Chủ nhật, 24 tháng 11 năm 2024

24 0C

Hà Nội

Cựu giám đốc BIDV Tây Sài Gòn kêu oan

Thứ ba, 05/09/2023 | 10:36
[G-News24/7] -

Sau hơn 5 năm bị tạm giam trong vụ án liên quan cựu bí thư thị xã Bến Cát Nguyễn Hồng Khanh, ông Nguyễn Huy Hùng và Nguyễn Quang Lộc (53 tuổi, cựu phó phòng Trung tâm xử lý nợ BIDV Chi nhánh Tây Sài Gòn) vừa được Công an tỉnh Bình Dương cho tại ngoại, cấm đi khỏi nơi cư trú.

Trong đơn kêu cứu gửi VnExpress, ông Hùng cho rằng không phạm tội Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí như cáo buộc. Việc vụ án kéo dài nhiều năm, vẫn đang điều tra sau nhiều lần trả hồ sơ, và có nguy cơ kéo dài sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống, tinh thần của ông và gia đình.

Công an Bình Dương cáo buộc, năm 2005 đến 2008, bà Hiệp (Giám đốc Công ty An Tây, đã chết năm 2016) vay của BIDV Chi nhánh Tây Sài Gòn hơn 72 tỷ đồng, thế chấp một số bất động sản thuộc sở hữu của bà, con gái và công ty. Tổng giá trị tài sản đảm bảo là hơn 80 tỷ đồng. Đến năm 2008, Công ty An Tây gặp khó khăn, không có khả năng trả nợ nên BIDV đã đưa khoản vay này vào danh mục nợ xấu. Tháng 12/2011, BIDV Chi nhánh Tây Sài Gòn đã sử dụng trích lập quỹ dự phòng để xử lý rủi ro đối với khoản nợ của bà Hiệp. Đồng thời, hai bên thỏa thuận sẽ phát mãi các tài sản còn lại để thu hồi nợ.

Năm 2012, ông Hùng với vai trò là Giám đốc BIDV Chi nhánh Tây Sài Gòn đã giao cho Nguyễn Quang Lộc (53 tuổi, Phó phòng quan hệ khách hàng doanh nghiệp) xử lý tài sản thế chấp. Phương thức nhà băng đưa ra là giao tài sản cho bà Hiệp tự bán cho bên mua, có sự giám sát và đồng ý của ngân hàng.

cuu-giam-doc-BIDV-1-6980-1693048869.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=5CsMWzoXDh4yghkztJCODA

Ông Nguyễn Huy Hùng (trái) trong lần ra tòa năm 2021. Ảnh: Duy Bình

Cơ quan điều tra cho rằng ông Hùng và Lộc đã xử lý tài sản thế chấp để thu hồi phần vốn cho vay không đúng theo quy định, gây thiệt hại cho ngân hàng (có vốn Nhà nước). Để che giấu việc thanh toán tiền mua bán tài sản đảm bảo trái pháp luật, các cán bộ ngân hàng và ông Khanh, bà Hiệp đã ký hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất thấp hơn giá thực tế. Tổng cộng, ông Khanh đã nhận chuyển nhượng của bà Hiệp và Hảo hơn 180.000 m2 đất nông nghiệp, thanh toán qua 4 đợt. Số tiền ngân hàng thu hồi được từ việc xử lý tài sản của bà Hiệp là hơn 10 tỷ đồng. Bà Hiệp nhận từ ông Khanh hơn 4,3 tỷ đồng.

Theo kết quả định giá, giá trị quyền sử dụng đất nói trên tại thời điểm xử lý tài sản thế chấp là hơn 45,7 tỷ đồng. Từ đó, Công an Bình dương cho rằng hành vi của ông Hùng, Lộc là trái quy định về xử lý tài sản bảo đảm khiến ngân hàng bị thất thoát 35,7 tỷ.

Về cáo buộc này, ông Hùng cho biết, được phân công làm Giám đốc BIDV Tây Sài Gòn từ tháng 5/2012, lúc ngân hàng vừa chuyển đổi từ ngân hàng thương mại Nhà nước sang thương mại cổ phần có vốn Nhà nước. Trong khi đó, các khoản vay của công ty bà Hiệp đã được đưa vào danh sách nợ xấu từ năm 2008, và đến cuối năm 2011 ngân hàng sử dụng quỹ trích lập dự phòng để xử lý rủi ro.

"Do đó, nếu có thất thoát, lãng phí tài sản Nhà nước là 'vốn cho vay' thì sự việc phải xảy ra trước khi BIDV Tây Sài Gòn trích lập dự phòng - tức trước lúc tôi làm Giám đốc chi nhánh", ông Hùng nói.

Ngoài ra, theo ông Hùng, Ngân hàng Nhà nước quy định, sau khi các khoản nợ đã được trích lập dự phòng thì số tiền thu hồi được từ việc xử lý tài sản bảo đảm, được coi là doanh thu trong kỳ kế toán của BIDV Tây Sài Gòn. Hơn nữa, diện tích đất mà bà Hiệp thỏa thuận chuyển nhượng cho ông Khanh có sự đồng ý của ông (đại diện ngân hàng) là tài sản do bà Hiệp đứng tên trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, thế chấp cho ngân hàng để thực hiện nghĩa vụ trả nợ chứ không phải là tài sản Nhà nước.

"Tôi cũng không phải là chủ thể được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền quyết định giao quyền quản lý và sử dụng tài sản Nhà nước theo Luật Quản lý, sử dụng tài sản công", cựu giám đốc BIDV Tây Sài Gòn nói, đồng thời cho rằng Công an Bình Dương xác định số tiền thu được từ việc xử lý tài sản của khoản nợ đã sử dụng quỹ dự phòng để xử lý rủi ro thành giá trị thất thoát là trái với quy định của pháp luật về xử lý tài sản bảo đảm sau khi trích lập dự phòng.

"Mặt khác, nếu có hành vi sai phạm liên quan đến việc xử lý tài sản để thu hồi nợ xảy ra tại BIDV Tây Sài Gòn có trụ sở tại quận 11, TP HCM, thì thẩm quyền điều tra phải thuộc Công an TP HCM chứ không phải của Công an Bình Dương", ông Hùng nêu vấn đề.

bi-thu-ben-cat-keu-oan-1786-16-1621-8989-1693198593.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=-qzTdAYKeDyAgZdsBRnBKA

Ông Nguyễn Hồng Khanh nói về các mâu thuẫn của chứng cứ cáo buộc. Ảnh: Hải Duyên

Liên quan cáo buộc ông Hùng, Lộc, ông Khanh, bà Hiệp cấu kết với nhau che giấu việc thanh toán tiền mua bán tài sản đảm bảo trái pháp luật, cựu giám đốc BIDV Tây Sài Gòn nói việc này sai sự thật. Còn trước đó ông Nguyễn Hồng Khanh (được tại ngoại hồi tháng 8/2020) khẳng định hoàn toàn không quen biết Hùng và Lộc. Công an Bình Dương không thu thập được chứng cứ tài liệu nào thể hiện việc ông móc nối với cán bộ ngân hàng, bởi thực tế việc mua bán đất giữa ông với bà Hiệp là nhờ Trọng (cò đất).

Theo hồ sơ vụ án, tháng 5/2018, ông Hùng, Lộc và Khanh bị bắt tạm giam, đều không thừa nhận hành vi sai phạm. Hai năm sau, TAND tỉnh Bình Dương xét xử sơ thẩm, tuyên phạt ông Khanh 10 năm tù; Hùng nhận 12 năm tù, Lộc 11 năm. Các bị cáo kêu oan và đề nghị tòa phúc thẩm tuyên mình vô tội.

Năm 2021, TAND Cấp cao tại TP HCM xử phúc thẩm, chỉ ra nhiều vi phạm tố tụng, quan điểm, nhận định của tòa sơ thẩm còn mâu thuẫn, bất hợp lý; tuyên hủy án, trả hồ sơ điều tra bổ sung vì chưa đủ căn cứ buộc tội các bị cáo. Trong đó, HĐXX phúc thẩm cho rằng, tòa sơ thẩm chưa làm rõ đất bà Hiệp chuyển nhượng cho ông Khanh có hay không phải là tài sản nhà nước; các chủ thể thực hiện hành vi tội phạm có được cơ quan có thẩm quyền giao quản lý tài sản Nhà nước?...

Sau gần 2 năm điều tra bổ sung, trong kết luận điều tra mới nhất Công an Bình Dương xác định tài sản Nhà nước bị ảnh hưởng trong vụ án là "các tài sản thế chấp" thành "vốn cho vay của BIDV". Tuy nhiên, hồ sơ vụ án tiếp tục bị VKS trả để điều tra bổ sung lần thứ 3.

Ông Hùng cho biết, việc bị vướng vào vụ án khiến cuộc sống gia đình ông đảo lộn. Trong những ngày bị tạm giam, cha ông vì đau buồn mà đổ bệnh và qua đời, ông không thể về chịu tang. Ông từng phải đối diện với cái chết khi mắc Covid-19 trong trại giam, hiện sức khỏe bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Ông đề nghị các cơ quan tố tụng tỉnh Bình Dương xem xét, chỉ đạo sớm giải quyết dứt điểm vụ án, không gây oan sai cho ông.

Hải Duyên

g-news247