nhận được sự đồng ý của bà trước rồi mới thưa chuyện với gia đình mình. Bố mẹ đẻ anh Lịch cũng ủng hộ con trai, muốn để bà Sáu toàn quyền quyết định đám cưới. Sau khi thống nhất ngày giờ đẹp, người phụ nữ này bàn bạc với anh em họ hàng, cùng thông gia cũ đảm nhận vai trò nhà trai, tổ chức hôn lễ.
Đám cưới lần này, bà Sáu lên danh sách khách mời, đôn đáo chuẩn bị cỗ bàn, lo liệu mọi việc để ngày vui diễn ra trọn vẹn. Mọi chi phí đám cưới, từ ga đệm, giường tủ mới cho đến cỗ bàn phông rạp, tổng chi phí hơn 150 triệu đồng đều do bà Sáu chi trả. Bà không mời làng xóm mà chỉ báo tới họ hàng nội ngoại, cùng người nhà anh Lịch ở Yên Trung, Thạch Thất cách đó 14-15 km đến chung vui. Lúc ăn hỏi rồi xin dâu, bà Sáu cùng đại diện nhà trai mang trầu cau thưa chuyện cưới hỏi theo đúng phong tục.
Vào ngày cưới, khi lên trao quà cho hai con, người phụ nữ này không nén nổi xúc động. Trong lời nhắn nhủ tới con rể cũ, bà gửi gắm: "Mẹ mong hai đứa sống thật hạnh phúc".
Việc bà Sáu tổ chức đám cưới cho con rể đi lấy vợ khác khiến bà con lối xóm ai cũng bất ngờ. Ông Bùi Văn An, trưởng thôn Viên Nam nói thấy nể phục vì hành động của người phụ nữ này. "Ở xã, đây có lẽ là trường hợp đầu tiên cũng như là duy nhất cho đến thời điểm hiện tại mà mẹ vợ cũ làm đám cưới cho con rể", ông An nói.
Với bà Sáu, khi quyết định tổ chức đám cưới cho Lịch, bà không nghĩ sâu xa sau này nhận được sự đền đáp mà chỉ tâm niệm phải yêu thương đối xử với anh như con cái trong nhà. Dù vậy, cũng có người trách bà không thương con gái, không chỉ cưới vợ mới cho con rể cũ mà còn sống chung dưới một mái nhà. Bà Sáu bộc bạch, nếu tương lai con gái đi bước nữa, cũng sẽ lo chu toàn như đám cưới của Lịch. Tuy nhiên, bà sẽ không ở chung với gia đình mới của con gái để đôi bên tránh va chạm.
Theo kế hoạch, sau đám cưới, vài ngày tới Lịch và vợ mới sẽ làm lễ gia tiên tại nhà cha mẹ ruột. Hiện bà Sáu cũng đang làm thủ tục nhập khẩu cho vợ mới của anh về nhà mình, cũng như đón con riêng của cô đến ở chung. Từ ngày bố lấy vợ, hai con của Lịch cũng rất quấn quýt mẹ kế, điều mà bà Sáu cảm thấy may mắn và mãn nguyện.
"Giờ chỉ mong cả gia đình sống hòa thuận, hạnh phúc, với tôi như thế là trọn vẹn", người phụ nữ 59 tuổi nói.
Hải Hiền