Thứ ba, 26 tháng 11 năm 2024

24 0C

Hà Nội

Đại cảnh được đầu tư nhất 'Đất rừng phương Nam'

Thứ bảy, 09/09/2023 | 00:42
[G-News24/7] -
Đại cảnh được đầu tư nhất 'Đất rừng phương Nam'

Hậu trường đại cảnh được đầu tư nhất phim "Đất rừng phương Nam" do đoàn phim công bố trưa 7/9. Video: HKFilm

Theo đạo diễn Quang Dũng, phân đoạn được đầu tư nhất phim, tái hiện không khí sinh hoạt của người xóm chợ, với hàng chục ghe thuyền trên hệ thống kênh rạch của rừng tràm, những hiệu buôn, tiệm ăn người Hoa. Tại khu chợ này, bé An gặp gỡ nhiều nhân vật quan trọng, giúp đỡ cậu trên đường tìm cha, như cha con ông Ba bắt rắn, ông Tiều, quán rượu dì Tư Ù.

Vì không có điều kiện dựng toàn bộ phim trường, êkíp xây theo kiểu "bán phim trường" - dựa vào kiến trúc có sẵn và dựng 70% bối cảnh. Các nội thất, phụ kiện được sưu tầm để đảm bảo bám sát bối cảnh trong nguyên tác. Với bối cảnh này, nhà sản xuất huy động gần 400 diễn viên quần chúng, may mới gần 500 bộ trang phục để khắc họa cuộc sống trên bến dưới thuyền.

Do phần lớn người dân hiện đều dùng thuyền composite (thuyền nhựa), êkíp mất vài tháng để đóng mới hơn 50 chiếc thuyền gỗ tại nhà xưởng ở Đồng Tháp. Sau đó, họ chất lên ghe lớn, chở về rừng tràm Trà Sư, tiếp tục dùng nhiều phương tiện để chuyển thuyền về bối cảnh chính.

dat-rung-pn-2-6787-1694065385.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=Ca2Sy20yqiuNt56sBZwF5Q

Toàn cảnh khu chợ nổi miền Nam đầu thế kỷ 20 trong phim. Ảnh: Huyền Đỗ

Nguyễn Quang Dũng cho biết khó khăn lớn nhất khi thực hiện đại cảnh chợ nổi là điều động các phương tiện sông nước. Do đặc tính khó điều chỉnh vị trí khi quay trên sông, êkíp mất nhiều thời gian để dàn cảnh ghe xuồng tấp nập ngược xuôi. "Công đoạn này rất phức tạp, chúng tôi phải lên chiến lược rõ ràng", đạo diễn cho biết.

Lúc trailer phim ra mắt hồi tháng 8, nhiều khán giả chê bối cảnh thiếu chân thực, chẳng hạn cây cầu được xây dựng hoành tráng, nhà hai bên sông khang trang quá mức so với cuộc sống bấy giờ. Khi ấy, đạo diễn Quang Dũng nói đoàn làm phim "cố gắng làm hết sức" để chuyển tải tinh thần trong tác phẩm gốc của Đoàn Giỏi, song mỗi khán giả sẽ có một hình dung, tưởng tượng khác nhau về bối cảnh chợ nổi. "Lúc hậu kỳ, êkíp sẽ bồi đắp thêm kỹ xảo, tạo bất ngờ cho khán giả khi phim công chiếu", Quang Dũng nói.

Ngoài cảnh chợ nổi, nhiều cảnh đẹp đặc trưng của miền Tây như rừng ngập mặn, vườn cò, những đồng lúa bát ngát, bãi bùn mênh mông cũng được đưa vào phim. Suốt hai tháng, đoàn phim ghi hình khắp các tỉnh An Giang, Sóc Trăng, Đồng Tháp, Cần Thơ. Đạo diễn cho biết: "Càng đi, tôi càng thấy miền Tây thật đẹp. Bỗng nhiên, tôi cũng được tham gia vào chuyến phiêu lưu trong phim, cùng chú bé An khám phá thiên nhiên, con người".

dat-rung-pn-1-4162-1694065386.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=4RHtMGopWXlx0gYi9eWCkA

Quá trình tái hiện các nhà hàng, cửa tiệm bên sông. Ảnh: Huyền Đỗ

Tác phẩm dự kiến ra rạp ngày 20/10 sau gần một năm quay. Hiện êkíp công bố hầu hết gương mặt chính trong phim. Bộ ba diễn viên nhí An, Cò, Xinh lần lượt do Huỳnh Hạo Khang, Kỳ Phong - cùng 13 tuổi, Bùi Lý Bảo Ngọc - 11 tuổi đảm nhận. Trấn Thành vào vai bác Ba Phi - nhân vật ghi dấu qua diễn xuất nghệ sĩ Mạc Can, Mai Tài Phến đóng Võ Tòng (bản cũ do Lê Quang thể hiện). Các diễn viên còn lại gồm Công Ninh, Hứa Vĩ Văn, Tuyền Mập, Tuấn Trần.

Nghệ sĩ Vinh Sơn - đạo diễn Đất phương Nam - làm cố vấn sản xuất. Diệp Thế Vinh đạo diễn hình ảnh, nhạc sĩ Đức Trí là giám đốc âm nhạc. Phim do nhà sản xuất Nguyễn Trinh Hoan - giám đốc đơn vị làm phim Bố già, Tiệc trăng máu, Tháng năm rực rỡ - phụ trách.

Mai Nhật

g-news247